Để bàn về việc nghiên cứu cơ bản trong các khoa học xã hội và nhân văn (KHXH-NV) thì việc đầu tiên là phải xác định được KHXH-NV là gì, bản chất của chúng, các đặc trưng của chúng như thế nào. Trong khi KHXH-NV có những điểm đặc thù rất riêng khiến chúng khác rất xa các khoa học anh em là khoa học tự nhiên và công nghệ (KHTN-CN).
Vậy mà việc này thường hay bị bỏ qua. Đến nay chưa có một công trình nào - kể cả bộ sách mới nhất và toàn diện nhất về Khoa học xã hội trên thế giới do UNESCO xuất bản[1] - tập trung làm sáng tỏ.
Thành ra nhiều nhà quản lý KHXH-NV ở các bộ và các trường đại học đa ngành (phần đông là xuất thân từ các ngành khoa học tự nhiên) không hiểu hết và không hiểu đúng về KHXH-NV. Không chỉ các nhà quản lý, mà ngay cả chính không ít nhà nghiên cứu KHXH-NV cũng hiểu rất lờ mờ về đối tượng nghiên cứu của mình.
Từ đó nảy sinh rất nhiều vấn đề. Từ những việc bên ngoài như đường lối chính sách, cách thức quản lý, đánh giá và sử dụng kết quả nghiên cứu cơ bản về KHXH-NV, v.v. thường có nhược điểm chung là rập khuôn giống như KHTN-CN khiến cho việc quản lý kém hiệu quả mà KHXH-NV cũng không phát triển được. Cho đến những việc bên trong như đối tượng, quan hệ, ranh giới các ngành, nhóm ngành, lĩnh vực, v.v. thường có nhược điểm chung là không được xác định rạch ròi, dẫn đến tình trạng chồng chéo nhau, giẫm chân lên nhau.
13 trang |
Chia sẻ: tuandn | Lượt xem: 2565 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu cơ bản trong khoa học xã hội - nhân văn (trường hợp Việt Nam), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
NGHIÊN CỨU CƠ BẢN
TRONG KHOA HỌC XÃ HỘI - NHÂN VĂN
(TRƯỜNG HỢP VIỆT NAM)
Bài viết này gồm hai phần: (I) Bản chất của khoa học xã hội - nhân văn, trong đó bàn về Đặc trưng của KHXH-NV trong so sánh với KHTN-CN và KHXH-NV trong so sánh với KHTN-CN và đạo học và (II) Những vấn đề nảy sinh trong nghiên cứu cơ bản về KHXH-NV (Phân loại khoa học, Định vị khoa học, Quan hệ với đối tượng nghiên cứu, Quan hệ với con người, Đánh giá chất lượng) . Bài này đã trình bày tại Hội thảo bàn về NNCB trong KHXH-NV do hai Đại học Quốc gia tổ chức vào tháng 6-2007, và ở dạng có chỉnh sửa, trình bày tại Hội thảo về lý luận và phương pháp nghiên cứu văn hoá và con người.
DẪN NHẬP
Để bàn về việc nghiên cứu cơ bản trong các khoa học xã hội và nhân văn (KHXH-NV) thì việc đầu tiên là phải xác định được KHXH-NV là gì, bản chất của chúng, các đặc trưng của chúng như thế nào. Trong khi KHXH-NV có những điểm đặc thù rất riêng khiến chúng khác rất xa các khoa học anh em là khoa học tự nhiên và công nghệ (KHTN-CN).
Vậy mà việc này thường hay bị bỏ qua. Đến nay chưa có một công trình nào - kể cả bộ sách mới nhất và toàn diện nhất về Khoa học xã hội trên thế giới do UNESCO xuất bản[1] - tập trung làm sáng tỏ.
Thành ra nhiều nhà quản lý KHXH-NV ở các bộ và các trường đại học đa ngành (phần đông là xuất thân từ các ngành khoa học tự nhiên) không hiểu hết và không hiểu đúng về KHXH-NV. Không chỉ các nhà quản lý, mà ngay cả chính không ít nhà nghiên cứu KHXH-NV cũng hiểu rất lờ mờ về đối tượng nghiên cứu của mình.
Từ đó nảy sinh rất nhiều vấn đề. Từ những việc bên ngoài như đường lối chính sách, cách thức quản lý, đánh giá và sử dụng kết quả nghiên cứu cơ bản về KHXH-NV, v.v. thường có nhược điểm chung là rập khuôn giống như KHTN-CN khiến cho việc quản lý kém hiệu quả mà KHXH-NV cũng không phát triển được. Cho đến những việc bên trong như đối tượng, quan hệ, ranh giới các ngành, nhóm ngành, lĩnh vực, v.v. thường có nhược điểm chung là không được xác định rạch ròi, dẫn đến tình trạng chồng chéo nhau, giẫm chân lên nhau.
Bởi vậy, bài viết này sẽ gồm hai phần: (I) Bản chất của khoa học xã hội - nhân văn, và (II) Những vấn đề nảy sinh trong nghiên cứu cơ bản về KHXH-NV.
I- BẢN CHẤT CỦA KHOA HỌC XÃ HỘI - NHÂN VĂN
1. Đặc trưng của KHXH-NV trong so sánh với KHTN-CN
KHXH-NV (cũng như KHTN-CN) là sản phẩm của nền văn minh phương Tây, song chúng sinh sau đẻ muộn hơn các KHTN-CN và được thừa nhận thì càng muộn hơn nữa.
Trong một thời gian dài, nói đến "khoa học" là người ta lập tức đồng nhất nó với khoa học tự nhiên: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên ở Sài Gòn trước năm 1975 chỉ gọi đơn giản là "Trường Đại học Khoa học". Vào đầu tk. XX, trong các trường đại học phương Tây, KHXH-NV còn chiếm một vị trí cực kỳ khiêm tốn. Chúng chỉ được thừa nhận và khẳng định rộng rãi trong hơn một nửa sau của tk. XX, song về "tính khoa học" thì có thể nói là thường luôn bị xem là thua kém so với KHTN-CN. Theo A. Kazancigil & D. Makinson, "Trong tâm trí đa số công chúng, thuật ngữ "khoa học" thường gắn liền với các khoa học về tự nhiên. Từ đó, nảy sinh nhiều câu hỏi lặp đi lặp lại về ý nghĩa của khoa học xã hội và muốn biết rõ phải chăng các khoa học xã hội có thể chiếm một vị thế khoa học" [UNESCO 1999/2007: 19, 20, 33].
Trong so sánh với KHTN-CN, chúng tôi thấy KHXH-NV bộc lộ năm đặc điểm cơ bản như sau:
1.1. Tính phiếm định của đối tượng
Xét về khả năng xác định đối tượng trong so sánh với KHTN-CN thì đặc điểm nổi bật nhất của KHXH-NV là đối tượng của nó mang tính phiếm định (phiếm 泛 = chung chung; "phiếm định" = không xác định rõ ràng).
Đối tượng nghiên cứu của KHTN-CN là các vật thể tự nhiên, các hiện tượng tự nhiên, các máy móc kỹ thuật; thậm chí ngay cả một khoa học trừu tượng như toán học thì cũng có đối tượng là các con số rất minh bạch và cụ thể.
Còn KHXH-NV nghiên cứu về xã hội và con người, thì "xã hội" rõ ràng là một đối tượng rất mơ hồ, không có hình hài cụ thể, không có ranh giới rõ ràng; ngay cả "con người" thì ở đây cũng không phải là con người vật chất, sinh học (con người sinh học là đối tượng của khoa học tự nhiên), mà là khía cạnh tinh thần cùng những quan hệ, những hoạt động, những ứng xử của con người - tất cả đều là những đối tượng không có hình hài cụ thể, ranh giới rõ ràng. Trong KHXH-NV, người nghiên cứu gặp khó khăn rất lớn trong việc xác định đối tượng.
Đặc điểm này dẫn tới vô số hệ quả quan trọng trong khoa học và nghiên cứu KHXH-NV.
1.2. Tính vụn vặt của đối tượng
Xét về khả năng tiếp cận đối tượng thì, do đối tượng mơ hồ, khó xác định nên khả năng tiếp cận đối tượng cũng khó khăn.
Đối tượng của các KHTN-CN rõ ràng bởi nó thường là một chỉnh thể mà con người cách này hay cách khác luôn có thể bao quát được, do vậy có thể tiếp cận được nó một cách tổng thể (cái cây, con vật, trái đất, hành tinh, mưa, bão...).
Còn đối tượng của KHXH-NV thì mơ hồ bởi ta không bao giờ có thể bao quát, và do vậy không thể tiếp cận được nó một cách tổng thể. Chẳng hạn, ta không thể bao quát hoặc tiếp cận được xã hội, lịch sử, ngôn ngữ... mà chỉ có thể tiếp cận được những mảnh riêng biệt, rời rạc của đối tượng như từng con người của tập thể, một sự kiện lịch sử, một từ-ngữ-câu...
Bởi vậy, có thể nói rằng đối tượng của KHXH-NV chỉ cho ta tiếp cận qua những bộ phận tủn mủn, vụn vặt của nó, ta chỉ có thể "thấy cây mà không thấy rừng".
1.3. Tính lệ thuộc của đối tượng và liên ngành của khoa học
Đối tượng của KHTN-CN là những sự vật, hiện tượng tự nhiên... có tính chỉnh thể, hình thức toàn vẹn nên nó có độ độc lập cao. Việc nghiên cứu chúng có thể khoanh vùng phân chia ranh giới, thu hẹp phạm vi đối tượng, tạo nên tính phân ngành cao.
Còn đối tượng của KHXH-NV là khía cạnh tinh thần cùng những quan hệ, những hoạt động, những ứng xử của con người - chúng hoàn toàn không có một hình thức toàn vẹn, mà lệ thuộc chặt chẽ vào nhau và vào môi trường xung quanh. Việc nghiên cứu một khía cạnh, quan hệ, hoạt động, ứng xử... này luôn phải đặt trong mối liên hệ mật thiết với các khía cạnh, quan hệ, hoạt động, ứng xử... khác của con người, tạo nên tính liên ngành của khoa học.
Nghiên cứu KHTN-CN vì vậy mà tương đối đơn giản, còn nghiên cứu KHXH-NV thì phức tạp hơn rất nhiều. Trong bộ sách Khoa học xã hội trên thế giới, hai tác giả A. Kazancigil và D. Makinson nhận xét rằng số các biến lượng nằm trong phạm vi quan sát của KHXH-NV quá nhiều, với những tổ hợp quá phức tạp, mà khoa học tự nhiên không thể nào so sánh được [UNESCO 1999/2007: 26].
Văn hoá phương Đông chủ yếu là văn hoá nông nghiệp nên tư duy mang tính tổng hợp, và do vậy phương Đông có truyền thống mạnh về những tri thức liên quan đến con người. Vì mang tính tổng hợp cho nên những tri thức này có đặc điểm "văn sử triết bất phân"; vì bất phân nên tuy những tri thức này về cơ bản chính là tri thức KHXH-NV, nhưng trong lịch sử chúng không tách được ra thành từng khoa học.
1.4. Tính đặc thù của nội dung sản phẩm nghiên cứu
Đặc điểm thứ tư của KHXH-NV là nội dung các sản phẩm nghiên cứu của nó mang tính đặc thù.
Trong khi những kết quả nghiên cứu của KHTN-CN mang tính phổ quát (universal), chung cho toàn nhân loại thì kết quả nghiên cứu của KHXH-NV mang tính đặc thù, riêng cho từng dân tộc. P. Wagner đã nhận xét đúng khi cho rằng "Các mô hình quốc gia về khoa học xã hội là sự phản ánh các nền văn hoá dân tộc" [UNESCO 1999/2007: 49].
Tuy rằng trong KHXH-NV ngành nào cũng có phần lý luận đại cương nhưng thường thì những lý luận đại cương được rút ra từ thực tiễn phương Tây hầu như không áp dụng được với thực tiễn Việt Nam và phương Đông; những lý luận được rút ra từ thực tiễn nước này hầu như không thể áp dụng nguyên xi vào nước khác. Việc áp dụng chúng một cách máy móc thường dẫn đến những sai lầm tệ hại.
Một thời (những năm 50 tk XX), trong ngôn ngữ học từng có quan điểm cho rằng động từ tiếng Việt cũng có phạm trù "thời", "thể" như các ngôn ngữ phương Tây (đã ăn - thời quá khứ; đang ăn - thời hiện tại; sẽ ăn - thời tương lai). Chủ nghĩa hiện thực là phương pháp đặc thù của truyền thống văn học nghệ thuật phương Tây khi được nâng lên thành lý luận phổ quát và áp đặt vào các nước phương Đông như Trung Quốc, Việt Nam... đã kìm hãm đáng kể sự phát triển của văn học nghệ thuật các nước này trong suốt cả một giai đoạn. Kinh nghiệm cách mạng ở Trung Quốc áp dụng vào cải cách ruộng đất ở Việt Nam gây nên bao khổ đau, áp dụng vào Campuchia gây nên hoạ diệt chủng...
1.5. Tính phổ biến về phạm vi sử dụng sản phẩm nghiên cứu
Cuối cùng, đặc điểm thứ năm của KHXH-NV, theo chúng tôi, là phạm vi sử dụng của sản phẩm nghiên cứu mang tính phổ biến.
Tri thức về KHTN-CN mang tính chuyên sâu. Trong đời sống, không phải lúc nào ta cũng dùng đến những tri thức về lượng giác, về hoá học, v.v. Trong phạm vi một quốc gia, một công trình nghiên cứu KHTN-CN giỏi lắm chỉ in được vài trăm bản, dành cho vài trăm người đọc.
Trong khi đó thì, xưa nay, phàm làm bất kỳ việc gì cũng đều phải động chạm đến những hiểu biết về con người và cộng đồng người, cho nên kiến thức KHXH-NV hiện hữu ở khắp mọi nơi và bao giờ, làm việc gì cũng đều cần đến. Trong phạm vi một quốc gia có dân số trung bình, một công trình nghiên cứu về KHXH-NV thường có tới vài nghìn, thậm chí vài vạn người đọc, nếu không phải là nhiều hơn nữa.
Tất nhiên, nói đến tính phổ biến của KHXH-NV đây là nhìn trên tổng thể, không phải mọi ngành KHXH-NV đều có tính phổ biến như nhau (chẳng hạn, khảo cổ học, ngôn ngữ học, Hán-Nôm có tính chuyên sâu khá cao). Trong mỗi ngành thì lại tuỳ theo phân môn, theo đề tài mà tính phổ biến sẽ khác nhau. Mặc dù thế, không thể dựa vào tính chuyên sâu của một số ngành hoặc phân môn để phủ nhận tính phổ biến của các ngành KHXH-NV nói chung.
Tính đặc thù và tính phổ biến của KHXH-NV không hề mâu thuẫn với nhau: đặc thù là xét về nội dung (thể hiện ở mỗi dân tộc mỗi khác), còn phổ biến là xét về phạm vi sử dụng (có mặt ở khắp mọi nơi).
KHTN-CN phổ quát trên phạm vi thế giới nhưng kém phổ biến trong phạm vi dân tộc (quốc gia). KHXH-NV thì ngược lại, phổ biến trong phạm vi một dân tộc (quốc gia), nhưng kém phổ quát (= đặc thù) trên phạm vi thế giới. Giải thưởng Nobel không có giải cho các ngành KHXH-NV. Đối tượng với tên gọi "Việt Nam học" chủ yếu bao gồm những thành tựu nghiên cứu về Việt Nam của các ngành KHXH-NV chứ không phải của KHTN-CN.
1.6. Tiểu kết
Các đặc trưng của KHXH-NV trong so sánh với KHTN-CN có thể tổng kết trong bảng sau (bảng 1).
Bảng 1
TIÊU CHÍ
KHTN-CN
KHXH-NV
1. Khả năng xác định đối tượng
Tính xác định
Tính phiếm định
2. Khả năng tiếp cận đối tượng
Tính toàn vẹn
Tính tủn mủn
3. Quan hệ ngoài của đối tượng và khoa học
Tính độc lập và phân ngành
Tính lệ thuộc và liên ngành
4. Nội dung nghiên cứu
Tính phổ quát
Tính đặc thù
5. Phạm vi sử dụng nghiên cứu
Tính chuyên sâu
Tính phổ biến
2. KHXH-NV trong so sánh với KHTN-CN và đạo học
2.1. Quan hệ bộ ba
Trong khi phương Tây phát sinh và phát triển KHOA HỌC thì ở phương Đông, các thành tựu nhận thức của con người trong lịch sử (kiểu như triết lý âm dương, ngũ hành, kinh dịch, v.v.) tạo thành một sản phẩm có thể gọi chung là "ĐẠO HỌC".
Khoa học và Đạo học là hai loại sản phẩm tư duy tìm kiếm của con người, chúng có những cơ sở chung nhưng vẫn khác nhau về mọi phương diện, trong đó mỗi cách tiếp cận, mỗi loại sản phẩm có mặt mạnh và mặt yếu riêng, không hẳn loại nào hơn loại nào (so sánh rõ nhất là Tây y và Đông y).
Nếu đặt KHXH-NV trong quan hệ bộ ba "KHTN-CN - KHXH-NV - ĐẠO HỌC" sẽ thấy bật lên rất nhiều điều thú vị, trong đó KHTN-CN và ĐẠO HỌC trở thành hai cực, còn KHXH-NV trở thành mắt xích trung gian chuyển tiếp nằm giữa hai cực ấy.
KHXH-NV dương tính hơn ĐẠO HỌC, nhưng âm tính hơn KHTN-CN.
2.2. Chất dương tính của KHXH-NV so với đạo học
Mặc dù KHXH-NV nghiên cứu những đối tượng có tính tổng hợp, liên ngành nhưng với bản chất khoa học, KHXH-NV luôn cố gắng giới hạn đối tượng (tuy so với KHTN-CN thì đó là một sự giới hạn lỏng), đi theo lối tư duy phân tích, trên cơ sở cách tiếp cận lý tính, coi trọng thực nghiệm.
Và vì còn lỏng lẻo, mơ hồ nên KHXH-NV luôn đặt cho mình nhiệm vụ hướng tới sự rành mạch, rõ ràng, chặt chẽ trong cách lập luận, trình bày, để đạt được sức thuyết phục khoa học.
Tư duy phân tích, giới hạn đối tượng, trọng lý trí, thực nghiệm, lập luận chặt chẽ; trình bày rành mạch, rõ ràng; tạo sức thuyết phục khoa học - tất cả những cái đó chính là những đặc trưng dương tính, nó tạo nên cái phần chung giữa KHXH-NV với KHTN-CN.
2.3. Chất âm tính của KHXH-NV và đạo học
Những đặc trưng của KHTN-CN nói riêng cũng như truyền thống văn hoá phương Tây trọng động nói chung, rất gần với tính cách nam giới, còn những đặc trưng của KHXH-NV và của đạo học, cũng như truyền thống văn hoá nông nghiệp trọng tĩnh nói chung, đều rất gần với tính cách nữ giới:
Nam giới, cũng như KHTN-CN, luôn rất rành mạch, rõ ràng; còn phụ nữ, cũng như KHXH-NV và đạo học, luôn là những thực thể mơ hồ, phiếm định: phụ nữ nghĩ một đằng nói một nẻo, đạo học thâm thúy, KHXH-NV mơ hồ.
Nam giới, cũng như KHTN-CN, là những thực thể có tính độc lập cao, quan tâm đến cái tổng thể, do vậy có khả năng chuyên môn hoá cao; còn phụ nữ, cũng như KHXH-NV và đạo học, thường dễ lệ thuộc hơn, hay quan tâm đến cái chi tiết, tủn mủn, do vậy có khả năng bao quát tốt.
Nam giới, cũng như KHTN-CN, có tính hướng ngoại, hướng đến cái phổ quát và chuyên sâu; còn phụ nữ, cũng như KHXH-NV và đạo học, thường hướng đến cái đặc thù (phụ nữ giữ bản sắc dân tộc tốt hơn nam giới) và phổ biến (chuyện của phụ nữ dễ lan rộng hơn).
Trong các ngành đào tạo KHTN-CN, số nam sinh viên nhiều hơn nữ sinh viên; còn trong các ngành đào tạo KHXH-NV thì, do bản chất âm tính nên, ngược lại, số nữ sinh viên nhiều hơn nam sinh viên. Song ở các hệ đào tạo bậc cao như tiến sĩ (hoặc chức danh cao như giáo sư) thì thường là số cán bộ nam vẫn nhiều hơn cán bộ nữ (mặc dù số nữ ở bậc này của các ngành KHXH-NV vẫn nhiều hơn ở các ngành KHTN-CN), bởi lẽ nam giới có khả năng chuyên môn hoá sâu tốt hơn phụ nữ (ss, phụ nữ thì giỏi làm bếp, nhưng các đầu bếp giỏi nhất đều là nam giới). Thống kê cho thấy trong phần lớn các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE)[2], phụ nữ tốt nghiệp KHXH-NV đều đông hơn nam giới (57,6%), nhưng lên đến bậc tiến sĩ thì giảm xuống còn 39,8% [UNESCO 1999/2007: 156].
Những đặc điểm âm tính đó chính là sự cụ thể hoá 5 đặc trưng cơ bản đã nêu, tạo nên bản chất đặc thù của KHXH-NV.
2.4. Tiểu kết
Những nét tương đồng và khác biệt đã nêu tổng hợp lại tạo thành bức tranh so sánh chung như sau (x. bảng 2).
Bảng 2
KHTN-CN
KHXH-NV
ĐẠO HỌC
1. Nơi xuất phát
Phương Tây
Phương Đông
2. Loại đối tượng
Tự nhiên và kỹ thuật
Xã hội và con người
Chủ yếu là xã hội và con người
3. Khả năng xác định ĐTg
Xác định
Phiếm định
4. Khả năng tiếp cận ĐTg
Toàn vẹn
Tủn mủn
5. Quan hệ ngoài của ĐTg
Độc lập
Lệ thuộc
Vạn vật nhất thể
6. Cách tiếp cận đối tượng
Giới hạn chặt, phân ngành
Giới hạn lỏng, liên ngành
Không giới hạn
7. Nội dung nghiên cứu
Phổ quát
Đặc thù
Phổ quát
8. Phạm vi sử dụng NC
Chuyên sâu
Phổ biến
9. Phương pháp chính
Phân tích
Tổng hợp
10. Cơ sở tiếp cận
Lý tính
Trọng lý tính
Cảm tính
11. Cách kiểm tra
Thực nghiệm
Trọng thực nghiệm
Kinh nghiệm
12. Đánh giá
a-Về hình thức
Chặt chẽ
Trọng chặt chẽ
Không chặt chẽ
b-Về sức thuyết phục
Cao
Tương đối cao
Thấp
c-Về tính đúng
Thấp
Cao
II- NHỮNG VẤN ĐỀ NẢY SINH TRONG NCCB VỀ KHXH-NV
1. Phân loại khoa học
Việc đầu tiên trong mọi công việc đào tạo và nghiên cứu là phân loại khoa học. Có nhiều cách phân loại, song nếu phân loại theo đối tượng thì cách phân loại cổ điển là chia các khoa học thành "tự nhiên" và "xã hội". Gần đây, khi khoa học xã hội phát triển mạnh thì trong đó nổi lên phân biệt "khoa học xã hội" và "khoa học nhân văn".
Đến đây thì sự rắc rối bắt đầu.
Thứ nhất là về tên gọi. Ở Mỹ phân biệt "Các khoa học xã hội và hành vi" (social and behavioural sciences) với "Các khoa học nhân văn" (humanities). Ở Đức phân biệt "các khoa học xã hội" (Sozialwissenschaften) với "Các khoa học tinh thần" (Geisteswissenschaften). Ở Pháp phân biệt "các khoa học xã hội" (sciences sociales)" với "các khoa học về con người" (sciences de l'homme)... [UNESCO 1999/2007: 21].
Thứ hai là về tiêu chí phân loại. Tuy tên gọi thì là "xã hội" / "nhân văn", song tiêu chí mà phương Tây hay dùng nhất để phân loại lại không phải là "xã hội" hay "nhân văn", mà là "thực nghiệm" (khoa học xã hội) hay "phi thực nghiệm" (khoa học nhân văn). Trong bảng 3 dưới đây là một số tiêu chí phân biệt 6 ngành khoa học tương đối điển hình (tiêu chí 1-3 lấy ý từ [UNESCO 1999/2007: 101]).
Bảng 3
Môn học điển hình
Tiêu chí khu biệt
Kinh tế học
Chính trị học
Xã hội học
Nhân loại học
Lịch sử học
Đông phương học
1. KHÔNG GIAN: Ph.Tây / T.giới khác
PT
PT
PT
Kc
PT
Kc
2. THỜI GIAN: Hiện tại / Quá khứ
HT
HT
HT
↑qk
QK
↑qk
3. CHỦ THỂ: QH xã hội / C.người
XH
XH
XH
CN
CN
CN
4. PHƯƠNG PHÁP:
Đ.lượng, Th.nghiệm / Đ.tính
ĐL
↑Đl
ĐL,ThN
ThN
ĐT
ĐT
Khi xếp loại các ngành khoa học cụ thể thì càng rối rắm hơn nữa.
Phân loại quốc tế về giáo dục của UNESCO 1977 xếp vào nhóm các "kh