Luận văn Một số vấn đề của lịch sử văn học Việt Nam từ sau cách mạng tháng tám 1945
1.1. Văn học Việt Nam từ sau cách mạng tháng Tám 1945 là một thời kỳ mới của lịch sử văn học dân tộc. Nó vừa có những đột biến lại vừa là sự tiếp nối với thời kỳ văn học từ đầu thế kỷ XX đến 1945. Trên đại thể, thời kỳ văn học từ sau 1945 đã đi qua hai giai đoạn lớn: từ 1945 đến 1975 và từ sau 1975. Đại thắng mùa xuân năm 1975 cũng khép lại một giai đoạn văn học và mở ra một chặng đường mới. Đứng trước đòi hỏi đổi mới và phát triển nền văn học tương ứng với những biến đổi của lịch sử - xã hội, và trong đời sống tinh thần của con người, tất yếu nảy sinh nhu cầu nhìn lại, đánh giá lại văn học thời kỳ đã qua. Từ cuối những năm 70 và đầu những năm 80 của thế kỷ trước, nhất là trong những năm khởi đầu công cuộc đổi mới, văn học cách mạng giai đoạn 1945-1975 đã được xem xét, đánh giá lại về nhiều phương diện và ở nhiều hiện tượng cụ thể. Nhờ đó, nhận thức về giai đoạn văn học này đã có nhiều biến đổi và những bước tiến mới. Tuy nhiên, có không ít vấn đề được nêu lên, bàn thảo, nhưng chưa được giải quyết thấu đáo. Việc có nhiều ý kiến khác nhau, nhiều cách đánh giá không giống nhau về một vấn đề, một hiện tượng văn học phải được xem là chuyện bình thường trong một môi trường văn hóa tinh thần có tính dân chủ. Nhưng điều không bình thường là ở chỗ, nhiều ý kiến mang nặng những định kiến chủ quan, không dựa trên những căn cứ khoa học, không phải là kết quả của việc nghiên cứu thấu đáo. Ở thời điểm hiện nay, khi bước vào thế kỷ XXI, rất cần có sự đánh giá khách quan, công bằng và toàn diện về di sản văn học giai đoạn 1945-1975, vị trí của nó trong văn học Việt Nam thế kỷ XX và rút ra những bài học cho sự phát triển văn học ở chặng đường tiếp theo. 1.2. Từ sau tháng 4-1975, văn học Việt Nam chuyển dần sang một giai đoạn mới. Mười năm đầu (1975-1985) là thời kỳ chuyển tiếp và từ 1986 trở đi, văn học có những chuyển động mạnh mẽ cùng với công cuộc đổi mới đất nước. Đã 30 năm kể từ tháng 4-1975, nền văn học phát triển trong những điều kiện xã hội - lịch sử và văn hóa - tư tưởng có nhiều khác biệt so với giai đoạn trước, bởi vậy nền văn học cũng có diện mạo và quy luật vận động khác trước. Mặc dù giai đoạn văn học từ sau 1975 vẫn đang tiếp diễn, nhưng 30 năm là một quãng thời gian đủ để có thể nhận diện, khái quát những đường nét chính của bức tranh văn học sử một giai đoạn. Phê bình văn học trong vài mươi năm qua đã có những đóng góp không nhỏ vào đời sống văn học, trước hết là ở việc giới thiệu, đánh giá các hiện tượng văn học mới. Nhưng những công trình có tính bao quát về văn học Việt Nam từ sau 1975 thì vẫn còn thiếu. Đã đến lúc cần có những công trình nghiên cứu về lịch sử văn học của 30 năm qua, chỉ ra tiến trình và những quy luật vận động của nó, những đặc điểm cơ bản của giai đoạn văn học này và khẳng định những thành tựu đã đạt được. Văn học Việt Nam từ sau 1975 đã được đưa vào chương trình văn học nhà trường các cấp và sẽ ngày càng có mặt nhiều hơn trong các sách giáo khoa phổ thông, giáo trình Đại học. Vì thế, rất cần có những công trình văn học sử làm nền tảng cho việc biên soạn sách giáo khoa và cho việc tìm hiểu, phân tích các hiện tượng văn học cụ thể được đưa vào nhà trường. Từ những lý do nêu trên chúng tôi chọn đề tài "Một số vấn đề của lịch sử văn học Việt Nam từ sau cách mạng tháng Tám 1945" nhằm góp phần vào việc biên soạn những công trình về lịch sử văn học Việt Nam từ sau 1945 theo tinh thần đổi mới.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Bao cao tong ket De tai NCKH.doc
- Bao cao tong ket De tai NCKH - bia.doc
- Bao cao tong ket De tai NCKH - muc luc.doc