Luận văn Khảo sát ảnh hưởng của Flavomycin lên tốc độ tăng trưởng cá tra (Pangasius hypophthalmus)
Những năm gần đây ngành nuôi trồng thủy sản đã có những bước phát triển nhanh chóng ở khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt ở nước ta, phong trào nuôi cá tra, basa đã phát triển vượt mức. Trong hoạt động nuôi trồng đã và đang gặp rất nhiều trở ngại về bệnh tật, môi trường nuôi đặc biệt là vấn đề cạnh tranh gay gắt về giá cả. Vấn đề này đã gây ra một áp lực không nhỏ cho người nuôi. Do vậy, hiện nay các nhà sản xuất đang tìm các biện pháp nhằm nâng cao năng xuất, giảm giá thành sản xuất bằng cách phòng bệnh, nâng cao tỉ lệ sống, tăng trọng lượng cá, đồng thời giảm đến tối thiểu lượng thức ăn. Điều này dẫn đến việc phải chọn lựa các phương pháp, biện pháp phòng ngừa dịch bệnh mới nhất như dùng các vacxin, bổ sung vitamin vào thức ăn Đặc biệt, hiện nay người ta đã sử dụng một số loại kháng sinh ngoài muc đích phòng và trị bệnh thì nó còn được sử dụng trên cương vị dinh dưỡng để gia tăng năng suất với một liều rất thấp. Ở Châu Âu, hội khoa học của cộng đồng Châu Âu (EU) đã xem xét và cho phép sử dụng các loại kháng sinh bổ sung thường xuyên trong thức ăn như Bacitracin, Flavomycin, Virginiamycin. Nhưng ngày nay chỉ còn được sử dụng Flavomycin (Nguyễn Phước Tương, 2000). Flavomycin là loại thuốc ít độc hại, thường không có tác dụng điều trị. Kháng sinh này được coi như chất trợ sinh (prebiotics), nó không gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột. Flavomycin, theo bản chất tự nhiên của nó, là một kháng sinh không dùng để điều trị, được trộn trong thức ăn gia súc, gia cầm, cũng như động vật thủy sản. Nó sẽ tác dụng lên hệ vi sinh vật đường ruột để làm tăng hiệu quả tiêu hóa thức ăn, và giúp cân bằng, ổn định hệ vi sinh vật này. Sự hiện diện của Flavomycin trong thức ăn làm tăng mức độ sản xuất các acid béo từ vi sinh vật –Volatile Fatty Acids (VFA’s) – như probionate, là một nguồn năng lượng rất hữu hiệu và đồng thời cũng là nhân tố làm giảm số lượng vi sinh vật gây bệnh trong đường ruột. Flavomycin với tính chất làm giảm số lượng vi khuẩn kháng thuốc đã tự xếp nó vào một nhóm kháng sinh riêng biệt. Khác với các kháng sinh khác dùng trong việc tăng cường sự tiêu hóa, Flavomycin được chỉ định chỉ dùng cho gia súc, gia cầm và động vật thủy sản mà thôi, và chỉ cho mục đích dinh dưỡng. Thêm vào đó, các nổ lực nghiên cứu không ngừng cho thấy ngoài ra Flavomycin còn có thể làm giảm bớt tính kháng thuốc ở những vi sinh vật đường ruột gây bệnh đối với một số kháng sinh điều trị quan trọng. Có một số cơ chế kháng thuốc có thể truyền từ vi khuẩn này sang vi khuẩn khác qua một chất liệu di truyền cơ động (plasmid). Hiện tượng này gọi là hiện tượng kháng thuốc có khả năng truyền. Hàng loạt các công trình nghiên cứu độc lập do nhiều nhóm các nhà khoa học thực hiện trong khoảng năm 1971 và 1999 đã chứng minh rằng Flavomycin làm giảm mức độ kháng và làm giảm tác động của các plasmid “đa kháng” của vi khuẩn đường ruột. Như vậy Flavomycin có khả năng làm giảm số lượng các nhân tố kháng thuốc này. Do đó, đề tài nghiên cứu: “Khảo sát ảnh hưởng của Flavomycin lên sự tăng trưởng của cá tra (Pangasius hypophthalmus)”được chúng tôi thực hiện ở Khoa Thủy Sản trường Đại Học Nông Lâm TP. HCM để kiểm nghiệm thực tế hơn vấn đề này.