Trong những năm cuối của thế kỷ XX, nền kinh tế Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, là hiện tượng nổi bật nhất, thu hút nhiều sự chú ý nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới. Sau hơn 20 năm (1979-2003) thực hiện cải cách mở cửa, bộ mặt kinh tế xã hội Trung Quốc đã biến đổi sâu sắc.Về nhiều mặt, Trung Quốc đang chiếm những vị trí đáng kể trong nền kinh tế thế giới, đứng hàng đầu về tốc độ tăng trưởng với một thực lực kinh tế không nhỏ. Đặc biệt là trong lĩnh vực ngoại thương, trải qua gần một phần tư thế kỷ, ngoại thương Trung Quốc đã thu được nhiều thành tựu rực rỡ: từ chỗ xếp hàng thứ 32 trên thế giới về xuất nhập khẩu (năm 1978) đến nay Trung Quốc đã là cường quốc ngoại thương lớn thứ 5 trên thế giới với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 620,8 tỷ USD năm 2002 (tăng gấp 30 lần so với năm 1978). Hơn thế nữa, vị thế và ảnh hưởng của Trung Quốc trong thương mại quốc tế ngày càng được nâng cao, ngoại thương Trung Quốc đang đứng trước những cơ hội mới để phát triển tốt đẹp hơn, đặc biệt là sau sự kiện Trung Quốc đã trở thành thành viên thứ 143 của Tổ chức thương mại thế giới ngay vào năm đầu tiên của thế kỷ XXI.
Việt Nam là nước láng giềng có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, dân cư, chế độ chính trị xã hội và cả về kinh tế với Trung Quốc. Cũng giống như Trung Quốc, Việt Nam đang tiến hành đổi mới đất nước, hướng tới việc xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, Việt Nam tiến hành mở cửa, đổi mới đất nước sau Trung Quốc 8 năm và cho đến nay thì những thành tựu kinh tế, thành tựu phát triển ngoại thương vẫn còn là khiêm tốn so với những thành quả to lớn của nước bạn và còn chưa xứng với tiềm năng của chính Việt Nam. Vì vậy, để thành công hơn nữa trong công cuộc phát triển ngoại thương Việt Nam thì việc tham khảo bài học kinh nghiệm của Trung Quốc là rất cần thiết.
Với lý do trên, em xin được mạnh dạn nghiên cứu vấn đề “Một số bài học kinh nghiệm trong phát triển ngoại thương của Trung Quốc và gợi ý đối với Việt Nam”.
120 trang |
Chia sẻ: oanh_nt | Lượt xem: 1971 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Một số bài học kinh nghiệm trong phát triển ngoại thương của trung quốc và gợi ý đối với Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Luận văn tốt nghiệp
MỘT SỐ BÀI HỌC KINH NGHIỆM TRONG PHÁT TRIỂN NGOẠI THƯƠNG CỦA TRUNG QUỐC VÀ GỢI Ý ĐỐI VỚI VIỆT NAM
LỜI NÓI ĐẦU
Trong những năm cuối của thế kỷ XX, nền kinh tế Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, là hiện tượng nổi bật nhất, thu hút nhiều sự chú ý nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới. Sau hơn 20 năm (1979-2003) thực hiện cải cách mở cửa, bộ mặt kinh tế xã hội Trung Quốc đã biến đổi sâu sắc.Về nhiều mặt, Trung Quốc đang chiếm những vị trí đáng kể trong nền kinh tế thế giới, đứng hàng đầu về tốc độ tăng trưởng với một thực lực kinh tế không nhỏ. Đặc biệt là trong lĩnh vực ngoại thương, trải qua gần một phần tư thế kỷ, ngoại thương Trung Quốc đã thu được nhiều thành tựu rực rỡ: từ chỗ xếp hàng thứ 32 trên thế giới về xuất nhập khẩu (năm 1978) đến nay Trung Quốc đã là cường quốc ngoại thương lớn thứ 5 trên thế giới với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 620,8 tỷ USD năm 2002 (tăng gấp 30 lần so với năm 1978). Hơn thế nữa, vị thế và ảnh hưởng của Trung Quốc trong thương mại quốc tế ngày càng được nâng cao, ngoại thương Trung Quốc đang đứng trước những cơ hội mới để phát triển tốt đẹp hơn, đặc biệt là sau sự kiện Trung Quốc đã trở thành thành viên thứ 143 của Tổ chức thương mại thế giới ngay vào năm đầu tiên của thế kỷ XXI.
Việt Nam là nước láng giềng có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, dân cư, chế độ chính trị xã hội và cả về kinh tế với Trung Quốc. Cũng giống như Trung Quốc, Việt Nam đang tiến hành đổi mới đất nước, hướng tới việc xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, Việt Nam tiến hành mở cửa, đổi mới đất nước sau Trung Quốc 8 năm và cho đến nay thì những thành tựu kinh tế, thành tựu phát triển ngoại thương vẫn còn là khiêm tốn so với những thành quả to lớn của nước bạn và còn chưa xứng với tiềm năng của chính Việt Nam. Vì vậy, để thành công hơn nữa trong công cuộc phát triển ngoại thương Việt Nam thì việc tham khảo bài học kinh nghiệm của Trung Quốc là rất cần thiết.
Với lý do trên, em xin được mạnh dạn nghiên cứu vấn đề “Một số bài học kinh nghiệm trong phát triển ngoại thương của Trung Quốc và gợi ý đối với Việt Nam”. Bản khóa luận này chủ yếu đi sâu vào phân tích các bài học kinh nghiệm thành công cũng như chưa thành công trong phát triển ngoại thương của Trung Quốc trong tiến trình mở cửa và cải cách kinh tế từ năm 1979 đến nay, để trên cơ sở đó tham khảo một cách có phê phán và chọn lọc những kinh nghiệm có tính khả thi, phù hợp với thực tiễn ngoại thương Việt Nam, đưa ra những gợi ý nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngoại thương đất nước trong những năm đầu của thế kỷ XXI.
Khóa luận được xây dựng dựa trên các phương pháp nghiên cứu khoa học: phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, phương pháp tổng hợp và phân tích, phương pháp thống kê và so sánh.
Ngoài lời nói đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, phụ lục bản khóa luận gồm có 3 chương:
Chương I: Tình hình ngoại thương Trung Quốc từ năm 1979 đến nay
Chương II: Một số bài học kinh nghiệm trong phát triển ngoại thương của Trung Quốc
Chương III: Một số gợi ý đối với hoạt động ngoại thương Việt Nam từ bài học kinh nghiệm của Trung Quốc
Em xin chân thành cảm ơn cô giáo – Tiến sỹ Vũ Thị Kim Oanh, người đã tận tình hướng dẫn em trong việc hoàn thành khóa luận tốt nghiệp này. Em cũng xin được gửi lời cảm ơn tới các thầy cô giáo, bạn bè, Thư viện trường Đại học Ngoại thương, Viện kinh tế thế giới, Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc đã giúp đỡ, tạo điều kiện để khóa luận được hoàn thành.
Hà Nội, tháng 12/2003
Sinh viên thực hiện
Lê Thùy Dương
CHƯƠNG I
TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG NGOẠI THƯƠNG TRUNG QUỐC TỪ 1979 ĐẾN NAY
I. VÀI NÉT VỀ ĐẤT NƯỚC TRUNG QUỐC
1. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên
Trung Quốc là một đất nước có diện tích rộng lớn nằm ở nửa phía Bắc của Đông bán cầu, phía Đông Nam của đại lục Á-Âu, phía Đông của Châu Á và phía Tây Thái Bình Dương, có đường biên giới đất liền dài khoảng 22.000 km tiếp giáp với 15 quốc gia, có vùng biển rộng lớn với tuyến bờ biển dài và rất nhiều đảo, đường biên giới trên biển dài khoảng 18.000 km. Diện tích Trung Quốc là 960 vạn km2 , là nước lớn nhất Châu Á, thứ 3 trên thế giới về diện tích lãnh thổ [22].
Với vị trí địa lý rất thuận lợi cùng với diện tích đất đai rộng lớn đã tạo ra cho Trung Quốc những điều kiện dễ dàng phát triển mối quan hệ kinh tế, đặc biệt là quan hệ mậu dịch với các nước và khu vực lớn ở Châu Âu, Châu Mỹ cũng như Đông Nam Á, Australia và Trung Á.
Địa hình Trung Quốc rất đa dạng bao gồm đồng bằng, gò đồi, cao nguyên, bồn địa, sơn địa, hoang mạc, sa mạc xen kẽ nhau, chủ yếu là địa hình đồi núi, chiếm 70% diện tích đất đai trong đó gần 1/3 ở độ cao trên 300m, diện tích đất trồng trọt chỉ khoảng 100 triệu ha, độ phì nhiêu khá cao.
Điều kiện khí hậu rất ưu việt nhưng tương đối khác nhau giữa các vùng, trải rộng từ Nam tới Bắc là các vùng khí hậu khác nhau: vượt nhiệt đới, nhiệt đới, á nhiệt đới, noãn ôn đới, hàn nhiệt đới. Lượng mưa dồi dào, bình quân hàng năm ở Trung Quốc là 629mm. Điều kiện nhiệt độ và lượng nước phân phối hợp lý tạo ra điều kiện cho việc phát triển nông nghiệp, như nghề trồng lúa, trồng bông, các loại hoa quả và nghề cá.
Trung Quốc là nước có nguồn tài nguyên thiên nhiên tương đối phong phú, trong đó lượng tài nguyên nước đứng thứ nhất thế giới. Nguồn tài nguyên năng lượng cũng rất lớn, trữ lượng than thăm dò được là 700 tỷ tấn, đứng thứ nhất thế giới. Sản lượng dầu thô đứng thứ năm thế giới. Tài nguyên khoáng sản của Trung Quốc tương đối toàn diện và đồng bộ, 150 loại khoáng sản được sử dụng trên thế giới đều được phát hiện ở Trung Quốc, trong đó trữ lượng thăm dò được của hơn 20 loại như: than, vonfram, sitilium, đồng, chì, kẽm, vanađium, titan... đứng hàng đầu thế giới. Rừng của Trung Quốc cũng đứng đầu thế giới về chủng loại gỗ với hơn 2500 loại trong đó có 500 loại cây quý hiếm và 50 loại cây đặc chủng cùng nhiều loại động vật quý hiếm [22].
2. Dân cư
Trung Quốc là nước có dân số lớn nhất thế giới, dân số Trung Quốc tính đến cuối năm 2002 có 1.284.530.000 người [22]. Trung Quốc là một trong những quốc gia có mật độ dân cư cao nhất và phân bố không đồng đều; mật độ trung bình là 125 người/km2; dao động từ 1,5 người ở vùng tự trị Tây Tạng đến 400-500 người/km2 ở các vùng đồng bằng phía Đông, nhiều nơi lên đến 1000-1500 người/km2 như ở vùng Bắc và Đông Bắc [7].
Tiềm năng về nguồn nhân lực của Trung Quốc là rất lớn và lâu dài. Số người trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 61% tổng dân số, trong số này có 60% là lao động nông nghiệp. Năm 1990, Trung Quốc có lực lượng lao động là 756, 6 triệu người (từ 15-64 tuổi). Theo tính toán, trung bình mỗi năm Trung Quốc có thêm 21 triệu người bước vào độ tuổi lao động [7].Nguồn nhân lực dồi dào này cùng với truyền thống lao động cần cù, sáng tạo và công tác giáo dục ở đây rất được coi trọng nên chất lượng lao động ngày càng tăng lên. Đó là tài sản vô giá và là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước này.
3. Đặc điểm chính trị - xã hội
Nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập vào ngày 01/10/1949. Sau khi nước CHND Trung Hoa thành lập, Đảng cộng sản Trung Quốc đã lãnh đạo Cách mạng Trung Quốc đi vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế đất nước. Trong giai đoạn đầu của công cuộc xây dựng kinh tế đất nước, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, Trung Quốc đã có nhiều va vấp, thất bại.
Hội nghị Trung ương 3 khóa 11 Đảng cộng sản Trung Quốc (1978) đã đề ra đường lối cải cách mở cửa “Một trung tâm, hai điểm cơ bản” (xây dựng kinh tế là trung tâm, 2 điểm cơ bản là kiên trì cải cách mở cửa và kiên trì 4 nguyên tắc: Con đường xã hội chủ nghĩa, chuyên chính dân chủ nhân dân, sự lãnh đạo của Đảng, tư tưởng Mao Trạch Đông). Đặng Tiểu Bình đã đưa ra lý luận “Xây dựng xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc” với nội dung cơ bản là “Giải phóng tư tưởng, thực sự cầu thị” tức là đi theo chủ nghĩa Mác nhưng phải xuất phát từ thực tế Trung Quốc. Từ đó đến nay, Trung Quốc luôn luôn kiên trì công cuộc cải cách mở cửa, xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc, đưa đất nước chuyển sang một thời đại mới.
Nhìn chung, tình hình chính trị-xã hội Trung Quốc trong những năm gần đây ổn định, tuy trong nước và quốc tế có nhiều biến động nhưng Đảng cộng sản Trung Quốc vẫn giữ vững được quyền lãnh đạo. Nội bộ ban lãnh đạo đã quán triệt quan điểm xuất phát từ đại cục, tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, về chính trị-xã hội, Trung Quốc cũng còn nổi cộm 2 vấn đề lớn, đó là: 1- Tệ tham nhũng, buôn lậu, vấn đề việc làm, chênh lệch giàu nghèo; 2- Trung Quốc đang bước vào giai đoạn quyết định của cải cách, thời kỳ then chốt của phát triển , có những biến đổi sâu sắc, đan xen về thành phần kinh tế, lợi ích kinh tế, lối sống, hình thức tổ chức xã hội ... đặc biệt là sự thay đổi về kết cấu giai tầng, tỷ lệ nòng cốt (giai cấp công nhân và nông dân) trong Đảng cộng sản Trung Quốc cũng đã thay đổi, đòi hỏi phải đổi mới công tác chính trị tư tưởng và công tác xây dựng Đảng.
4. Kinh tế Trung Quốc sau hơn 20 năm cải cách mở cửa
* Về tăng trưởng kinh tế
Từ năm 1978, khi bắt đầu cải cách, Trung Quốc đi vào con đường hội nhập với thế giới và khu vực và đã thu được thành công đáng kể.
Trước cải cách, từ 1952 đến 1978, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của kinh tế Trung Quốc là 4,4%, thấp hơn bình quân hàng năm của thế giới (4,52%) [15]. Từ năm 1978 đến nay, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của Trung Quốc là 7,6%, cao hơn nhiều so với mức bình quân của thế giới. Giai đoạn 1992-1997, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ngoạn mục hơn nữa với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 11%/ năm. Trong đó, GDP Trung Quốc năm 1996 lớn hơn GDP của ASEAN khoảng 15%, bằng 3% GDP của thế giới, 23% kinh tế Nhật, 12% kinh tế Mỹ [22]. Nhiều nhà quan sát xem sự tăng trưởng này là thần kỳ, đặc biệt là khi so sánh với các nước xã hội chủ nghĩa cũ trong lúc các này trải qua sự suy thoái kinh tế trầm trọng trong suốt giai đoạn từ đầu đến giữa thập niên 90. Trong những năm 1997-1999, do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực, nền kinh tế Trung Quốc cũng chững lại, và có dấu hiệu suy giảm. Tuy nhiên, ngay sau đó Trung Quốc đã lấy lại được xu thế tăng trưởng.
Năm 2000 là năm cuối của kế hoạch năm năm phát triển kinh tế xã hội lần thứ chín ( 1996-2000), cũng là năm đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc. Với những cố gắng gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO), tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung cải cách xí nghiệp quốc doanh, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, cải cách cơ bản về nông nghiệp và mở rộng nhu cầu nội địa, Trung Quốc đã đảo ngược xu hướng suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế kéo dài liên tục trong 3 năm qua. Năm 2000, với GDP đạt 8.928 tỷ NDT - tương đương 1.072 tỷ USD, với mức tăng GDP là 8,3% (theo Cục thống kê quốc gia) [33], theo số liệu của IMF con số này là 7,5%, GDP bình quân đầu người đạt 850 USD, Trung Quốc đã hoàn thành vượt mức kế hoạch tăng gấp 4 lần GDP bình quân đầu người của năm 1980 (200 USD). Với kết quả này, Trung Quốc đã lần đầu tiên đặt chân vào hàng ngũ các quốc gia có GDP trên 1000 tỷ USD [34].
Bước sang thế kỷ 21, năm 2001 được đánh dấu bằng sự kiện lớn, việc Trung Quốc chính thức trở thành thành viên thứ 143 của WTO (vào ngày 11 tháng 11) sau 15 năm nỗ lực và cố gắng là một bước tiến lớn của nền kinh tế Trung Quốc theo hướng nhất thể hoá kinh tế toàn cầu. Sự kiện này cũng đã mở ra những cơ hội và thách thức mới đối với nền kinh tế Trung Quốc. Trong bức tranh ảm đạm của nền kinh tế thế giới 2001, mặc dù tăng trưởng xuất khẩu chững lại do bị ảnh hưởng của sự suy giảm kinh tế Mỹ, Nhật Bản và thế giới song Trung Quốc vẫn duy trì được mục tiêu tăng trưởng. Theo đánh giá của IMF, năm 2001, GDP của Trung Quốc đạt 9593,3 NDT tương đương khoảng 1100 tỷ USD, tăng 7,3%, thấp hơn so với mức kế hoạch đề ra (7,5%).
Năm 2002, GDP của Trung Quốc lần đầu tiên phá mốc 10 nghìn tỷ NDT, đạt 10.239,8 tỷ NDT tương đương 1278 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng là 8% [36].
Nhìn chung, trong nhiều năm gần đây Trung Quốc là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới và trong vòng 10 năm tới Trung Quốc có thể vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng này.
Bảng 1: So sánh tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc và thế giới
Năm
Trung Quốc
Thế giới
1999
7,1%
2,8%
2000
7,5%
4,7%
2001
7,3%
2,2%
2002
8,0%
2,8%
2003(dự đoán)
8,6%
3,4%
Nguồn: Đánh giá của IMF và WB, Kinh tế Việt Nam & Thế giới các số 2000-2001, 2001-2002,2002-2003 ( Chuyên san ra hằng năm của Thời báo Kinh tế Việt Nam)
Tăng trưởng kinh tế nhanh kéo theo thu nhập bình quân đầu người dân Trung Quốc tăng lên đáng kể. Từ năm 1978 đến năm 2000, thu nhập thực tế của dân cư đô thị tăng bình quân 6%/ năm, và thu nhập thực tế của dân cư nông thôn tăng với mức bình quân 8%/ năm. Năm 2001, con số này lần lượt là 8,5% và 4,2%. Năm 2002, con số tương ứng là 13,4% và 4,8%.Thu nhập của nông dân tăng đã làm số dân nghèo theo thống kê chính thức giảm mạnh từ mức 33% vào năm 1978 xuống còn 4% vào năm 1997 và 3% vào năm 2001 [22].
* Về công nghiệp
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 15, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra mục tiêu “biến Trung Quốc thành nước có tỷ lệ lớn dân phi nông nghiệp, có nền công nghiệp hiện đại và dịch vụ hiện đại”. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 16 vào tháng 11/2002, nội dung: “Thúc đẩy nâng cấp ưu hoá cơ cấu ngành nghề, hình thành lên cơ cấu ngành nghề: lấy ngành nghề khoa học kỹ thuật cao, mới đi đầu, ngành nghề cơ sở và chế tạo làm hỗ trợ…” cũng không nằm ngoài mục tiêu xây dựng một nền kinh tế, trong đó có ngành công nghiệp hiện đại. Trong mấy thập kỷ tiến hành Công nghiệp hoá - hiện đại hoá, cho tới nay, có thể thấy mục tiêu của các kỳ đại hội đang từng bước được thực hiện. Trong vòng 20 năm từ 1978-1997, tốc độ tăng trưởng bình quân của công nghiệp Trung Quốc là 12%, giá trị sản lượng của các xí nghiệp công nghiệp từ cấp xã trở lên tăng gấp 14 lần [7]. Năm 2000, Trung Quốc đạt sản lượng 163 triệu tấn dầu thô, 131 triệu tấn quặng sắt, 1000 triệu tấn than, 128,5 triệu tấn thép thô, 1355,6 tỷ kwh điện [22]. Đến năm 2001, sản lượng các ngành công nghiệp này đều tăng lên mức 165 triệu tấn dầu thô, 145,4 triệu tấn quặng sắt, 1110 triệu tấn than, 152,66 triệu tấn thép thô và 1478 tỷ kwh điện [37]. Năm 2002, giá trị gia tăng của công nghiệp cả năm đạt 4593,5 tỷ NDT, tăng 10,2% so với 2001; giá trị sản phẩm mới cả năm tăng 24% so với 2001; tổng lượng phát điện cả năm đạt 1654 tỷ Kwh, tăng 11,7% so với năm 2001; sản lượng than đạt 1380 triệu tấn,tăng 18,9%; sản lượng dầu thô đạt 167 triệu tấn, tăng 1,8% [21].
Cơ cấu công nghiệp của Trung Quốc cũng có nhiều thay đổi theo hướng tăng cường phát triển các mặt hàng có hàm lượng kỹ thuật cao như điện tử, vi tính, ô tô, công nghệ viễn thông…
Vào giai đoạn chuyển giao thế kỷ, Trung Quốc đã trở thành trung tâm sản xuất hàng công nghiệp của thế giới, từ các ngành có hàm lượng lao động cao như dệt may, giày dép đến các ngành dùng nhiều tư bản và công nghệ cao. Thực tế, Trung Quốc đã trở thành nước có sản lượng công nghiệp lớn thứ 4 trên thế giới, chỉ sau có Mỹ, Nhật Bản và Đức.
Hiện nay, Trung Quốc đã chiếm trên 20% sản lượng thế giới trong các ngành đồ điện gia dụng cao cấp như đầu máy video, DVD, máy điều hoà không khí, tivi màu… Trong ngành điện thoại di động và máy tính cá nhân, Trung Quốc cũng sản xuất trên 10% sản lượng thế giới [25].
* Về nông nghiệp
Với dân số 1,3 tỷ người - đông nhất trên thế giới - vấn đề lương thực luôn luôn đứng ở vị trí được coi trọng hàng đầu đối với người dân Trung Quốc. Cuộc cải cách do Đặng Tiểu Bình lãnh đạo, bên cạnh chủ trương thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ, cũng hết sức quan tâm chú trọng tới phát triển nông nghiệp, từng bước hiện đại hóa ngành nông nghiệp. Từ một đất nước nghèo đói, lượng lương thực thực phẩm trong nước không đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước, phải thường xuyên nhập khẩu lương thực thực phẩm với khối lượng lớn, sau hơn 20 năm, bộ mặt nông nghiệp Trung Quốc đã có nhiều thay đổi đáng kể. Tổng giá trị sản lượng nông lâm ngư nghiệp và chăn nuôi của Trung Quốc năm 1997, sau khi trừ đi nhân tố giá cả, tăng 3,4 lần so với 1978, bình quân mỗi năm tăng 6,6%. Năm 1997, Trung Quốc đã vươn lên đứng đầu thế giới về sản lượng nhiều loại sản phẩm như ngũ cốc (444 triệu tấn), bông (4,6 triệu tấn), hạt có dầu (9,6 triệu tấn), thịt (41,2 triệu tấn) [7]. Trong năm 2000, sản lượng lương thực Trung Quốc đạt 500 triệu tấn [22]. Năm 2002, GDP nông nghiệp là 1488,3 tỷ NDT, tổng sản lượng lương thực cả năm đạt 457,11 triệu tấn, sản lượng thịt đạt 65,90 triệu tấn. Nền nông nghiệp không chỉ đảm bảo nhu cầu trong nước mà còn đáp ứng cho xuất khẩu với khối lượng khá lớn [21].
* Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài
Liên tục trong các năm gần đây, các nhà đầu tư coi Trung Quốc là một địa chỉ đầu tư hấp dẫn nhất Châu Á và thực tế là từ năm 1993-2001, Trung Quốc luôn đứng thứ 2 trên thế giới về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, là nước nhận vốn đầu tư lớn nhất trong số các nước đang phát triển. Những cải cách môi trường đầu tư đã đưa lại những kết quả tốt đẹp cho hoạt động đầu tư của Trung Quốc, biểu hiện cụ thể trong số liệu đầu tư ngày càng tăng lên. Từ 1979-1997, Trung Quốc đã thu hút đầu tư nước ngoài đạt 348,35 tỷ USD, trong đó 63% là đầu tư trực tiếp, đạt trên 220 tỷ USD từ hơn 100 nước và đầu tư vào trên 20 ngành nghề. Trong giai đoạn 1997-2002, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng nhanh, trong 5 năm đạt 226 tỷ USD, hơn cả giai đoạn 1979-1997 [29]. Đặc biệt, năm 2002, một năm sau khi gia nhập WTO với ảnh hưởng tích cực của sự kiện này, Trung Quốc lần đầu tiên vượt Mỹ trở thành quốc gia thu hút được FDI lớn nhất thế giới, với tổng vốn FDI thực tế là 52,7 tỷ USD [21]. Nguồn vốn FDI đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế ở đất nước này.
* Về du lịch
Nói đến kinh tế Trung Quốc, không thể bỏ qua du lịch - “ngành công nghiệp không khói” của đất nước này. Mỗi năm, Trung Quốc thu hàng tỷ USD với hàng chục triệu lượt người đến tham quan. Năm 1995, số khách du lịch là 46,39 triệu lượt người, doanh thu đạt 8,7 tỷ USD. Năm 2000, con số này là 698 triệu lượt người, tăng 50 triệu lượt người so với năm 1999. Riêng năm 2001, tổng doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 59 tỷ USD (496 tỷ NDT), tăng 9,76% so với năm 2000 [22]. Năm 2002, số người du lịch trong nước cả năm đạt 877,82 triệu lượt người, thu nhập du lịch trong nước đạt 387,8 tỷ NDT, tăng 10,1%; thu nhập ngoại tệ du lịch quốc tế đạt 20,4 tỷ USD, tăng 14,6% [21].
Qua hơn 20 năm cải cách, đất nước Trung Quốc đã trải qua nhiều thăng trầm, chuyển biến, nền kinh tế Trung Quốc vừa phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nhưng cũng gặt hái được rất nhiều thành tựu. Sự phát triển kỳ diệu của Trung Quốc là nhờ đâu nếu không phải từ sự nỗ lực hết mình của người dân Trung Quốc trong công cuộc xây dựng đất nước với mục tiêu đưa Trung Quốc từng bước hội nhập với kinh tế thế giới, từng bước trở thành một cường quốc kinh tế lớn mạnh. Chắc chắn rằng trong những năm tới đây, Trung Quốc sẽ vẫn còn tiếp tục phát triển, nền kinh tế sẽ ngày càng hội nhập, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế thế giới.
Nền kinh tế Trung Quốc trong hơn 20 năm qua phát triển rất sôi động, nhưng đặc biệt là trong lĩnh vực ngoại thương thì những chuyển biến lại càng diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn. Có thể nói ngoại thương là “đầu tàu” trong phát triển kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn cải cách mở cửa hiện nay. Trong lĩnh vực này, Trung Quốc đã có những bước tiến thành công, gặt hái nhiều thành tựu. Tuy nhiên để làm được điều đó thì ngoại thương Trung Quốc đã phải trải qua nhiều giai đoạn phát triển, vừa làm vừa rút kinh nghiệm mới dần dần đi vào đúng quỹ đạo phát triển.
II. CẢI CÁCH HOẠT ĐỘNG NGOẠI THƯƠNG TRUNG QUỐC QUA CÁC GIAI ĐOẠN
* Sự cần thiết phải cải cách mở cửa ngoại thương Trung Quốc
Trước khi thực hiện cải cách mở cửa nền kinh tế vào cuối năm 1978, Trung Quốc đã có những quan hệ kinh tế với nhiều nước trên thế giới nhưng quy mô nhỏ, phạm vi hẹp. Các quan hệ đã chỉ dừng lại ở một nền ngoại thương kém phát triển và một ít viện trợ