Luận văn Phương pháp dạy học phép tu từ so sánh ở lớp 3
1. Tính cấp thiết của đề tài Trong cuộc sống hàng ngày, khi trò chuyện, giao tiếp với những người xung quanh không ai không một lần sử dụng phép tu từ so sánh. “So sánh” là “cách nói” rất quen thuộc và phổ biến trong cuộc sống cũng như trong sáng tạo văn chương. Nhờ phép so sánh, người viết có thể gợi ra những hình ảnh cụ thể, những cảm xúc thẩm mĩ lành mạnh, đẹp đẽ cho người đọc, người nghe. So sánh được coi là một trong những phương thức tạo hình, gợi cảm hiệu quả nhất, có tác dụng lớn trong việc tái hiện đời sống, hình thành và phát triển trí tưởng tượng, óc quan sát và khả năng nhận xét, đánh giá của con người. Mặt khác, nó còn làm cho tâm hồn và trí tuệ của con người thêm phong phú, giúp con người cảm nhận văn học và cuộc sống một cách tinh tế hơn, sâu sắc hơn. Xuất phát từ vai trò và tác dụng của phép tu từ so sánh, từ mục tiêu của môn Tiếng Việt ở tiểu học, ngay từ lớp 1, các bài học của sách giáo khoa đã đưa vào khá nhiều hình ảnh so sánh. Tuy nhiên, đến lớp 3 HS mới chính thức được học về phép tu từ so sánh trong phân môn Luyện từ và câu. Sách giáo khoa Tiếng Việt 3 đã giới thiệu sơ bộ về phép so sánh, hình thành những hiểu biết và kĩ năng ban đầu về so sánh cho HS thông qua các bài tập thực hành. Từ đó, giúp HS cảm nhận được cái hay của một số câu văn, câu thơ và vận dụng phép so sánh vào quan sát sự vật, hiện tượng xung quanh và thể hiện vào bài tập làm văn được tốt hơn. Mặt khác, việc dạy phép tu từ so sánh cho HS lớp 3 cũng là một cách chuẩn bị dần để các em sử dụng thành thạo hơn phép tu từ này khi làm các bài văn kể chuyện, miêu tả ở lớp 4, lớp 5. Trong thực tế, GV và HS lớp 3 còn gặp nhiều khó khăn khi dạy học về phép tu từ so sánh, hiệu quả dạy học về phép tu từ so sánh chưa cao. HS lớp 3 nhận biết được các hình ảnh so sánh nhưng việc vận dụng kiến thức về phép so sánh vào nói, viết thì còn nhiều hạn chế. GV còn lúng túng khi lựa chọn các phương pháp hướng dẫn HS tìm hiểu cách so sánh và tác dụng của phép so sánh. Việc đánh giá kỹ năng sử dụng phép so sánh của HS cũng chưa có các tiêu chí cụ thể, nhiều khi, sự đánh giá của GV còn mang tính chất cảm tính và kinh nghiệm chủ nghĩa. Bên cạnh đó, các công trình nghiên cứu về vấn đề này hầu như chưa có, vì vậy, GV tiểu học còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm các tài liệu tham khảo. Xuất phát từ những lí do trên, chúng tôi lựa chọn đề tài nghiên cứu: “Phương pháp dạy học phép tu từ so sánh ở lớp 3”. 2. Mục đích nghiên cứu - Đề xuất phương hướng ứng dụng một số phương pháp dạy học vào việc hình thành những hiểu biết ban đầu và rèn luyện kĩ năng sử dụng phép tu từ so sánh cho HS lớp 3. - Thiết kế quy trình dạy học các dạng bài tập về phép tu từ so sánh trong phân môn Luyện từ và câu; quy trình tổ chức hướng dẫn HS vận dụng phép tu từ so sánh trong các giờ học Tập đọc và Tập làm văn, góp phần giải quyết những khó khăn của GV tiểu học và nâng cao hứng thú và kết quả học tập về phép tu từ so sánh cho HS. 3. Đối tượng và khách thể nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Phương pháp dạy học phép tu từ so sánh ở lớp 3. 3.2. Khách thể nghiên cứu Quá trình dạy học phép tu từ so sánh ở lớp 3. 4. Giả thuyết khoa học Chúng tôi giả định rằng, nếu áp dụng những phương pháp dạy học mới vào việc dạy học phép tu từ so sánh trong phân môn Luyện từ và câu ở lớp 3; trên cơ sở đó, xây dựng các quy trình hướng dẫn HS vận dụng phép tu từ so sánh trong phân môn Tập đọc và Tập làm văn thì hiệu quả của việc dạy học sẽ được nâng cao. 5. Nhiệm vụ nghiên cứu - Tìm hiểu các vấn đề lý thuyết về phép tu từ so sánh trong tiếng Việt. - Tìm hiểu nội dung dạy học về phép tu từ so sánh và thực trạng của việc dạy học phép tu từ so sánh ở lớp 3. - Đưa ra một số đề xuất về việc ứng dụng một số phương pháp dạy học vào việc hình thành những hiểu biết ban đầu và rèn luyện kĩ năng sử dụng phép tu từ so sánh cho HS lớp 3; quy trình tổ chức dạy các dạng bài tập về phép so sánh ở phân môn Luyện từ và câu; quy trình hướng dẫn HS vận dụng phép so sánh trong giờ Tập đọc, Tập làm văn. - Tổ chức dạy học thử nghiệm để kiểm tra tính hiệu quả và tính khả thi của những đề xuất trên. 6. Phương pháp nghiên cứu Để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, đề tài sử dụng các nhóm phương pháp nghiên cứu sau đây: - Nhóm các phương pháp nghiên cứu lí luận nhằm thu thập các thông tin lí luận có liên quan đến đề tài nghiên cứu - Nhóm các phương pháp nghiên cứu thực tiễn nhằm điều tra thực trạng dạy học các phép tu từ để phát hiện những vấn đề cần nghiên cứu, cần tìm ra giải pháp. - Nhóm phương pháp phân tích thống kê nhằm xử lí những số liệu thu được từ thử nghiệm sư phạm. 7. Cấu trúc của luận văn Ngoài các phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, phụ lục, nội dung chính của luận văn gồm 3 chương: Chương 1: Cơ sở lí luận và thực tiễn của đề tài nghiên cứu. Chương 2: Phương pháp dạy học về phép tu từ so sánh ở lớp 3. Chương 3: Thử nghiệm và kết quả thử nghiệm.