Luận văn Nghệ thuật trần thuật truyện ngắn Hồ Anh Thái
1. Lý do chọn đề tài 1.1. Hồ Anh Thái thuộc vào số “các nhà văn nổi bật của thế hệ hậu chiến ở Việt Nam” [6;437]. Ông sinh năm 1960. Từng tham gia quân đội, viết văn, làm báo, tiến sĩ Đông phương học, từng được mời thỉnh giảng ở một số trường Đại học Mỹ như Đại học tổng hợp Washington, là chuyên viên ở Bộ ngoại giao đã từng được đi nhiều nơi nhưng Hồ Anh Thái vẫn thích sáng tác hơn. Ông tâm sự “Tôi thích sáng tác hơn, thứ ngôn ngữ văn học không bị phủi bụi kinh viện quyến rũ tôi. Những ý tưởng táo bạo, những cảm xúc mê đắm, những nhân vật sống động, những tình huống khác lạ. . . vẫn làm tôi say mê hơn là những trang nghiên cứu” và “viết văn tôi được giãi bày, tâm sự nhiều hơn” [Dẫn theo 87;1]. Chính niềm đam mê ấy đã đem đến cho Hồ Anh Thái nhiều thành công trong sự nghiệp sáng tác. Hồ Anh Thái được coi là một trong những cây bút trẻ xuất sắc của văn học hiện đại và là nhà văn tiêu biểu của thời kỳ đổi mới. Sáng tác của Hồ Anh Thái phần nào đã đóng góp cho sự đổi mới và phát triển của nền văn học hiện đại nước nhà. Tác phẩm của Hồ Anh Thái, đặc biệt là các tập truyện Tiếng thở dài qua rừng kim tước, Tự sự 265 ngày, Bốn lối vào nhà cười đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Nhìn chung, truyện ngắn Hồ Anh Thái luôn được độc giả thuộc nhiều nền văn hoá khác nhau đón nhận nồng nhiệt và được đánh giá cao. Truyện của nhà văn này, đặc biệt là những truyện ngắn quả là có sức hấp dẫn người đọc mạnh mẽ. 1.2. Hồ Anh Thái thu hút độc giả không phải bằng những chấn động dư luận làm thành dông bão trong đời sống văn học nước nhà như trường hợp Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài. . . mà chính bằng sự thể nghiệm độc đáo các thủ pháp trần thuật mới. Sự độc đáo mới lạ của truyện Hồ Anh Thái nói chung, truyện ngắn nói riêng thực tế đã được bạn đọc chú ý. Tuy nhiên, sự chú ý của dư luận cũng chỉ mới dừng lại ở những bài viết đăng trên các báo, tạp chí, gần đây cũng có một vài luận văn, khoá luận của sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Quốc gia. . . nhưng cũng chưa thật sự xứng tầm với sáng tác của Hồ Anh Thái. Vì “Hồ Anh Thái và những người đương thời ở Việt Nam đang tiên phong cho nền văn học không còn bị định nghĩa bằng những thông số của cuộc đấu tranh giữa hai bên tư bản và cộng sản. Đó là nền văn học toàn châu á và thực tế là toàn cầu, chỉ quan tâm tới sự căng thẳng giữa một bên là sự ức chế và một bên là khát vọng tự do, giữa khát vọng được đảm bảo về kinh tế và sự xói mòn về văn hoá cùng mối quan hệ giữa người với người, khi mà cuộc sống chỉ còn bị thôi thúc bởi khao khát tiền bạc và tài sản, những mối quan hệ căng thẳng in dấu trong cuộc đấu tranh quyết liệt trên hầu khắp thế giới đang chuyển mình sang thế kỷ XXI” [8; 355]. 1.3. Do tính chất thời đại, khi mà “xã hội và cả nghệ thuật là một tổ hợp bao hàm nhiều khả năng đột biến trong chớp mắt, nhiều quan hệ khả dĩ giữa cái có thể quan hệ và cái không thể quan hệ tất cả đều quy tụ ở nguyên tắc: tốc độ, trò chơi, ảo hoá nhằm khẳng định hơn nữa quan niệm con người vừa là chủ nhân quyền uy của xã hội, của nghệ thuật nhưng đồng thời cũng vừa là kẻ tôi tớ tội nghiệp trước mọi cái thuộc về con người” [22;93] nên truyện ngắn là thể loại có nhiều lợi thế xuất hiện trên văn đàn. Mặc dù thuật ngữ truyện ngắn ra đời muộn (khoảng cuối thế kỷ XIX) nhưng những trang tự sự tiền thân của truyện ngắn đã xuất hiện và tồn tại ngay từ buổi bình minh của nhân loại, khi con người biết sáng tác văn chương. Trải qua hàng ngàn năm, với bao biến cố thăng trầm của thể loại, ngày nay truyện ngắn đã chiếm lĩnh được vị trí quan trọng trong đời sống văn học nghệ thuật, khi con người ngày càng bị dồn ép về mặt thời gian hơn bao giờ hết, không còn đủ thì giờ dành cho các pho tiểu thuyết đồ sộ như Những người khốn khổ, Chiến tranh và hoà bình Dung lượng ngắn là một thế mạnh đồng thời cũng đòi hỏi những sáng tạo của nhà văn, nhất là sáng tạo trong nghệ thuật trần thuật đảm bảo cho sự hấp dẫn và tác động mạnh mẽ của truyện ngắn. Rõ ràng, tìm hiểu đặc điểm của truyện ngắn qua tác phẩm của những nhà văn thành công là hướng đi có nhiều ý nghĩa. 1.4. Sự hấp dẫn của các tác phẩm Hồ Anh Thái nói chung, truyện ngắn nói riêng chính là ở chỗ Hồ Anh Thái luôn tạo được những nét mới lạ trong các tác phẩm của mình. Mỗi tác phẩm là một hiện thực và không gian nghệ thuật riêng với một cách xử lý riêng, một giọng điệu riêng, một văn phong riêng. Chính Hồ Anh Thái cũng rất năng động, mới mẻ khi bàn về phong cách. Ông cho rằng: “Có phong cách tức là phải đa giọng điệu dù anh có đổi giọng đến thế nào thì vẫn là trên cái nền tảng văn hoá của anh, trên tầm nhìn của anh vào thế giới và nhân sinh. Cho rằng thay đổi giọng điệu sẽ làm loãng phong cách của chính mình là một cách hiểu đơn giản và làm cho người sáng tạo lười biếng, ngại làm mới mình” [7;242]. Trong sáng tác văn học nói về điều gì không quan trọng bằng việc nói như thế nào. Chúng tôi cho rằng việc nghiên cứu nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Hồ Anh Thái là một việc làm cần thiết để tiếp cận và đánh giá một tác giả được khẳng định trong văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập, cũng từ đó có thể hiểu sâu sắc hơn đặc điểm thể loại truyện ngắn nói chung. Với tất cả những lý do nêu trên, đề tài luận văn của chúng tôi sẽ đi vào vấn đề: “Nghệ thuật trần thuật truyện ngắn Hồ Anh Thái”. 2. Lịch sử vấn đề Như đã nói ở phần trên, Hồ Anh Thái được dư luận trong và ngoài nước đánh giá rất cao nhưng các bài viết chủ yếu mới điểm qua hoặc nhắc tới để khẳng định chứ chưa thật sự đi sâu vào những vấn đề cụ thể một cách kỹ lưỡng. Chúng tôi thấy, những bài viết đã có về Hồ Anh Thái tập trung vào một số vấn đề sau: 2.1. Đánh giá về giá trị chủ đề tư tưởng của từng tác phẩm Cả tiểu thuyết và truyện ngắn Hồ Anh Thái đều nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, phê bình trong và ngoài nước. Bàn về tiểu thuyết Hồ Anh Thái, đáng chú ý là các ý kiến của Wayne Karlin, Nancy Pearl, Philip Gambon, Michael Harris Điểm gặp nhau của các ý kiến này là nhận định mà như Philip Gambone trong Tạp chí Giới thiệu sách - Thời báo Newyork (1-11-1998) đã nói: “Chủ đề của các tác phẩm này là “xung đột triền miên qua đường biên giới” giữa các giá trị, các thời đại và các hệ tư tưởng ngổn ngang sau chiến tranh - mà thực ra hầu hết là ở châu á” [6;435 ]. Trong nhiều tiểu thuyết như Người đàn bà trên đảo, Trong sương hồng hiện ra, Người và xe chạy dưới ánh trăng , có thể thấy hình ảnh xã hội Việt Nam sau chiến tranh với những cũ mới đan xen phức tạp đã được Hồ Anh Thái dựng dậy thành công. Wayne Karlin cho rằng những chi tiết thăng trầm về nhân vật Hoà, về công ty xuất khẩu của Nhà nước ở vùng kinh tế mới thuộc một hòn đảo (Người đàn bà trên đảo) “ bộc lộ sự căng thẳng ngổn ngang trong nền kinh tế Việt Nam vào thời gian diễn ra câu chyện này. Những nét phác họa này về sự căng thẳng mang tính xã hội ở nước Việt Nam sau chiến tranh thật hấp dẫn và đầy thông tin cho người đọc ở phương Tây và phản ánh những vấn đề của hầu khắp các thế giới đang vận động tới một nền kinh tế toàn cầu” [6;394]. Các ý kiến đánh giá về tác phẩm Hồ Anh Thái cũng chú ý đến Vấn đề cá nhân ở nước Việt Nam mới (Michael Harris - Thời báo Los Angeles, 18-9-2001), cuộc đấu tranh với bản năng, với chính mình của con người (Wayne Karlin - Lời giới thiệu cho bản in của Nxb Đại học Washington, 2001), cuộc đấu tranh tư tưởng mà ngày nay thế hệ trẻ Việt Nam đang trải qua (Dina Shilo - Tạp chí Bưu điện Jerusalem, 26-2-1999). ở mảng truyện ngắn, chúng tôi vẫn thấy sự thống nhất trong cách đánh giá, nhìn nhận của các nhà nghiên cứu, phê bình về tư tưởng nghệ thuật, về cảm hứng sáng tạo của Hồ Anh Thái. Chẳng hạn, qua tập truyện Tiếng thở dài qua rừng kim tước. Nhà văn Ngô Thị Kim Cúc đã cảm nhận được cái nhìn thấm đẫm yêu thương của Hồ Anh Thái với những kiếp người, đặc biệt là người phụ nữ ấn Độ: “Anh đã đi vào bên trong những u uẩn tâm hồn, những ám ảnh tâm linh của một dân tộc đã sinh ra một tôn giáo giải thoát con người khỏi mọi ràng buộc đẳng cấp. Anh đã nhìn được cuộc sống người ấn, và nói chung cả cuộc sống con người, theo một nhãn quan phật giáo, nhãn quan đầy yêu thương và bình đẳng” [8;318]. Cũng về tập truyện này, Mai Sơn phát hiện mỗi một truyện ngắn trong tập truyện “đều ẩn chứa cái cốt lõi của vấn nạn triết học hoặc xã hội học chờ đợi được chạm tới, đòi hỏi khám phá thêm” [8;322]. Phạm Quốc Ca gọi Hồ Anh Thái là “người hướng dẫn du lịch có văn hoá đưa ta thám hiểm vào chiều sâu cuộc sống và con người trên đất nước ấn Độ” [8;331]. Đây cũng là “hành trình đi vào thân phận những người bất hạnh luôn đưa tới những tiếng thở dài sâu tận bên trong, nhất là khi những hình ảnh được phản ánh kia dường như thấp thoáng gương mặt của chính mình, gương mặt Việt Nam” [8;318]. Đỗ Hải Ninh đã nhận định rất xác đáng về điều này: “ý thức về đời sống tâm linh làm nên chiều sâu triết học trong truyện ngắn Hồ Anh Thái. Mỗi truyện ngắn của anh đều mong muốn mở ra một nhận thức nào đó về thân phận con người, bản chất sự tồn tại, ý nghĩa cuộc sống” [8;345]. Có thể thấy Tiếng thở dài qua rừng kim tước và Người đứng một chân là những truyện ngắn viết về ấn Độ thành công nhất và rất đáng trân trọng của Hồ Anh Thái. Những tác phẩm này đã gây tiếng vang lớn trong và ngoài nước. Tiến sĩ Pandey (người ấn Độ) đã phát biểu cảm nghĩ: “Những dòng chữ của Hồ Anh Thái là những mũi châm cứu á Đông đã điểm trúng huyệt tính cách ấn Độ” [Dẫn theo 8;322]. Tập truyện ngắn Tự sự 265 ngày, Hồ Anh Thái đã tập trung khắc họa chân dung kẻ sĩ thời đại và những vấn đề nổi cộm trong đời sống hiện đại: “Tất cả một loạt truyện ngắn đều phác vẽ những chân dung trí thức, kẻ sĩ thời đại. Nhưng chúng được nhìn gần đến mức khi được đặc tả thì không tránh khỏi những nết thô lậu khó coi mà thông thường người khác vẫn thường lướt qua bởi họ cần những chân dung trơn nhẵn, đèm đẹp, mặc kệ chúng có nhạt thếch đến mức nào” [9;231]. Nguyễn Chí Hoan thì đánh giá: “Mỗi truyện đều bày ra một bối cảnh phông màn khác nhau nhưng tấn bi kịch cuộc đời gần như một: đây là một phần mặt trái của lớp thị dân hiện đại xuất thân đa dạng, nhưng cũng chia sẻ những cố tật - hãnh tiến và gian manh, đố kị và hời hợt, khôn ngoan mà dung tục hẹp hòi” [9;249]. Vũ Bão trong bài viết 11 ngưỡng cửa thì xác nhận: “265 ngày là thời gian trong năm các viên chức Nhà nước làm việc ở cơ quan theo chế độ một tuần nghỉ hai ngày. 11 truyện ngắn trong tập là chân dung cái anh công chức ấy, được ngắm nghía dưới nhiều góc độ khác nhau. Chính vì thế, có người gọi đây là cuốn tiểu thuyết 11 chương, người khác coi là 11 truyện ngắn liên hoàn. Nhà văn đã đưa người đọc lần lượt qua 11 ngưỡng cửa của cuộc đời, quan sát rồi suy ngẫm về thân phận anh viên chức đang cố trườn mình ngoi lên từng nấc thang danh vọng. Đáng buồn hơn nữa khi càng ngày càng nhìn rõ những gương mặt quen thuộc trong trang sách lại là những tri thức thường mạo nhận là tinh hoa của đất nước” [9;240]. Cũng có ý kiến cho rằng tập truyện này “không có truyện nào đưa đến một cái kết có hậu” nhưng “nói cho công bằng, khi anh vạch ra một cái xấu xa thì đã có một điều tốt lành tiềm tàng đối diện. Cái cười châm biếm vốn là một thể hiện sự có mặt của lương tri. Nhưng, với cái phẩm chất hiện thực đầy đặn trong tầm bao quát rộng về đời sống, với cách viết rất hiệu quả trong việc đưa lại một ấn tượng “như thật”, những truyện ngắn ở đây vượt ra ngoài phạm vi trào lộng. Nó khiến người ta băn khoăn: hình như tác giả chỉ mượn lấy tiếng cười Và nhà văn không cười” [9;249]. Tập truyện ngắn Bốn lối vào nhà cười bật lên được ý thức tự trào của một người Việt. Tự trào từ những chuyện vặt. Nhưng khả năng phóng chiếu, châm biếm của nó thì không “vặt” chút nào: “Bởi nó chạm đến phần nhạy cảm (và có khi rất phổ biến) trong tính cách con người ta. Mà nếu “tự tri tự ngộ” nó, thì tự cười mình cũng là cách để thoát ra khỏi nó để tiến bộ vậy. Cũng như người ta biết đời là bể khổ, thoát ra tứ đại khổ, nhìn xuống thì thấy nhân sinh có khi chợt thấy một nhà cười!” [11;227]; “Bốn lối vào nhà cười khiến người ta phải suy ngẫm về guồng quay chóng mặt của cuộc đời mà chính họ đang là nạn nhân, suy ngẫm về sự ra đi của những giá trị đích thực, sự lấn át của thói chuộng hình thức phù phiếm, vô nghĩa. Gấp sách lại có cảm giác như vẫn bước đi trong nhà cười và nhìn thấy chính mình trong những nhân vật của Hồ Anh Thái” [11;230]; “Từ những câu chuyện mất còn của cuộc đời, những câu chuyện nhân tình thế thái đầy chua xót đắng cay trong những trang viết về cuộc sống theo kiểu như vậy, Hồ Anh Thái muốn rung tiếng chuông báo động trước sự xuống cấp của đạo đức bởi đây là một trong những nơi cho cái ác nương náu, gieo mầm” [11;236]. . . . Còn Hồ Anh Thái thì thừa nhận: “Trong cuốn sách này, tôi chỉ muốn đưa ra trước người đọc một tấm gương lồi để cho họ soi vào và tự hỏi: Đấy là ta hay không phải là ta? Tôi cũng không muốn làm cho ai phải khóc. Chỉ vì cuộc đời nhiều khi buồn quá, thấy nhiều cái buồn thì phải tìm cách mà cười vậy thôi” [11;214]. 2.2. Đánh giá về nét độc đáo trong phong cách văn xuôi Hồ Anh Thái Trước hết là những đánh giá về phong cách tiểu thuyết Hồ Anh Thái. Đọc Người đàn bà trên đảo, Wayne Karlin cho rằng Hồ Anh Thái đã “thể nghiệm với hình thức và ngôn ngữ” từ đó tạo ra một kết quả “góp phần đưa văn học Việt Nam đương đại đi theo hướng mới” [6;392]. Còn khi đọc Trong sương hồng hiện ra và các tiểu thuyết khác của nhà văn này, Wayne Karlin đã chú ý đến “chất hài hước, chất lạ quyện với chất Kafka dường như gây bất ngờ cho người phương Tây khi họ tìm hiểu văn học Việt Nam” [6;425]. Khá nhiều người chú ý đến chất huyền thoại trong sáng tác của Hồ Anh Thái. Tạp chí Kirkus Revié, 15-9-1998 đã viết về Trong sương hồng hiện ra: “Nhà văn đã khám phá đời sống sau chiến tranh ở đất nước Việt Nam của mình, hoà trộn ở tầm cao giữa chủ nghĩa hiện thực nghiệt ngã và yếu tố kì ảo mang tính biểu tượng” [6;441]. Tuần báo Nhà xuất bản Publishers Weekly, 28-9-1998 cũng khẳng định: “những yếu tố siêu thực tràn đầy trong cuốn hợp tuyển. Giọng điệu chuyển từ châm biếm sang xúc động thấm thía, từ hài hước sang đau xót. Việc sử dụng tinh tế các huyền thoại và sự phản ánh hập dẫn đời sống Việt Nam sau chiến tranh của Hồ Anh Thái đã mang đến những tác phẩm tao nhã và đầy sức lay động” [6;455]. Những nết độc đó của truyện ngắn Hồ Anh Thái cũng tạo ấn tượng mạnh với các nhà nghiên cứu. Về tập Tiếng thở dài qua rừng kim tước các nhà nghiên cứu đã nhận định: “Thủ pháp nghệ thuật thường được Hồ Anh Thái sử dụng là xây dựng huyền thoại, mỗi câu chuyện có nguồn gốc từ một huyền thoại và nhà văn dựa trên trí tưởng tượng làm sống lại những huyền thoại” [8;342]. Nhà văn Lê Minh Khuê cũng nhận xét về tập truyện ngắn này: “Cách hành văn trong sáng, mỗi câu đều chứa đựng những tình tiết mới mẻ và tràn đầy chi tiết vừa xác thực vừa ẩn dụ cả tập truyện thoát ra một phong cách mới mẻ, cốt truyện hay cộng với cách dựng truyện độc đáo, ngôn ngữ truyện ngắn giản dị nên đã tạo ra sức lôi cuốn mạnh mẽ” và gọi đó là “một vẻ đẹp cổ điển” [8;348]. Về tập Tự sự 265 ngày, Vân Long trong bài viết Một giọng văn khác đã nhận xét: “ở tập truyện ngắn này, nhà văn hình thành một giọng văn hoàn toàn khác thời kỳ đầu: trào lộng, châm biếm hóm hỉnh và sắc sảo những câu truyện, những thói tật đáng cười trong xã hội”, “nhiều chỗ phải bật cười thành tiếng như đọc Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, truyện ngắn Nguyễn Công Hoan hay Azit Nêxin của Thổ Nhĩ Kỳ” [9;245] Đánh giá về nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tập truyện, Vũ Bão đưa ra nhận định: “Anh không vẽ truyền thần mà dùng ngòi bút sắc sảo dựng những chân dung công chức với đầy đủ mảng sáng tối” [9;240]. Còn đây là ý kiến của Nguyễn Chí Hoan: “Một điều dễ nhận thấy là hầu hết các nhân vật trong những truyện của Tự sự 265 ngày đều mang một cái tên thậm xưng chẳng hạn, truyện Chín Triệu, Ba Triệu, Hai Triệu và Bóng Rổ mang tên cả bốn nhân vật mà rốt cục chẳng ai có tên” [9;248]. Trong một bài viết khác, nhà văn Lê Minh Khuê đã phát hiện ra cái duyên kể chuyện cũng như sự làm việc nghiêm túc của Hồ Anh Thái trong tập Tự sự 265 ngày: “Tập truyện tự sự 265 ngày là một phong cách như trình bày sự hóm hỉnh, có duyên, cười vào thói hư tật xấu thời hiện đại của người Việt, và những trang viết là sự nhào nặn tiếng Việt, trân trọng tiếng Việt. Đối với tác giả, một dấu phẩy cũng đáng để nhà văn phải trăn trở” [7;281]. Lê Hồng Lâm thì nhận thấy sự chuyển biến rất rõ rệt về giọng điệu của Tự sự 265 ngày so với những tác phẩm trước đó, tác giả cho rằng: “Hồ Anh Thái rất dụng công để tạo ra giọng điệu mới. Câu cú đã vượt qua cấu trúc ngữ pháp thông thường, những dấu phẩy, dấu chấm được đặt vào vị trí mới một cách sáng tạo” [9;223]. Đọc tập truyện Bốn lối vào nhà cười, các ý kiến gần như thống nhất và đều cho rằng: giọng điệu hài hước đang trở thành căn tính viết của Hồ Anh Thái và nó rất nhất quán với Tự sự 265 ngày. Khi được phỏng vấn, Hồ Anh Thái cũng xác nhận: “Tôi thích nhại giọng thị dân, đúng hơn là giọng tiểu thị dân bởi vì hầu như người ta đang bê nguyên lối sống kiểu thị dân và quê mùa vào đô thị. Đáo để, chua chát, ác khẩu, kiểu tiểu thị dân đang trở thành giọng điệu lấn át” [11;213]. Một số ý kiến khác cũng đều cho rằng Hồ Anh Thái thuộc diện “gừng càng già càng cay, vì có một nền tảng văn hoá được chuẩn bị và tạo lập vững chắc. Bằng chứng là những cuốn sách viết rất có nghề, thông minh, hài hước, tinh quái và ngày càng hiện đại” [11;213]. 2.3. Nghiên cứu về nghệ thuật trần thuật của Hồ Anh Thái Tập truyện Tiếng thở dài qua rừng kim tước đã sử dụng một cách khéo léo lối trần thuật khách quan với điểm nhìn bên ngoài và lối trần thuật tham dự với vai trò nhân vật trong truyện. Đặc biệt, sự di chuyển linh hoạt điểm nhìn đã giúp cho nhà văn khám phá được vẻ đẹp kì diệu tiềm ẩn và những nỗi đau do những hủ tục nghiệt ngã của con người ấn. Tác giả Nguyễn Đăng Điệp chỉ ra những yếu tố tạo nên sức hẫp dẫn trong sáng tác của Hồ Anh Thái: “Sức hút của văn phong Hồ Anh Thái còn nằm ở chỗ anh biết phủ lên thế giới nghệ thuật của mình những màu sắc tượng trưng, siêu thực và gắn nó là khả năng tổ chức nhiều kiểu giọng điệu khác nhau: khi hài hước, khi châm biếm, khi lạnh lùng soi xét, khi u uất trĩu buồn vượt qua cái lối miêu tả hiện thực giản đơn, Hồ Anh Thái đã tạo được nhiều biểu tượng, nhiều ẩn dụ nghệ thuật nhiều sức gợi. Cũng bởi thế văn anh có độ mở, gây được dư âm lâu dài trong lòng người đọc” [8;337]. Về điểm nhìn trần thuật của Hồ Anh Thái trong Tự sự 265 ngày, Lê Quang Toản trong bài Che giấu sự cô đơn đã nhận xét: “Hồ Anh Thái ẩn mình khéo léo vào mạch truyện và nhập vai ngọt quá nên độc giả hiền lành có thể vừa đọc vừa cười mà nhíu mày tự nhủ: Bình tĩnh, cẩn thận, coi chừng nguy hiểm ”, “cách viết thông minh đến lồ lộ của tác giả làm tôi thường giật mình, có lẽ cái ông tác giả tinh quái kia đang đâu đó trong truyện để vừa dẫn dắt nhân vật vừa chằm chằm quan sát độc giả” [9;237]. Ngoài ra, Nguyễn Chí Hoan còn chỉ ra “thủ thuật gây gián cách nửa nạc, nửa mỡ của Hồ Anh Thái khi tảc giả nhảy bổ vào giữa câu chuyện cho nhân vật gọi mình là nhà văn Hồ Anh Thái” [9;248]. ở tập Bốn lối vào nhà cười tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên trong bài Chợt gặp trong nhà cười nhận xét về Hồ Anh Thái: “Đủ gan đánh đu với văn chương cao cấp”, tác giả tập truyện chứng tỏ ý thức thể nghiệm cao trong tập truyện ngắn này. Truyện khó đọc vì pha lẫn thứ văn phong khi thông tin báo chí, lắm lúc là thứ văn loé xoé “tán chuyện” theo những mạch ý thức riêng, phóng túng, tự do, chồng lắp liên tưởng” [11;227]. Một độc giả của báo Lao động, ngày 14-5-2004 đã nhận xét về tập truyện này là có “một kết cấu thông minh”. Một số ý kiến đăng rải rác trên báo Vietnamnet thì cho rằng “Bốn lối vào nhà cười anh viết để giảm stress, bởi bốn con đường vào nhà cười của anh đều lát đá hoạt kê. Cái giọng văn hài hước, ngôn ngữ đường phố chợ búa của đầu thế kỷ 21 đọc để giải sầu”. Trong bài Giễu nhại ngôn ngữ thị dân của tác giả Ngọc Hà về nghệ thuật trần thuật ở tập truyện này: “những dòng thác ngôn từ tràn lên trang giấy ồ ạt, không bị giới hạn bởi những quy chuẩn, mực thước ”, “ở đây, chúng tôi muốn chỉ ra nét độc đáo, đặc sắc đậm chất Hồ Anh Thái trong việc lạ hoá cách diễn đạt trên ba phương diện: lối nói liệt kê, bổ sung tăng cấp, lối nói nhấn mạnh và lối nói bình dân thông tục” [11;230]. Ngoài ra, còn một số luận văn thạc sĩ, khóa luận tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Hà Nội cũng đề cập đến truyện ngắn Hồ Anh Thái như: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Hồ Anh Thái (Khoá luận tốt nghiệp của Phạm Thị My năm 2004), Nghệ thuật truyện ngắn Hồ Anh Thái (Luận văn thạc sĩ khoa học Ngữ văn của Nguyễn Thị Vân năm 2005). Những khoá luận, luận văn này đã đề cập đến nghệ thuật trần thuật truyện ngắn Hồ Anh Thái. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn chọn vấn đề trần thuật truyện ngắn Hồ Anh Thái làm đối tượng nghiên cứu với lý do những khoá luận, luận văn này đã tìm hiểu nghệ thuật trần thuật truyện ngắn Hồ Anh Thái dưới góc độ văn học sử. Còn luận văn của chúng tôi nghiên cứu vấn đề này dưới góc nhìn của chuyên ngành lý luận văn học. Sự khác biệt chuyên ngành đó đã quy định những khác biệt cơ bản về mục đích nghiên cứu (các khoá luận, luận văn trên hướng tới tìm hiểu phương diện “nghĩa”, chúng tôi lại hướng tới tìm hiểu “cách tạo nghĩa” trong trần thuật truyện ngắn Hồ Anh Thái). Do mục đích nghiên cứu khác nhau nên đối tượng, phạm vi nghiên cứu khác nhau (dù cùng chung tên đề tài), cấu trúc luận văn khác nhau và các phần mục cũng khác nhau. Như vậy, qua thống kê, phân tích những bài viết, những công trình nghiên cứu trên, chúng tôi thấy các ý kiến đánh giá tập trung vào hai mảng sáng tác tiểu thuyết và truyện ngắn Hồ Anh Thái. Riêng ở thể loại truyện ngắn, các ý kiến đều có chung những đánh giá sau: thứ nhất, Hồ Anh Thái biết phủ lên thế giới nghệ thuật của mình nhiều mầu sắc tượng trưng, siêu thực, sử dụng nhiều hình ảnh biểu tượng, ẩn dụ (Tiêu biểu là tập truyện Tiếng thở dài qua rừng kim tước). đây cũng là đặc điểm mà Hồ Anh Thái đã sử dụng trong sáng tác tiểu thuyết. Thứ hai, truyện ngắn thể hiện khả năng tổ chức nhiều giọng điệu khác nhau, dụng công tạo ra giọng điệu mới của tác giả. Câu cú vượt qua cấu trúc ngữ pháp thông thường với lối viết tràn câu, tràn dòng. đọc tác phẩm Hồ Anh Thái, người đọc dễ dàng nhận ra “sự tái hiện ngôn ngữ đường phố đầu thế kỷ hai mốt. Sự chuẩn mực, hoa mĩ của văn chương bị phá vỡ hoàn toàn, thay vào đó là cả một hệ thống lời nói hoạt kê, khẩu ngữ, mô phỏng lời bài hát ” [11;234]. Điều này chứng tỏ nhà văn phải có một kho từ vựng phong phú mới có thể tổ chức được nhiều kiểu giọng điệu khác nhau, nhiều lối nói khác nhau. Tóm lại, những bài viết, những công trình nghiên cứu trên đã là một cơ sở khoa học để chúng tôi tiếp tục đi sâu vào nghiên cứu nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Hồ Anh Thái. Tiếp thu những thành tựu của những người đi trước, chúng tôi muốn tiếp tục đi sâu tìm hiểu một cách cụ thể hơn về nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn của ông. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn 3.1. Đối tượng nghiên cứu Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Hồ Anh Thái. 3.2. Phạm vi nghiên cứu *Một số tiểu thuyết tiêu biểu của Hồ Anh Thái ( để so sánh với truyện ngắn Hồ Anh Thái) - người đàn bà trên đảo và Trong sương hồng hiện ra (Nxb Phụ nữ, tái bản 2005). - Người và xe chạy dưới ánh trăng (Nxb hội nhà văn, tái bản 2005). - cõi người rung chuông tận thế (Nxb hội nhà văn, tái bản 2004). * Truyện ngắn của Hồ Anh Thái - Mảnh vỡ của đàn ông - Tập truyện (Nxb Hội nhà văn 2006). - Tiếng thở dài qua rừng kim tước - Tập truyện (Nxb Hội nhà văn 2003). - Tự sự 265 ngày - Tập truyện (Nxb Hội nhà văn 2005). - Bốn lối vào nhà cười - Tập truyện (Nxb Đà Nẵng, tái bản 2006). 4. Nhiệm vụ nghiên cứu Luận văn hướng tới nhiệm vụ là đưa ra được những nhận định, kết luận mang tính khái quát về đặc điểm của nghệ thuật trần thuât trong truyện ngắn Hồ Anh Thái. 5. Đóng góp của luận văn Hi vọng đây là công trình nghiên cứu có hệ thống, cụ thể, tỉ mỉ hơn về nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Hồ Anh Thái dưới góc độ thi pháp học để vừa làm sáng tỏ những vấn đề về lý thuyết nghệ thuật trần thuật vừa có cái nhìn sâu sắc cụ thể hơn về thể tài truyện ngắn, về phong cách nhà văn. Qua đó, hiểu sâu hơn về những đổi mới trong nghệ thuật trần thuật của truyện ngắn Việt Nam đương đại, một thể tài đã chiếm lĩnh được vị trí quan trọng trong đời sống văn học Việt Nam hiện nay 6. Phương pháp nghiên cứu 6.1. Phương pháp hệ thống - Hệ thống các tác phẩm của Hồ Anh Thái để rút ra những vấn đề có tính quy luật, tính hệ thống, từ đó phân tích để khái quát thành đặc điểm về nghệ thuật trần thuật trong sáng tác của Hồ Anh Thái nói chung, truyện ngắn nói riêng. - Hệ thống với những người cùng thời: muốn nghiên cứu Hồ Anh Thái thì chí ít cũng phải đặt trong tương quan với các nhà văn cùng thời, với xu hướng sáng tác chung của văn học. 6.2. Phương pháp so sánh Phương pháp này nhằm làm rõ những nét đặc trưng khác biệt của nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Hồ Anh Thái so với các tác giả khác (so sánh lịch đại, so sánh đồng đại); so sánh giữa truyện ngắn với tiểu thuyết Hồ Anh Thái. 6.3. Phương pháp thống kê, phân loại Phương pháp này giúp chúng tôi tiến hành khảo sát toàn bộ các truyện ngắn và thống kê phân loại theo phạm vi đề tài, chủ đề, theo phương thức trần thuật, giọng điệu trần thuật 7. Cấu trúc luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận và thư mục tham khảo, nội dung luận văn gồm ba chương như sau: Chương 1: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn Hồ Anh Thái Chương 2: Nghệ thuật tổ chức không gian - thời gian trong truyện ngắn Hồ Anh Thái Chương 3: Ngôn ngữ và giọng điệu trong truyện ngắn Hồ Anh Thái