Luận văn Một số giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách xúc tiến hỗn hợp tại chi nhánh công ty du lịch Sài Gòn ở Hà Nội
Hệ thống kinh tế xã hội – Việt Nam đã có nhiều thay đổi sâu sắc từ sau đường lối đổi mới được xác định vào cuối năm 1986. Từ năm 1989, công cuộc đổi mới được đẩy mạnh. Những thay đổi đã diễn ra ngày một rõ nét, Việt Nam dần thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn tình trạng khủng hoảng kìm hãm sự phát triển của đất nước. Một trong những nhân tố quan trọng đưa tới sự thành công của công cuộc đổi mới là những chính sách hướng tới nền kinh tế thị trường và sự vận dụng những kinh nghiệm của nước khác trên thế giới. Chính sách mở cửa, chủ động hòa nhập vào nền kinh tế thế giới gắn liền với việc chuyển sang hệ thống kinh tế mới đã góp phần vào sự nghiệp đổi mới của nước ta với thế giới sau một thời gian dài khép kín. Quan hệ kinh tế, ngoại giao được mở rộng với “tất cả các nước trên thế giới” cũng như các tổ chức quốc tế mà một trong các kết quả đáng kể là những khoản viện trợ và đầu tư từ những tổ chức quốc tế và những nước khác trên thế giới. Ngày nay, du lịch đã trở thành một hoạt động khá phổ biến trong đời sống kinh tế – xã hội và ngày càng phát triển với nhịp độ cao. Du lịch không còn được coi là nhu cầu cấp thấp, thậm chí ở những nước đang phát triển, nó là nhu cầu không thể thiếu được của mỗi người dân. Về phương diện kinh tế, du lịch được coi như một ngành công nghiệp không khói, một ngành có khả năng giải quyết một số lượng lớn công ăn việc làm và mang lại nhiều thu nhập ngoại tệ góp phần điều chỉnh cán cân thanh toán đặc biệt với những nước đang phát triển. Về mặt xã hội, nó đem lại sự thỏa mãn nhu cầu của khách đi du lịch, góp phần tăng cường giao lưu văn hóa, phát triển bản sắc văn hóa dân tộc. Nền kinh tế thị trường càng phát triển mạnh mẽ thì vai trò của marketing trong nền kinh tế nói chung và đối với từng doanh nghiệp nói riêng càng trở nên quan trọng. Các nhà quản trị marketing luôn mong muốn tìm được một kế hoạch marketing hoàn hảo cho doanh nghiệp của mình. Trong quá trình tìm kiếm và hoàn thiện dần đó họ thấy vai trò của chính sách xúc tiến rất quan trọng, đặc biệt với doanh nghiệp lữ hành, nó quyết định sự tồn tại lâu dài của doanh nghiệp. Là một bộ phận cấu thành của marketing - mix, xúc tiến hỗn hợp đã và đang tỏ ra rất năng động và hiệu quả trong việc phối hợp đạt đến mục tiêu chung của marketing khi doanh nghiệp du lịch vận dụng thành công. Trên thực tế ở Việt Nam hiện nay, công tác marketing nói chung và hoạt động xúc tiến hỗn hợp nói riêng hầu hết chỉ được thực hiện có quy mô và tổ chức ở các công ty liên doanh. Vì vậy, việc nghiên cứu và phân tích các hoạt động này trong điều kiện, hoàn cảnh thực tế của Việt Nam là rất quan trọng. Bởi vì, nó là cơ sở để các doanh nghiệp trong nước qua đó có thể học hỏi và nắm bắt được kinh nghiệm về lĩnh vực này. Ngoài ra, do đặc điểm của sản phẩm du lịch có tính vô hình và đặc điểm của kinh doanh du lịch nên việc xúc tiến hỗn hợp trong doanh nghiệp lữ hành có một ý nghĩa to lớn.