Luận văn Hương ước cải lương huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang 1923-1942
1. Lý lo chọn đề tài Hương ước - sản phẩm văn hoá độc đáo gắn liền với lịch sử làng xã người Việt và các nước Á Đông như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc. Ở Việt Nam, hương ước xuất hiện từ khoảng thế kỷ thứ XV, trở thành công cụ tự quản, điều chỉnh các mối quan hệ cộng đồng làng xã. Do đó, nó trở thành “chìa khoá” giúp chúng ta tìm hiểu về chốn hương thôn trong thời kỳ lịch sử đã qua. Đối với những ai từng quan tâm nghiên cứu làng Việt cổ truyền đều cho rằng: Hương ước là tấm gương phản chiếu khá trung thực cuộc sống làng quê qua đó ta biết được cái hay, cái dở, đã tồn tại trong đó. Không những thế, chúng còn cho thấy được một phần nào đó quá trình lịch sử phát triển của làng xã. Điều này có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi quá trình xây dựng nông thôn mới được Đảng và Nhà nước quan tâm đẩy mạnh. Bởi lẽ, muốn hiểu thực trạng nông thôn nhằm đưa ra chiến lược phát triển lâu dài, phù hợp không thể không bắt đầu từ việc nghiên cứu đặc điểm của làng xã trong quá khứ. Giá trị của hương ước ngày càng được khẳng định, công nhận. Trước kia, có ý kiến cho rằng đây là “văn bản chết”, đặc biệt là hương ước cải lương vì nó phải làm theo một khuôn mẫu có sẵn mà chính quyền thực dân Pháp qui định. Song đi sâu vào tìm hiểu, hương ước cải lương lại trở thành một nguồn tài liệu vô cùng quí nghiên cứu nông thôn thời Pháp thuộc. Đấy còn là dẫn chứng sinh động đầy thuyết phục về sức sống mãnh liệt của làng quê Việt Nam trước cách mạng tháng Tám. Hương ước cải lương của huyện Việt Yên còn lại rất nhiều, song chủ yếu lưu giữ ở Viện TTKHXH các bản gốc viết tay rất giá trị. Thư viện Bắc Giang chụp lại 48 bản, thư viện huyện và phòng văn hoá không giữ một hương ước nào. Một điều đáng buồn khi được trao đổi với những người làm văn hoá huyện, xã thì họ dường như không có khái niệm gì về hương ước cải lương. Xây dựng làng văn hoá mới chủ yếu dựa trên những văn bản hướng dẫn của chính phủ khá xa vời, cứng nhắc, nặng tính áp đặt với làng quê. Là một người con của quê hương Việt Yên, ước muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình để lưu giữ những phong tục tốt đẹp, hợp thời vào việc xây dựng làng văn hoá mới. Hà Bắc cũ, bây giờ là tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh hai tỉnh đi đầu trong cuộc vận động xây dựng qui ước làng văn hoá của cả nước. Do đó, việc tìm hiểu hương ước ngày càng cấp thiết để gạn đục khơi trong, gìn giữ những giá trị tốt đẹp của người xưa. Với những lý do trên tác giả đã chọn đề tài - Hương ước cải lương huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang (1923-1942) làm luận văn Thạc sĩ. Mặc dù, người viết đã hết sức cố gắng cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình của Thầy hướng dẫn, song khả năng và điều kiện mọi mặt có hạn, luận văn không tránh khỏi những thiếu xót. Kính mong nhận được sự góp ý của các thầy, cô và bạn bè để tác giả được học hỏi và hiểu sâu sắc hơn về vấn đề này. 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề Khi tìm hiểu các bản hương ước, ta càng thấy được giá trị thực tiễn, lý luận và một phần nào hồn quê xưa. Là một đề tài lý thú, hấp dẫn đã thu hút được sự chú ý của các nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực khác nhau như lịch sử, văn hoá, dân tộc học, pháp lý, ngôn ngữ . Các công trình nghiên cứu hương ước đã được tập hợp thành sách hoặc in rải rác trên các báo, tạp chí nghiên cứu (Nghiên cứu lịch sử, Dân tộc học, Nhà nước và Pháp luật) Do nội dung phong phú, hương ước được tìm hiểu ở nhiều góc độ, có khi nghiên cứu trực tiếp, có khi lại trở thành dẫn chứng không thể thiếu để minh họa cho một khía cạnh nào đó của làng xã. Các công trình sưu tầm, giới thiệu và dịch hương ước, chủ yếu là tập hợp các bản hương ước trên phạm vi từng tỉnh như Ngô Đức Thịnh, Chu Thái Sơn, Nguyễn Hữu Thấu “Luật tục Ê-đê” (Nxb CTQG HN, 1996); “Hương ước Hà Tĩnh” (Sở VHTT Hà Tĩnh, 1996); Ninh Viết Giao chủ biên cuốn “Hương ước Nghệ An” (Nxb CTQG HN, 1998); “Hương ước Thái Bình” (Nxb VHDT HN, 2000) do Nguyễn Thanh biên soạn. Các công trình nghiên cứu trực tiếp 1. Các công trình nghiên cứu chuyên sâu bao gồm các sách được công bố như: Bùi Xuân Đính “Lệ làng phép nước” (Nxb Pháp lý HN, 1985), “Hương ước và quản lý làng xã” (Nxb KHXH, 1998), Lê Đức Tiết “Về hương ước lệ làng” (Nxb CTQG HN, 1998). Đặc biệt, trong cuộc vận động xây dựng và thực hiện qui ước văn hoá được đẩy mạnh đã tạo điều kiện cho việc nghiên cứu hương ước thuận lợi. Mặt khác, xu thế toàn cầu trên mọi lĩnh vực mở ra cơ hội cho các nhà khoa học Việt Nam tiếp cận với nguồn kiến thức mới. Một số học giả đã đặt hương ước làng Việt trong mối quan hệ tương đồng và dị biệt với “hương qui” của Trung Quốc, “luật làng của Nhật Bản”. Ví như công trình “Hương ước làng xã Bắc Bộ Việt Nam với luật làng Kanto Nhật Bản (thế kỷ XVII - XIX)” (Viện sử học, 2001) do Vũ Duy Mền chủ biên, hay “Hương ước và quá trình thực hiện dân chủ ở nông thôn Việt Nam hiện nay” (Nxb CTQG HN, 2003) do tác giả Đào Trí Úc chủ biên. 2. Nhiều bài có giá trị nghiên cứu về hương ước được giới thiệu trên các báo, tạp chí. Tác giả Vũ Duy Mền với loạt bài in trên tạp chí NCLS số 4/1982, số 3 + 4/1989, số 1/1993 đã xác định thuật ngữ khoán ước, hương ước giới thiệu nội dung của nó, trình bày nguồn gốc và điều kiện xuất hiện hương ước trong làng xã vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Tạp chí NCLS số 3/1998 cũng đăng bài viết của Cao Văn Biền giới thiệu khá cụ thể về số lượng hương ước cải lương Bắc Kỳ. 3. Các luận án, luận văn và khoá luận về hương ước Luận án PTS.KHLS của Bùi Xuân Đính “Về một số hương ước làng Việt ở đồng bằng Bắc Bộ” (H.1996) đã trình bày nội dung cơ bản, vai trò và tác động hương ước trong việc quản lý làng xã. Năm 2003, Nguyễn Huy Tính đã bảo vệ thành công luận án TS. Luật học với đề tài “Hương ước mới - một phương tiện góp phần quản lý xã hội ở nông thôn Việt Nam hiện nay” (từ thực tiễn tỉnh Bắc Ninh). Luận văn phân tích những biến đổi lịch sử từ hương ước làng xã cổ truyền đến hương ước mới, khẳng định hương ước mới là phương tiện tự quản, tự điều chỉnh hữu hiệu của làng xã, có quan hệ biện chứng với pháp luật; đồng thời tác giả cũng đưa ra những giải pháp nhằm hoàn thiện và thực hiện hương ước mới. Một số luận văn Thạc sĩ cũng coi hương ước là đối tượng nghiên cứu. Hoàng Hoa Vinh với “Vai trò của hương ước làng Nhất trong việc xây dựng làng văn hoá tỉnh Hà Nam” (ĐHVH HN, 2000); “Hương ước với việc xây dựng làng văn hoá ở huyện Quỳnh Phụ - Thái Bình” (ĐHVH HN, 2004) của Dương Xuân Thoạn. Năm 2008 học viên Lê Thị Luyến đã bảo vệ thành công “Hương ước cải lương huyện Mê Linh - tỉnh Vĩnh Phúc (1922 - 1942) (ĐHSPHN, 2008). Trong khoá luận tốt nghiệp, SV Đào Thu Vân, khoa lịch sử - ĐHSPHN đã “Bước đầu tìm hiểu công cuộc bảo vệ tài nguyên môi trường của ông cha ta (qua nguồn tư liệu hương ước người Việt trước cách mạng tháng Tám - năm 1945). Đến năm 2005, SV Nguyễn Lan Dung, khoa lịch sử - ĐHKHXH & NV đã khai thác hương ước của một huyện để tìm hiểu “Sinh hoạt làng xã huyện Hoàn Long tỉnh Hà Đông trong cuộc cải lương hương chính giai đoạn 1915 - 1945 (qua hương ước). Ngoài các công trình trực tiếp về hương ước nêu trên, nhiều công trình nghiên cứu gián tiếp về hương ước đã xuất bản. Khi đề cập đến hương ước trong mối quan hệ với phong tục làng xã như Ngô Tất Tố với phóng sự “Việc làng” (Nxb Mai Lĩnh HN, 1937) và “Tập án cái đình” (Nxb Văn học HN, tái bản 1997). Khi tìm hiểu cơ cấu tổ chức quản lý làng xã, các nhà sử học đã sử dụng hương ước như một nguồn tư liệu đáng tin cậy như “Xã thôn Việt Nam” (Nxb Văn sử địa, 1959) của Nguyễn Hồng Phong; Trần Từ “Cơ cấu tổ chức làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ” (Nxb KHXH HN 1984); Phan Đại Doãn - Nguyễn Quang Ngọc với “Kinh nghiệm tổ chức quản lý nông thôn Việt Nam trong lịch sử” (Nxb CTQG HN , 1994); “Làng xã Việt Nam một số vấn đề kinh tế - văn hoá - xã hội” (Nxb CTQG HN, 2000) của Phan Đại Doãn Từ những công trình trên của các thế hệ trước, tác giả được thừa hưởng những kiến thức vô cùng qúi báu, cơ bản về hương ước cổ và một phần hương ước cải lương thuộc làng xã đồng bằng của trung du Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Song cho đến thời điểm này chưa có một công trình nào về hương ước cải lương huyện Việt Yên. Luận văn này, tác giả mong muốn được góp công sức vào tìm hiểu vấn đề này. 3. Nhiệm vụ, đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1 Nhiệm vụ của đề tài Sưu tầm, tập hợp các bản hương ước cải lương huyện Việt Yên từ năm 1923 - 1942, nêu thực trạng của nó. Đồng thời, bước đầu nghiên cứu làm rõ giá trị lịch sử và văn hoá của các bản hương ước này. 3.2 Đối tượng nghiên cứu Đề tài tập trung nghiên cứu các bản hương ước cải lương huyện Việt Yên được lưu trữ tại Viện TTKHXH và một số bản được thư viện Bắc Giang chụp lại. Ngoài ra, tác giả còn tham khảo hương ước cải lương một số huyện khác trong và ngoài tỉnh Bắc Giang và qui ước làng văn hoá mới huyện Việt Yên hiện nay. 3.3 Phạm vi nghiên cứu Về không gian: huyện Việt Yên. Về thời gian: từ năm 1923 - 1942. 4. Nguồn tư liệu và phương pháp nghiên cứu 4.1Nguồn tư liệu Được tiếp cận và khảo sát tất cả các bản gốc của hương ước cải lương huyện Việt Yên từ 1923 - 1942 tại Viện TTKHXH. Đấy là nguồn tư liệu đáng tin cậy nhất, bên cạnh đó những nguồn tư liệu thu thập được trong quá trình đi thực địa tại địa phương cũng góp phần quan trọng vào việc hoàn thành luận văn. Ngoài ra, tác giả còn được kế thừa các công trình nghiên cứu trước đó về hương ước, về làng Việt cổ truyền được công bố từ trước đến nay qua sách báo, tạp chí, luận án . 4.2 Phương pháp nghiên cứu Khi tìm hiểu, nghiên cứu và trình bày vấn đề, người viết đã sử dụng phương pháp nghiên cứu lịch sử cụ thể, phương pháp Lôgic, phương pháp so sánh, thống kê, phương pháp liên ngành để làm sáng tỏ nội dung luận văn. 5. Đóng góp của luận văn Qua hương ước tác giả cố gắng làm rõ xuất xứ, nội dung và giá trị của hương ước cải lương như là một di sản văn hoá của địa phương. Qua đó góp phần phác họa một phần nào đó bức tranh sinh hoạt chốn thôn quê. Đồng thời, góp phần giúp cho những người trực tiếp soạn thảo qui ước văn hoá mới ở Việt Yên có cái nhìn đúng đắn hơn về hương ước cải lương, trong việc chắt lọc, kế thừa những tinh hoa của ông cha xưa đối với việc xây dựng làng quê đổi mới hiện nay. Đây là một công trình đầu tiên, nghiên cứu một cách có hệ thống về hương ước cải lương huyện Việt Yên trước cách mạng tháng Tám nên trước hết nó có ý nghĩa về mặt tư liệu, góp phần vào việc biên soạn lịch sử và địa chí huyện Việt Yên. Hơn hết, với người làm công tác giáo dục, luận văn còn có một ý nghĩa thiết thực là cung cấp tài liệu rất bổ ích cho việc giảng dạy lịch sử địa phương. 6. Cấu trúc luận văn Chương 1: Khái quát về huyện Việt Yên và hương ước. Sự ra đời của hương ước cải lương. Chương 2: Hương ước cải lương huyện Việt Yên. Chương 3: Vai trò của hương ước cải lương với việc xây dựng làng văn hoá huyện Việt Yên hiện nay.