Nâng cao vai trò của gia đình trong việc giáo dục thế hệ trẻ ở nước ta hiện nay
Sau nhiều năm đổi mới, đất nước ta hiện nay đang đẩy nhanh nhịp độ tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh. Trong xu thế chuyển biến đó, con người được khẳng định vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển. Ngay từ khi sinh ra, dù muốn hay không, cuộc sống của mỗi người thường bắt đầu diễn ra trong phạm vi gia đình. Gia đình là cơ sở xã hội đầu tiên của mỗi cá nhân, là tế bào hợp thành xã hội, và cũng là nơi giáo dục con người, giúp con người hòa nhập vào cuộc sống chung của nhân loại. Tuy không phải là thiết chế duy nhất có vai trò, trách nhiệm giáo dục đối với thế hệ trẻ, nhưng gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên và có tầm quan trọng quyết định đến việc hình thành nhân cách của trẻ. Giáo dục nhà trường, xã hội chỉ phát huy một cách có hiệu quả khi lấy giáo dục gia đình làm cơ sở. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: giáo dục trong nhà trường dù tốt đến mấy nhưng nếu thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn. Ở Việt Nam, một đất nước với truyền thống giàu lòng nhân ái, thủy chung, trong tình nghĩa, chúng ta luôn đề cao vai trò của gia đình trong quan hệ nhà - làng - nước. Đặc biệt, giáo dục gia đình được các bậc cha mẹ rất chú ý quan tâm. Tuy nhiên, giáo dục gia đình cũng có những diễn biến tiêu cực, do sự tác động của môi trường xã hội, nhất là những năm gần đây, dưới tác động mặt trái của cơ chế thị trường, mọi người đua nhau làm kinh tế, đua nhau làm giàu mà nhiều khi quên mất những vấn đề vô cùng hệ trọng như việc giữ gìn nề nếp gia phong tốt đẹp, cũng như chăm lo đến quá trình dạy dỗ và học hành đầy đủ của con cái, đặc biệt là vấn đề giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ. Vì vậy hiệu quả của giáo dục gia đình còn thấp. Hiện nay, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã và đang đặt ra những yêu cầu bức thiết đối với sự nghiệp giáo dục nói chung và giáo dục gia đình nói riêng, nhằm tạo ra lớp người Việt Nam vừa cường tráng về thể chất, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức, đạt đến tầm cao về trí tuệ, đủ năng lực đưa nước ta hội nhập với văn minh nhân loại mà bản sắc dân tộc vẫn được giữ vững. Yêu cầu đó đặt ra cho sự nghiệp giáo dục trong đó có giáo dục gia đình phải không ngừng đổi mới và hoàn thiện. Vì vậy nghiên cứu vấn đề "Nâng cao vai trò của gia đình trong việc giáo dục thế hệ trẻ ở nước ta hiện nay" là việc làm có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn.