Ô nhiễm môi trường ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung – thực trạng, nguyên nhân và giải pháp
Xã hội là một hệ thống tự điều khiển bằng những quy luật đặc thù của mình. Song điều đó không có nghĩa là xã hội phát triển một cách biệt lập với tự nhiên. Bởi vì tự nhiên là môi trường sống của con người hợp thành xã hội và xã hội, trong đó có con người là sản phẩm phát triển của tự nhiên. Giữa xã hội và tự nhiên thường xuyên diễn ra trao đổi vật chất tạo nên sự thống nhất hữu cơ. Sự trao đổi đó – như Mác đã chỉ rõ - được thực hiện trong quá trình lao động sản xuất. Điều kiện tự nhiên là yếu tố thường xuyên tất yếu của sự tồn tại và phát triển của xã hội, nhưng không giữ vai trò quyết định sự phát triển của xã hội. Vai trò của tự nhiên trước hết được thể hiện ở chỗ: từ trong thế giới thực vật và động vật, con người khai thác và chế biến ra tư liệu tiêu dùng; từ những tài nguyên tự nhiên, con người chế tạo ra tư liệu sản xuất; từ những nguồn năng lượng tự nhiên, con người sử dụng vào quá trình sản xuất như: sức của gia súc thuằn dưỡng, sức gió, sức nước, sau là sức hơi nước, điện, năng lượng của các quá trình hóa học và các quá trình bên trong nguyên tử. Ở những trình độ khác nhau của xã hội, mức độ ảnh hưởng của tự nhiên đối với xã hội cũng khác nhau. Tự nhiên tác động vào xã hội hoàn toàn mang tính chất tự phát, còn xã hội tác động vào tự nhiên là sự tác động có ý thức của con người. Mà như C.Mac đã nói: “ tất cả những gì thúc đẩy con người hành động đều tất nhiên phải thông qua đầu óc họ”. Do vậy, quy luật xã hội chẳng qua chỉ là quy luật hoạt động của con người theo đuổi mục đích của mình. Sự tác động của con người có thể làm cho tự nhiên biến đổi theo hai hướng: Nếu con người tác động vào tự nhiên theo đúng quy luật của nó thì làm cho tự nhiên ngày càng phong phú, tạo điều kiện cho sản xuất và đời sống của con người; ngược lại, nếu con người chỉ biết khai thác những cái sẵn có trong tự nhiên, không biết tái tạo lại tự nhiên, không tác động theo đúng quy luật của tự nhiên thì sẽ làm cho tự nhiên ngày càng nghèo nàn đi, sự cân bằng sinh thái của tự nhiên sẽ bị phá vỡ và tự nhiên sẽ “ trả thù” lại con người ( hậu quả của nạn phá rừng là một ví dụ). Mà sự tác động của con người vào tự nhiên như thế nào điều đó tùy thuộc vào trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, và vào chế độ xã hội. Lực lượng sản xuất quyết định cách thức và trình độ chinh phục tự nhiên của con người. Cùng với sự phát triển của xã hội loài người, năng lực chinh phục và cải tạo tự nhiên của con người ngày càng lớn mạnh, đồng thời nó cũng gây ra hậu quả xấu về môi trường do con người đã phá hoại sự cân bằng sinh thái. Vấn đề môi trường đã nảy sinh từ thời kỳ xa xưa, từ lúc con người sống bằng hái lượm và săn bắn. Người nguyên thủy do hái lượm và săn bắn quá mức đã phá hoại nguồn thức ăn trong vùng cư trú của mình nên phải di chuyển đến nơi khác. Đó là vấn đề môi trường sớm nhất mà con người gặp phải và cũng là bịên pháp giải quyết vấn đề môi trường đầu tiên trong lịch sử loài người.