Thời kì đổi mới được đánh dấu bắt đầu từ năm 1986 và kéo dài đến tận ngày
nay. Song song cùng sự biến đổi của xã hội, văn học cũng có nhiều thay đổi. Thời
kì này, văn xuôi phát triển mạnh, có nhiều sự đổi mới. Trong cuốn Tiểu thuyết
Việt Nam hiện đại, nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ đã nhận xét về tình hình sáng tác
văn xuôi của thời kì này: “mở rộng đề tài và các phương thức tiếp cận, chấp nhận
cả lãng mạn, tượng trưng, huyền thoại, viễn tưởng, quan niệm cởi mở hơn về vai
trò của chủ thể nhà văn, về điển hình hoá, về các kiểu ngôn ngữ trần thuật, nhìn
chung là khuyến khích sự đa dạng về hình thức và phong cách biểu hiện” và
“chúng ta được mùa về truyện ngắn và tiểu thuyết”. Đặc biệt là tiểu thuyết. Cũng
theo sự thống kê của nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ thì từ năm 1980 đến năm 1996,
độc giả đã được đón nhận đến 360 cuốn tiểu thuyết, trong đó nổi bật là tên tuổi
những nhà tiểu thuyết như: Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Khuất Quang Thụy, Chu Lai,
Nguyễn Quang Thiều, Hồ Anh Thái, Hoàng Minh Tường, Nguyễn Khắc Trường,
Triệu Bôn, Ngô Ngọc Bội, Vũ Huy Anh, Bảo Ninh, Hoàng Ngọc Hà, Nhật Tuấn,
Ông Văn Tùng, Xuân Đức, Nguyễn Trí Huân, Phan Tứ. Sau này, còn xuất hiện
thêm nhiều tác giả, tác phẩm khác
117 trang |
Chia sẻ: duongneo | Lượt xem: 1541 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Nông thôn Việt Nam trong các tiểu thuyết từ năm 1986 đến năm 2000, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRẦN THỊ THANH XUÂN
LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN
Thành phố Hồ Chí Minh – Năm 2008
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRẦN THỊ THANH XUÂN
Chuyên ngành : LÝ LUẬN VĂN HỌC
Mã số : 60 22 32
LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS.TS. PHÙNG QUÍ NHÂM
Thành phố Hồ Chí Minh – Năm 2008
LỜI CẢM ƠN
Luận văn này được hoàn thành, ngoài sự nỗ lực cố gắng của riêng bản
thân tôi, còn nhờ sự tận tình giúp đỡ của các cơ quan và của nhiều người, như:
PGS.TS Phùng Quý Nhâm, các giảng viên Trường ĐHSP TP. HCM, gia đình và
bạn bè...
Để tỏ lòng tri ân, tôi xin chân thành gửi lời cám ơn đến tất cả mọi người.
Xin cám ơn PGS.TS Phùng Quý Nhâm, người đã tận tình hướng dẫn, giúp
đỡ em trong suốt quá trình học tập cũng như nghiên cứu đề tài.
Xin cám ơn các giảng viên thuộc tổ bộ môn Lý Luận Văn Học, khoa Ngữ
Văn và các cán bộ phòng KHCN – SĐH của Trường ĐHSP TP.HCM đã trang bị
kiến thức cũng như tạo mọi điều kiện cho tôi trong quá trình học tập, nghiên cứu
và hoàn thành luận văn.
Xin cám ơn Sở Giáo dục Bình Thuận, Ban Giám hiệu cùng các cán bộ,
giáo viên Trường trung học phổ thông Chuyên Trần Hưng Đạo Bình Thuận đã
ưu ái tạo mọi điều kiện tốt nhất cho tôi hoàn thành luận văn cũng như khoá học
này.
Xin cảm ơn và tỏ lòng tri ân sâu sắc đến tất cả mọi người trong gia đình
tôi, những người đã luôn giúp đỡ, chia sẻ mọi khó khăn và luôn động viên tôi
trong quá trình học tập, nghiên cứu.
Cuối cùng đó là lời cảm ơn chân thành gửi đến sự giúp đỡ và động viên từ
phía bạn bè.
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài.
Thời kì đổi mới được đánh dấu bắt đầu từ năm 1986 và kéo dài đến tận ngày
nay. Song song cùng sự biến đổi của xã hội, văn học cũng có nhiều thay đổi. Thời
kì này, văn xuôi phát triển mạnh, có nhiều sự đổi mới. Trong cuốn Tiểu thuyết
Việt Nam hiện đại, nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ đã nhận xét về tình hình sáng tác
văn xuôi của thời kì này: “mở rộng đề tài và các phương thức tiếp cận, chấp nhận
cả lãng mạn, tượng trưng, huyền thoại, viễn tưởng, quan niệm cởi mở hơn về vai
trò của chủ thể nhà văn, về điển hình hoá, về các kiểu ngôn ngữ trần thuật, nhìn
chung là khuyến khích sự đa dạng về hình thức và phong cách biểu hiện” và
“chúng ta được mùa về truyện ngắn và tiểu thuyết”. Đặc biệt là tiểu thuyết. Cũng
theo sự thống kê của nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ thì từ năm 1980 đến năm 1996,
độc giả đã được đón nhận đến 360 cuốn tiểu thuyết, trong đó nổi bật là tên tuổi
những nhà tiểu thuyết như: Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Khuất Quang Thụy, Chu Lai,
Nguyễn Quang Thiều, Hồ Anh Thái, Hoàng Minh Tường, Nguyễn Khắc Trường,
Triệu Bôn, Ngô Ngọc Bội, Vũ Huy Anh, Bảo Ninh, Hoàng Ngọc Hà, Nhật Tuấn,
Ông Văn Tùng, Xuân Đức, Nguyễn Trí Huân, Phan Tứ... Sau này, còn xuất hiện
thêm nhiều tác giả, tác phẩm khác.
Với số lượng tác phẩm, tác giả như thế, có thể nói, để tìm hiểu, nghiên cứu
tất cả các đề tài, nội dung của tiểu thuyết thời kì này là một điều khó, thậm chí
không thể. Vì vậy, trong luận văn này, chúng tôi chỉ đi sâu nghiên cứu một khía
cạnh nội dung của tiểu thuyết thời kì này, đề tài mang tên: “Nông thôn Việt Nam
trong các tiểu thuyết từ năm 1986 đến năm 2000”. Lí do để chúng tôi chọn đề
tài này là:
Thứ nhất, đề tài này có liên quan đến những tiểu thuyết đoạt giải của Hội
Nhà Văn, đã được công bố rộng rãi và được công chúng đón nhận.
Thứ hai, các tiểu thuyết đều nằm trong giai đoạn 1986-2000, là giai đoạn có
ý nghĩa quan trọng, mở đầu thời kì đổi mới và kết thúc một thế kỉ.
Thứ ba, khi tìm hiểu, nghiên cứu tiểu thuyết thời kì đổi mới, người ta chủ
yếu xoáy sâu vào các nội dung như: vấn đề chiến tranh, vấn đề xây dựng chủ
nghĩa xã hội, vấn đề số phận con người trong thời kì mới, sự thay đổi trong những
quan niệm về giá trị con người... Ít người chú ý tới khía cạnh nội dung phản ánh
hiện thực nông thôn trong các tác phẩm.
Chính vì những lí do kể trên mà chúng tôi quyết định chọn đề tài này.
Chúng tôi mong muốn việc nghiên cứu đề tài sẽ phần nào đó đóng góp một
cách nhìn khách quan và tương đối toàn diện cho bức tranh xã hội Việt Nam trong
thời kì vốn được xem là cực kì nhạy cảm này.
2. Lịch sử vấn đề
Đề tài chủ yếu tập trung khảo sát ba tiểu thuyết Thời xa vắng (Lê Lựu),
Bến không chồng (Dương Hướng) và Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn
Khắc Trường), những tiểu thuyết đã đoạt giải chính thức của Hội nhà văn nên thu
hút được sự quan tâm, chú ý của các nhà nghiên cứu và độc giả. Trong quá trình
tìm hiểu và thu thập tài liệu, chúng tôi sưu tập được một số bài viết nghiên cứu về
các tiểu thuyết này. Cụ thể như:
Hoàng Ngọc Hiến trong bài “Đọc Thời xa vắng của Lê Lựu” đăng trên tạp
Tạp chí văn nghệ quân đội, số 4, năm 1987 đã tập trung nghiên cứu tiểu thuyết
Thời xa vắng trong giới hạn vấn đề số phận cá nhân, số phận của người nhà quê
trước những biến động của xã hội, cụ thể là cuộc đời, số phận của nhân vật Giang
Minh Sài. Theo Hoàng Ngọc Hiến thì anh nông dân Giang Minh Sài “ “người nhà
quê” của Lê Lựu hai lần khốn khổ, vừa xung đột với hệ tư tưởng gia trưởng, vừa
xung đột với thành phố ở bộ phận phức tạp nhất của nó là đàn bà, con gái.”[16,
tr119], thế nên cuộc sống của anh cứ bùng nhùng, bế tắc, vướng vào hết bi kịch
này đến bi kịch khác. Và từ những vấn đề thuộc về nhân vật, thuộc về tác phẩm,
tác giả Hoàng Ngọc Hiến suy luận đến những vấn đề lớn, những vấn đề bức xúc
của xã hội suốt một thời: “Lê Lựu chỉ đụng đến đề tài “người nhà quê và đô thị”
một cách ngẫu nhiên: chỉ là câu chuyện thương tâm một “anh nhà quê” chơi trèo
với thành phố bị bại. Trên đất nước ta sau khi thống nhất, không phải cán bộ tiếp
quản nào cũng trở thành người chủ của thành phố, không ít “người nhà quê” tiếp
xúc với đô thị đã bị bại hoàn toàn, sống dở chết dở, điêu đứng bi thảm, sự thất bại
của họ mang ý nghĩa xã hội sâu sắc”[16, tr119].
Thiếu Mai cũng trong Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 4, năm 1987 có bài:
“Nghĩ về một “thời xa vắng” chưa xa”. Bài viết của Thiếu Mai nghiên cứu khá sâu
sắc cả khía cạnh nội dung lẫn nghệ thuật của Thời xa vắng. Ở khía cạnh nội dung,
tác giả phân tích sự tác động của hoàn cảnh đến quá trình hình thành tính cách của
nhân vật. Trong tác phẩm, nhân vật Giang Minh Sài cả cuộc đời đã phải gánh trên
vai hệ tư tưởng gia trưởng, những quan niệm, những định kiến... khiến cho anh
không lúc nào được sống bằng chính cuộc đời của mình, chỉ biết nghe và chiều ý
mọi người, đến nỗi theo lời của tác giả Thiếu Mai thì: “trong con người anh, luôn
luôn tồn tại hai thế lực: chống đối và khuất phục. Hai thế lực ấy ngày càng phát
triển, càng mâu thuẫn, và đẩy bi kịch trong con người Sài lên một mức độ ngày
càng cao hơn.” [32, tr121]. Và cũng theo sự đánh giá của Thiếu Mai thì “ Lê Lựu
đã tỏ ra hiểu nhân vật của mình đến tận chân tơ kẽ tóc, đến tận những ngọn
ngành sâu thẳm nhất của tình cảm, suy nghĩ. Xót xa cho cuộc đời Sài bao nhiêu,
tác giả lại giận dữ lên án cách sống, cách ứng xử thiếu bản lĩnh của anh ta bấy
nhiêu” [32, tr122]. Mà đâu chỉ có Sài, bên cạnh anh còn biết bao nhiêu người cũng
làm những điều mình không muốn chỉ vì không dám làm phật ý hay làm khác với
mọi người xung quanh như ông đồ Khang, anh Tính, chú Hà, Chính uỷ Đỗ Mạnh,
anh Hiền, anh Hiển... Nói cách khác, Sài và những nhân vật liên quan đến tấn bi
kịch của cuộc đời anh vừa là đại diện cho những cá nhân riêng lẻ nhưng cũng là
sản phẩm chung của “một thời, thời xa vắng, nhưng chưa xa là bao”, cái thời mà
do hoàn cảnh lịch sử của nó, ý thức cá nhân phải tạm lu mờ, nhường chỗ cho
những vấn đề lớn lao mang ý nghĩa dân tộc. Đấy là xét về mặt nội dung. Xét về
mặt nghệ thuật, mặc dù “nhiều người có ý cho là văn Lê Lựu không chuốt, mộc
quá, và không phải là không có những câu què, hoặc trúc trắc, thậm chí có câu
ngữ pháp chưa chỉnh” , nhưng tác giả Thiếu Mai vẫn cho rằng tiểu thuyết Thời
xa vắng được xây dựng bằng “một giọng văn trầm tĩnh vừa giữ được vẻ đầm ấm
chân tình, vừa khách quan, không thêm bớt, tô vẽ, đặc biệt là không cay cú, chính
giọng văn như vậy đã góp phần đáng kể vào sức thuyết phục, hấp dẫn của tác
phẩm” [32, tr.123]. Tuy chưa thích thú với kết cấu ba phần mà phần kết “khó chấp
nhận vì tính chất bất hợp lí của nó, và vì nó thể hiện một sự áp đặt do ý muốn chủ
quan của tác giả” [32,tr.125]. Thế nhưng, với tác giả Hiếu Mai, Thời xa vắng
“tuy vẫn còn có những nhược điểm, còn thiếu một sự chặt chẽ, nhất quán cần
thiết, nhưng với ưu điểm rất trội của nó, nó là một thành công, một đóng góp vào
nền văn học đang có đà phát triển khởi sắc cùng chúng ta mấy năm vừa qua.”
[32, tr.125]
Đinh Quang Tốn trong cuốn Tản mạn và chính kiến văn chương có bài: “Lê
Lựu - Thời xa vắng”. Trong bài viết này, Đinh Quang Tốn muốn nói đến sự hoá
thân của cuộc đời tác giả Lê Lựu vào trong các tác phẩm của mình. Trong khi giới
thiệu về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác của Lê Lựu, những dấu ấn cá nhân của tác
giả để lại trong các sáng tác..., Đinh Quang Tốn có vài dòng nhận xét về tiểu
thuyết Thời xa vắng: “Thời xa vắng viết về hậu phương miền Bắc trong cuộc
chống Mĩ cứu nước với cả cái vui và cái buồn, cái nồng nhiệt và sự non nớt,
những quầng sáng và những bóng mờ, có cả nụ cười và nước mắt...” [49, tr.18].
Nhìn chung, đề tài hậu phương nông thôn miền Bắc trong chiến tranh chống Mĩ có
nhiều người viết, nhưng theo sự đánh giá của Đinh Quang Tốn thì: “Lê Lựu là
người viết thành công nhất” [49, tr.22] và “ Nếu trong tổng số sáu trăm hội viên
Hội nhà văn Việt Nam, cứ mười người chọn lấy một người tiêu biểu, thì Lê Lựu là
một trong tổng số 60 nhà văn ấy. Nếu về văn xuôi Việt Nam hiện đại, chọn lấy 30
tác phẩm, thì có mặt Thời xa vắng. Nói thế để thấy, trong văn học Việt Nam hiện
đại, Lê Lựu đã có một vị trí đáng kể.” [49, tr.22]
Trung Trung Đỉnh trong bài “Dương Hướng và Bến không chồng” đăng
trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 12 năm 1991 đã đưa ra một số nhận xét về
mặt đề tài, nội dung và kết cấu của tiểu thuyết Bến không chồng của Dương
Hướng. Về mặt đề tài, tác giả Trung Trung Đỉnh nhận xét: “ Có người nói, tiểu
thuyết Bến không chồng viết về đề tài nông thôn. Lại có người nói, tiểu thuyết
này viết về đề tài chiến tranh. Có người lại cho rằng đây là cuốn sách viết về đề
tài xã hội. Tất cả đều có đấy, nhưng theo tôi Dương Hướng không nhằm vào đề
tài. Anh khai thác đến tận cùng thân phận những nhân vật chính....” [8, tr.99]. Để
lí giải cho ý kiến của mình, tác giả bài viết đã đưa ra dẫn chứng về cuộc đời, thân
phận các nhân vật như: nhân vật Nguyễn Vạn suốt cả đời gìn giữ cái bóng của
vinh quang mà đánh mất đi cái chính yếu là bản thân mình, cá nhân mình; các
nhân vật nữ như bà Nhân, bà Khiêm, mụ Hơn, cô Hạnh, cô Thủy, cô Dâu..., mỗi
người một hoàn cảnh, một thân phận khác nhau và đều để lại ấn tượng sâu sắc
trong lòng người đọc; Về mặt nội dung, tác giả Trung Trung Đỉnh cảm nhận được
sự chân thật, giản dị trong ngòi bút hiện thực của Dương Hướng qua việc miêu tả
ngôi làng Đông, những con người của làng Đông, những cảnh sinh hoạt thường
nhật, những nếp nghĩ, tình cảm, cách cư xử... tự nhiên, gần gũi như nó đang diễn
ra trước mắt người đọc, khiến người đọc như đang được sống trong không khí của
làng, được hòa nhập vào cuộc sống của người dân; Còn về kết cấu của tiểu thuyết,
Trung Trung Đỉnh chỉ ra: “Cuốn sách được kết cấu một cách hồn nhiên, thuận
theo chiều thời gian, theo sự kiện chung của đất nước trong khoảng thời gian đó,
và theo sự đến với thân phận từng nhân vật. Chính vì thế anh không mất nhiều
thời gian trong việc tính toán chương hồi, mặc dù vẫn có chương hồi” [8, tr.99]. Ở
đây, tác giả Trung Trung Đỉnh cũng có chỉ ra những mặt hạn chế của cuốn tiểu
thuyết này, đó là quá trình dẫn dắt “có những chỗ sắp xếp vụng và đôi khi lại thiếu
sự tế nhị của nghề nghiệp”, “ phần đầu dài quá. Câu chữ có chỗ hơi luộm thuộm
quá. Cái cười của cô Dâu cứ hi hí thế, e tự nhiên chủ nghĩa quá” [8, tr.100]... Thế
nhưng, tác giả bài viết lại đánh giá “đây là nhược điểm của người say”, đấy là
biểu hiện cái say của người nghệ sĩ Dương Hướng giữa làng Đông. Nhưng cuối
cùng, ưu điểm vẫn là chủ yếu, tác giả Trung Trung Đỉnh thừa nhận: “Anh chiếm
lĩnh được tâm hồn người đọc bằng sức hút của tấm lòng yêu thương nhân hậu, tự
nhiên, không ồn ào văn vẻ với một bút lực dồi dào đầy trách nhiệm.
Dương Hướng là người có bản lĩnh, dám chịu trách nhiệm trước những số phận bi
ai, không né tránh nửa vời khiến cho thiên truyện càng tới những trang cuối càng
dồn nén, dồn nén đến nghẹt thở” [8, tr.98]
Về tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma, Nguyễn Hữu Sơn, trong
cuốn Điểm tựa phê bình văn học có bài: “Bóng đêm - Một phương diện tư duy
nghệ thuật trong tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma” chủ yếu khảo sát
thủ pháp nghệ thuật, cụ thể là thời gian nghệ thuật của tiểu thuyết này. Theo tác
giả Nguyễn Hữu Sơn thì tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma “không có
những trang miêu tả, thể hiện thời gian tâm lí, tâm trạng gây ấn tượng như Sầu
đong càng lắc càng đầy – Ba thu dồn lại một ngày dài ghê! (Truyện Kiều), song
chính mối liên hệ giữa các biến cố, sự kiện với thời điểm nảy sinh các biến cố, sự
kiện đó mới là đặc điểm chính yếu tạo nên đặc trưng thời gian cho tác phẩm” [43,
tr.131-132]. Và đặc trưng thời gian của tác phẩm là thời gian bóng đêm. Các phân
đoạn mở đầu hay kết thúc trong tác phẩm cũng gắn liền với cảnh chiều tà, bóng
tối. Phần lớn những thời gian được đặc tả trong tác phẩm là thời gian bóng đêm,
hơn thế nữa “chúng lại thuộc về đêm cuối tháng không trăng sao, hoặc có trăng
thì chỉ thấy hình hài kì dị, không bao giờ được miêu tả như cái đẹp vĩnh hằng của
thiên nhiên” [43, tr.133]; Đêm cũng là thời điểm bộc lộ thân phận, tính cách của
con người: ngay đầu tác phẩm là những hồi ức về chuyện mấy mươi năm trước lão
Quềnh đã từng gặp ma và ăn ở với ma trong đêm, rồi đến cảnh đám ma cụ cố Đại
trong đêm, cảnh Thó lợi dụng đêm tối bê trộm hũ rượu, cảnh bí thư Thủ và phó
công an Cao đã bày trận địa giả đẩy bà Son phải ra mặt chống ông Phúc - người
tình của bà năm xưa nay là là kẻ thù của dòng họ nhà chồng cũng được tiến hành
trong đêm, bà Son bị dồn đẩy cũng lao mình xuống sông tự vẫn giữa đêm tối...;
Thời gian bóng tối là thời gian của ma quỉ, hắc ám, hiểm họa, là sự đồng lõa với
tâm địa đen tối của từng con người, những phe nhóm , những “chi bộ gia đình”,
những sự ăn chia ngấm ngầm của các đối thủ, hay nói cách khác nó là thời gian
cho phần ma trong con người được bộc lộ....Chính vì thế, tác giả Nguyễn Hữu Sơn
đã kết luận: “Thời gian đêm tối là sự thống lĩnh trong Mảnh đất lắm người nhiều
ma, đồng thời nó lấn át ánh sáng của trăng sao, càng vượt qua, thậm chí triệt tiêu
sự mô tả ánh bình minh, mặt trời, nắng ấm rực rỡ, hoa nở, chim bay...”. Và trong
khi khảo sát cái không khí hắc ám, ngột ngạt của bóng tối trong tác phẩm, tác giả
Nguyễn Hữu Sơn đã tìm ra một tầng giá trị khác của tiểu thuyết này: “phải chăng
ý nghĩa thanh lọc, khát khao hoàn thiện tính người, dứt bỏ bóng đêm ma quỉ mới
chính là thông điệp tác giả muốn gửi tới bạn đọc”[43, tr.135].
Lê Thị Tâm Hoài trong luận văn thạc sĩ đã nghiên cứu đề tài: “Người phụ
nữ trong ba tiểu thuyết đoạt giải năm 1991”. Bến không chồng của Dương Hướng
và Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường là hai trong số ba
tiểu thuyết đó. Ở bài viết này, tác giả Lê Thị Tâm Hoài đi sâu khai thác hình ảnh,
vẻ đẹp và bi kịch của những người phụ nữ thể hiện trong ba tiểu thuyết. Đọc bài
viết này ta sẽ thấy bà Nhân, cô Hạnh...(Bến không chồng), bà Son, cô
Đào...(Mảnh đất lắm người nhiều ma) đã được nhìn nhận ở nhiều góc độ khác
nhau. Họ đều là những người phụ nữ đẹp, đẹp ở hình thể, đẹp ở tâm hồn, đẹp
trong bản năng... Nhưng cuộc đời họ cũng đầy bất hạnh, đầy bi kịch chỉ vì họ sinh
ra là phụ nữ, họ phải chịu đựng biết bao áp lực, định kiến ở đời....
Trên đây chỉ là một số trong rất nhiều bài viết chúng tôi muốn lấy làm ví dụ
minh họa cho sự quan tâm, những vấn đề nghiên cứu khác nhau của các tác giả về
ba tiểu thuyết Thời xa vắng, Bến không chồng, Mảnh đất lắm người nhiều ma.
Có thể nói, khi nghiên cứu ba tiểu thuyết này, các nhà nghiên cứu hầu như không
phân tích sâu bức tranh xã hội nông thôn thể hiện trong các tác phẩm, mà chỉ
chạm tới, chỉ nói qua. Dẫu không phải là tiền sử của vấn đề luận văn nghiên cứu,
nhưng các bài viết vẫn có giá trị tham khảo rất lớn. Tuy nhiên, chúng tôi muốn
nhấn mạnh rằng vấn đề nông thôn không mới, không đặc biệt trong nghiên cứu
văn học, cũng không mới trong phạm vi nghiên cứu các tiểu thuyết Thời xa vắng,
Bến không chồng, Mảnh đất lắm người nhiều ma. Nhưng việc đi sâu nghiên
cứu bức tranh nông thôn miền Bắc Việt Nam một cách có hệ thống dựa trên ba
tiểu thuyết kể trên lại là một việc tương đối mới mẻ, tương đối khái quát.
3. Đối tượng nghiên cứu
Viết về nội dung nông thôn Việt Nam giai đoạn 1986-2000, có thể kể tên
nhiều tác phẩm như: Thuỷ hoả đạo tặc (Hoàng Minh Tường), Người giữ đình làng
(Dương Duy Ngữ), Chuyện làng Cuội (Lê Lựu)...
Nhưng, trong phạm vi đề tài nghiên cứu, luận văn chỉ tập trung khảo sát bức
tranh nông thôn miền Bắc Việt Nam qua ba tác phẩm: Thời xa vắng (Lê Lựu),
Bến không chồng (Dương Hướng), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn
Khắc Trường).
4. Phạm vi nghiên cứu.
Nhìn chung, các tiểu thuyết thời kì đổi mới phản ánh nhiều vấn đề xã hội
như: vấn đề xây dựng chủ nghĩa xã hội, vấn đề chiến tranh, vấn đề con người và
quan niệm về giá trị con người trong thời kì mới... Ở đề tài này, chúng tôi chủ yếu
tập trung nghiên cứu các vấn đề của nông thôn miền Bắc qua một số tiểu thuyết
như đã xác định ở trên.
5. Mục tiêu của việc nghiên cứu - Những đóng góp.
Khi tiến hành nghiên cứu đề tài này, chúng tôi hướng tới những mục tiêu sau:
Thứ nhất, trong khi nghiên cứu các vấn đề thuộc về nông thôn được trình
bày trong ba tiểu thuyết Thời xa vắng, Bến không chồng, Mảnh đất lắm người
nhiều ma, chúng tôi sẽ cố gắng phác hoạ những tồn tại và nảy sinh trong bức
tranh văn hoá làng quê Việt Nam thời kì đổi mới.
Thứ hai, chúng tôi quan tâm đến vấn đề con người cũng như quan tâm đến
việc phát hiện những chuyển biến trong lối sống, tâm lí, tình cảm của người nông
dân trước sự thay đổi của xã hội.
Thứ ba, bên cạnh những tìm tòi về nội dung thể hiện của tác phẩm, chúng
tôi cũng thực sự chú ý đến phong cách chiếm lĩnh và phản ánh hiện thực của các
tác giả.
Đạt được những mục tiêu kể trên, đề tài cũng có những đóng góp nhất định,
đó là đưa ra một cái nhìn tương đối khách quan, toàn cảnh về nông thôn miền Bắc
Việt Nam trong thời kì mới. Thêm nữa, những điểm hạn chế của đề tài, thiết nghĩ,
cũng có thể tạo hứng thú cho những ai cùng có mối quan tâm đến vấn đề này.
6. Phương pháp nghiên cứu.
Xuất phát từ yêu cầu của đối tượng nghiên cứu và mục đích cần hướng tới
của luận văn, chúng tôi đã vận dụng một số phương pháp nghiên cứu:
Phương pháp phân tích - loại hình: Nắm vững đặc trưng, phương pháp
luận loại hình thể loại tiểu thuyết để khái quát bức tranh nông thôn, tìm ra và phân
tích những vấn đề chung, những biến đổi của xã hội, của con người và những bi
kịch mà con người phải chịu đựng sau luỹ tre làng.
Phương pháp lịch sử: Trên quan điểm lịch sử cụ thể, luận văn xem xét sự
vận động và chuyển biến của xã hội theo xu thế tất yếu của nó, để từ đó cố gắng
tiếp cận một cách đầy đủ nhất những quan điểm của tác giả về đời sống, xã hội và
con người thể hiện trong các tiểu thuyết.
Phương pháp so sánh: Phương pháp này được sử dụng không nhiều,
nhưng chúng tôi có sử dụng để so sánh ba tiểu thuyết kể trên với một số tiểu
thuyết khác cùng thời có phản ánh những vấn đề liên quan đến vấn đề luận văn
đang nghiên cứu.
Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi có ý thức vận dụng những hiểu biết
về thi pháp học hiện đại kết hợp với cảm thụ truy