Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ cũng như toàn cầu hoá diễn ra mạnh mẽ đã đặt ra nhiều cơ hội cùng thách thức cho tất cả các quốc gia, dân tộc. Nhận thức được điều đó, các quốc gia, dân tộc phải có một chiến lược phát triển kinh tế phù hợp để tránh nguy cơ tụt hậu xa hơn. Song, nhiều khi vì mong muốn tăng trưởng kinh tế nhanh nhất, thu được nhiều lợi nhuận nhất mà người ta đã quên đi các vấn đề xã hội, môi trường. Quả thực, trong những năm gần đây, vấn đề ô nhiễm môi trường, sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự đe doạ khủng hoảng sinh thái trên phạm vi toàn thế giới đang thu hút sự chú ý của các quốc gia, dân tộc, các nhà nghiên cứu khoa học và các nhà quản lý. Con người ngày càng nhận thức rõ hơn rằng, để đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế nhằm khắc phục tình trạng đói nghèo, bất bình đẳng và giảm thiểu hậu quả về môi trường thì phải phát triển bền vững.
27 trang |
Chia sẻ: lecuong1825 | Lượt xem: 1727 | Lượt tải: 6
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Tóm tắt Luận án Kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường ở các tỉnh bắc trung bộ Việt Nam hiện nay, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
ĐỖ TRỌNG HƯNG
KÕT HîP T¡NG TR¦ëNG KINH TÕ
VíI B¶O VÖ M¤I TR¦êNG ë C¸C TØNH B¾C TRUNG Bé VIÖT NAM HIÖN NAY
Chuyên ngành: Chủ nghĩa duy vật biện chứng và
Chủ nghĩa duy vật lịch sử
Mã số: 62 22 03 02
TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC
HÀ NỘI - 2015
Công trình được hoàn thành
tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS. Trần Văn Phòng
2. PGS.TS. Bùi Văn Dũng
Phản biện 1:
Phản biện 2:
Phản biện 3:
Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp Học viện họp tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Vào hồi giờ ngày tháng năm 2015
Có thể tìm hiểu luận án tại: Thư viện Quốc gia
và Thư viện Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ cũng như toàn cầu hoá diễn ra mạnh mẽ đã đặt ra nhiều cơ hội cùng thách thức cho tất cả các quốc gia, dân tộc. Nhận thức được điều đó, các quốc gia, dân tộc phải có một chiến lược phát triển kinh tế phù hợp để tránh nguy cơ tụt hậu xa hơn. Song, nhiều khi vì mong muốn tăng trưởng kinh tế nhanh nhất, thu được nhiều lợi nhuận nhất mà người ta đã quên đi các vấn đề xã hội, môi trường. Quả thực, trong những năm gần đây, vấn đề ô nhiễm môi trường, sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự đe doạ khủng hoảng sinh thái trên phạm vi toàn thế giới đang thu hút sự chú ý của các quốc gia, dân tộc, các nhà nghiên cứu khoa học và các nhà quản lý. Con người ngày càng nhận thức rõ hơn rằng, để đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế nhằm khắc phục tình trạng đói nghèo, bất bình đẳng và giảm thiểu hậu quả về môi trường thì phải phát triển bền vững.
Hiện nay, Việt Nam đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước với mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững, tiếp tục xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để thực hiện được mục tiêu đó, vấn đề đặt ra cho chúng ta là trong khi phát triển kinh tế thì việc khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên phải bảo vệ được môi trường tự nhiên một cách có hiệu quả, nằm trong giới hạn cho phép của môi trường để bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Trong thời gian qua, việc bảo vệ môi trường ở nước ta hiện chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững; môi trường nước ta vẫn tiếp tục bị ô nhiễm và suy thoái, có nơi nghiêm trọng. Việc thi hành pháp luật bảo vệ môi trường chưa nghiêm minh. Ý thức tự giác bảo vệ và giữ gìn môi trường chưa trở thành thói quen trong cách sống của đại bộ phận dân cư. Do đó, việc giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững có ý nghĩa sống còn đối với nước ta cả trước mắt và lâu dài.
Trong quá trình đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế con người đã tác động rất lớn đến môi trường. Trước thực trạng môi trường ngày càng xấu đi do phát triển kinh tế gây ra, con người đã đặt ra yêu cầu và đi tìm các biện pháp để vừa tăng trưởng, phát triển kinh tế nhưng ít gây tổn hại đến môi trường nhất. Những địa phương có xuất phát điểm về kinh tế thấp như các tỉnh Bắc Trung bộ Việt Nam, thường phải đẩy nhanh tốc độ phát triển, vì vậy, mức độ tác động đến môi trường càng lớn do phải khai thác nhiều hơn đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Bắc Trung bộ (gồm 6 tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế) là một vùng kinh tế còn khó khăn, có điều kiện tự nhiên không thuận lợi cho việc phát triển sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, kinh tế kém phát triển dẫn tới tình trạng khai thác tràn lan tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực, nhưng kết quả phát triển kinh tế không cao, còn gây ra nhiều vấn đề về môi trường. Thực tế việc kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường ở các tỉnh Bắc Trung bộ còn nhiều bất cập chưa đáp ứng yêu cầu. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong vùng về vấn đề này vẫn còn hạn chế; vẫn còn biểu hiện tuyệt đối hóa tăng trưởng kinh tế mà chưa có sự quan tâm đúng mức tới bảo vệ môi trường, v.v..
Do vậy, kết hợp giữa đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường ở các tỉnh Bắc Trung bộ là vấn đề mang tính bức thiết hiện nay. Để bảo đảm sự cân bằng trong phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, thời gian qua đã có rất nhiều công trình nghiên cứu, những ý kiến đề xuất và những giải pháp trong thực tiễn. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có công trình nào trực tiếp nghiên cứu vấn đề này ở các tỉnh Bắc Trung bộ. Vì vậy, để tiếp tục khẳng định cần phải kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường tự nhiên nhằm tạo ra môi trường cho sự phát triển bền vững, tác giả chọn vấn đề: Kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường ở các tỉnh Bắc Trung bộ Việt Nam hiện nay làm đề tài luận án tiến sĩ Triết học.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
2.1. Mục đích của luận án
Trên cơ sở phân tích một số vấn đề lý luận về kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường cũng như thực trạng kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường ở các tỉnh Bắc Trung bộ Việt Nam hiện nay, luận án đề xuất một số quan điểm và giải pháp chủ yếu nhằm kết hợp hài hòa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường trên địa bàn vùng.
2.2. Nhiệm vụ của luận án
- Phân tích làm rõ một số vấn đề lý luận về kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường tự nhiên.
- Phân tích thực trạng và những vấn đề đặt ra của việc kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường ở các tỉnh Bắc Trung bộ Việt Nam hiện nay.
- Đề xuất một số quan điểm và giải pháp chủ yếu nhằm kết hợp hài hòa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường ở các tỉnh Bắc Trung bộ Việt Nam hiện nay.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Luận án tập trung nghiên cứu, tìm hiểu sự kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường ở các tỉnh Bắc Trung bộ Việt Nam hiện nay.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Môi trường là một vấn đề rất rộng, có thể nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau, như: môi trường tự nhiên, môi trường kinh tế, môi trường sống (tồn tại), môi trường sinh thái, môi trường phát triển, môi trường xã hội... Ở đây, luận án chỉ tập trung nghiên cứu sự kết hợp biện chứng tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường tự nhiên ở các tỉnh Bắc Trung bộ Việt Nam hiện nay (gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế tính từ năm 2000 trở lại đây).
Tác giả luận án xác định ba nhiệm vụ chính cần phải giải quyết (2.2) trong khuôn khổ cho phép của một luận án tiến sĩ Triết học, đặc biệt, tập trung đề xuất một số quan điểm và giải pháp chủ yếu nhằm kết hợp hài hòa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường ở các tỉnh Bắc Trung bộ Việt Nam hiện nay. Các điều kiện để thực hiện tốt các giải pháp đó sẽ được tác giả luận án tiếp tục đào sâu nghiên cứu, khảo nghiệm trong quá trình nghiên cứu và công tác của mình.
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận án
4.1. Cơ sở lý luận
Cơ sở lý luận của luận án là phép biện chứng duy vật, những quan điểm của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên; quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển bền vững, gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường; những thành tựu lý luận hiện đại về cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật và công nghệ.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu được sử dụng chủ yếu trong luận án là: phương pháp lịch sử và lôgíc; phân tích và tổng hợp; cách tiếp cận hệ thống, so sánh đối chiếu, điều tra khảo sát trên tinh thần kết hợp lý luận với thực tiễn.
5. Đóng góp về khoa học của luận án
- Làm rõ hơn cơ sở triết học của việc giải quyết sự kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường.
- Phân tích chỉ rõ thực trạng của việc giải quyết sự kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường ở các tỉnh Bắc Trung bộ Việt Nam hiện nay.
- Đề xuất được một số quan điểm và giải pháp chủ yếu nhằm kết hợp hài hòa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường ở các tỉnh Bắc Trung bộ Việt Nam hiện nay.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
- Luận án có thể làm tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập những vấn đề về môi trường, bảo vệ môi trường, kết hợp vấn đề môi trường trong phát triển kinh tế.
- Luận án có thể giúp những người làm công tác lãnh đạo, quản lý xã hội, xây dựng pháp luật tham khảo vận dụng vào địa phương mình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý.
7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung luận án gồm 4 chương, 13 tiết.
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN
ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN
1.1. Các công trình đề cập đến những vấn đề lý luận về kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường
Nghiên cứu về những vấn đề lý luận kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường có rất nhiều công trình. Có thể kể đến một số công trình tiêu biểu như: Các mô hình tăng trưởng kinh tế của tác giả Trần Thọ Đạt; Giáo trình kinh tế phát triển của tác giả Vũ Thị Ngọc Phùng; Môi trường tự nhiên trong hoạt động sống của con người của tác giả Đỗ Thị Ngọc Lan; Cơ sở triết học nghiên cứu mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường của tác giả Bùi Văn Dũng...
Nhìn chung, các nghiên cứu về những vấn đề lý luận kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường đã tập trung làm rõ nội hàm của khái niệm tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế, môi trường và bảo vệ môi trường, đồng thời đi sâu nghiên cứu, hệ thống hóa những vấn đề lý luận về sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, đưa ra một số giải pháp để kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường.
1.2. Các công trình đề cập đến thực trạng kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường ở Việt Nam nói chung và ở Bắc Trung bộ Việt Nam nói riêng
Đề cập đến thực trạng kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường ở Việt Nam nói chung và ở Bắc Trung bộ nói riêng có các công trình nghiên cứu như: Một số vấn đề về bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế ở nước ta hiện nay của tác giả Nguyễn Văn Ngừng; Quản lý môi trường cho sự phát triển bền vững của tác giả Lưu Đức Hải, Nguyễn Ngọc Minh; Phát triển bền vững của Việt Nam: thành tựu, cơ hội, thách thức và triển vọng của Ngô Quang Thái và Ngô Thắng Lợi; Bảo vệ môi trường trước những yêu cầu mới của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của tác giả Chu Thái Thành...
Về phía địa phương các tỉnh Bắc Trung bộ, có các công trình như: Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 41/NQ-TW của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước tại các tỉnh Bắc Trung bộ v.v..
Các nghiên cứu trên đã làm rõ, ở nước ta, trong thời gian qua, vấn đề kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường cùng nhiều vấn đề liên quan khác đã trở thành nội dung quan trọng trong các chiến lược, các hội nghị, hội thảo về phát triển. Các tỉnh Bắc Trung bộ cũng đã có sự quan tâm nhất định về sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế với vảo vệ môi trường trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
1.3. Các công trình đề cập đến quan điểm, giải pháp kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường
Những năm gần đây, những nghiên cứu đề cập đến quan điểm, giải pháp kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường đã thu hút được sự quan tâm, chú ý của nhiều người. Trong số những nghiên cứu liên quan đến vấn đề này có thể kể đến một số công trình tiêu biểu. Về các công trình ngoài nước: Giới hạn của các mô hình tăng trưởng của tác giả Robert U.Ayres; Chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tăng trưởng bền vững ở Trung Quốc của nhóm tác giả Wang Xiaolu, Fan Gang and Liu Peng;...
Về các công trình trong nước: Phát triển bền vững từ quan niệm đến hành động của các tác giả Hà Huy Thành, Nguyễn Ngọc Khánh; Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường ở Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tác giả Bùi Văn Dũng; Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ở Việt Nam của các tác giả Lê Thạc Cán, Trương Quang Học, Phan Quang Thắng; Một số nguyên tắc phương pháp luận căn bản của việc giải quyết mối quan hệ giữa hiện đại hoá xã hội và môi trường sinh thái của tác giả Lương Đình Hải; Quản lý nhà nước đối với tài nguyên và môi trường vì sự phát triển bền vững dưới góc nhìn xã hội - nhân văn của tác giả Phạm Thị Ngọc Trầm;...
Về luận án tiến sĩ đã thực hiện liên quan đến tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường có: Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường cho sự phát triển lâu bền, luận án tiến sĩ triết học của Bùi Văn Dũng; Vai trò của Nhà nước đối với bảo vệ môi trường trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam hiện nay, luận án tiến sĩ triết học của Lê Thị Thanh Hà; Vai trò của Nhà nước trong việc kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái ở nước ta hiện nay, luận án tiến sĩ triết học của Nguyễn Thị Khương...
Các công trình nghiên cứu trên đã chứng minh rằng trong quá trình tăng trưởng kinh tế, con người đã tác động vào môi trường, khai thác sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên và tàn phá môi trường. Do vậy, muốn có sự tăng trưởng kinh tế bền vững thì phải bảo vệ môi trường, đồng thời bảo vệ môi trường là điều kiện cho sự tăng trưởng kinh tế bền vững. Từ đó, các nghiên cứu tập trung phân tích và đưa ra một số giải pháp cơ bản để có thể kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường.
1.4. Khái quát kết quả của các công trình nghiên cứu liên quan và vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu về việc kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường ở các tỉnh Bắc Trung bộ Việt Nam hiện nay
Từ các công trình nêu trên cho thấy, các tác giả đã nghiên cứu các nội dung chủ yếu sau: 1. Xác định khái niệm liên quan tới tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và mối quan hệ biện chứng giữa con người với tự nhiên, giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường trong tiến trình phát triển kinh tế chung của xã hội; 2. Nêu lên những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu và bất ổn kinh tế trên thế giới và ở trong nước cũng như những kinh nghiệm xử lý mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường thông qua các công cụ chính sách, công cụ kinh tế và công cụ tài chính; 3. Nghiên cứu về một số mô hình tăng trưởng được áp dụng trên thế giới cũng như ảnh hưởng của nó tới khả năng bảo vệ môi trường, phát triển bền vững tại các quốc gia và sự lựa chọn của từng quốc gia trong điều kiện hạn hẹp về các nguồn lực giữa mục tiêu tăng trưởng hay mục tiêu môi trường; 4. Thực tiễn giải quyết mối quan hệ tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, đoàn thể, các thành phần kinh tế và cộng đồng dân cư đối với sự nghiệp phát triển bền vững tại Việt Nam trong thời gian qua cũng như chính sách, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, môi trường và một số kinh nghiệm và giải pháp đã được áp dụng tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là tại các tỉnh Bắc Trung bộ.
Về cơ bản, các tác giả đã phản ánh khá đầy đủ, chi tiết về khái niệm, vai trò, vị trí và mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường đối với sự phát triển chung của xã hội trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, về mặt lý luận các công trình nghiên cứu kể trên chưa nêu bật được mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường ở các tỉnh Bắc Trung bộ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, chưa phân tích được những yếu tố về tự nhiên, chính trị, văn hóa, lịch sử, xã hội, kinh tế và môi trường có ảnh hưởng tới mối quan hệ này nhằm đưa ra những phương hướng, định hướng và giải pháp để giải quyết triệt để mối quan hệ này, giúp kinh tế của vùng phát triển một cách bền vững, ổn định và nhanh chóng; về mặt thực tiễn, chưa có một nghiên cứu nào nghiên cứu đầy đủ và chi tiết về thực trạng kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường ở các tỉnh Bắc Trung bộ trên cơ sở liên kết vùng, ngành, vì vậy, chưa có cái nhìn khái quát về việc phát triển bền vững ở vùng kinh tế này. Đồng thời, các tác giả chưa đưa ra được hệ thống các mục tiêu, phương hướng và giải pháp thiết thực, có khả năng áp dụng trên thực tế phù hợp, nhằm giải quyết vướng mắc trong việc lựa chọn giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường trong điều kiện bị hạn chế bởi các nguồn lực của vùng kinh tế Bắc Trung bộ Việt Nam.
Chương 2
KẾT HỢP TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VỚI BẢO VỆ
MÔI TRƯỜNG - MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN
2.1. Kinh tế, tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế
2.1.1. Kinh tế
Kinh tế là khái niệm phản ánh các hoạt động của con người có liên quan tới quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ.
Nói đơn giản, kinh tế có nghĩa là: dựa vào nguồn tài nguyên sẵn có và hạn hẹp, con người và xã hội loài người tìm cách trả lời ba câu hỏi: Sản xuất cái gì? Sản xuất như thế nào? và Sản xuất cho ai?.
2.1.2. Tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế
2.1.2.1. Khái niệm tăng trưởng kinh tế
Khái niệm tăng trưởng kinh tế trong kinh tế học là khái niệm dùng để diễn tả động thái của nền kinh tế, khi sản lượng quốc gia, tiềm năng hay khả năng sản xuất được mở rộng theo thời gian.
Tăng trưởng kinh tế là mức tăng sản lượng thực tế qua từng thời kỳ, hiểu theo nghĩa thông thường thì tăng trưởng kinh tế là sự tăng GDP, GNP. Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào các yếu tố chính là: số lượng và chất lượng nguồn nhân lực; số lượng và chất lượng nguồn tài nguyên; mức độ tích lũy vốn và sự đổi mới về khoa học và công nghệ.
2.1.2.2. Phát triển kinh tế
Theo nghĩa triết học, phát triển là quá trình vận động từ thấp đến cao, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện hơn, mà nét đặc trưng chủ yếu là cái cũ mất đi và cái mới ra đời. Trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, nói tới phát triển là nói tới sự vận động đi lên, sự biến đổi theo chiều hướng tốt đẹp của những lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội.
Phát triển kinh tế là quá trình thay đổi theo chiều hướng tiến bộ hơn mọi mặt của nền kinh tế, nó bao gồm sự tăng trưởng cũng như sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội theo hướng tiến bộ hơn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
2.1.2.3. Tăng trưởng kinh tế trong mối quan hệ với phát triển kinh tế
Trong mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế, theo nghĩa rộng nhất tăng trưởng kinh tế là phương tiện để đạt được phát triển kinh tế, nhưng bản thân tăng trưởng lại là một đại lượng không hoàn hảo của sự tiến bộ. Có thể coi tăng trưởng là phương tiện cơ bản nhất giúp đạt được sự phát triển bởi tăng trưởng kinh tế có thể thúc đẩy sự phát triển của xã hội thông qua sự thay đổi về mặt lượng, các kích thước vật chất của nền kinh tế, nhưng nó không dẫn đến sự tiến bộ xã hội hay sự phát triển toàn diện theo hướng đầy đủ hơn, có hiệu quả hơn và tốt đẹp hơn.
Khái niệm phát triển kinh tế rộng hơn, bao hàm khái niệm tăng trưởng kinh tế. Không có tăng trưởng kinh tế thì không có phát triển kinh tế và phát triển kinh tế chính là điều kiện để giải quyết các vấn đề xã hội.
2.2. Môi trường và bảo vệ môi trường
2.2.1. Khái niệm môi trường
Hiện nay, có rất nhiều khái niệm về môi trường tùy thuộc vào khía cạnh nghiên cứu, cách tiếp cận. Theo tác giả luận án: môi trường là tập hợp tất cả các thành phần của thế giới vật chất bao quanh có khả năng tác động đến sự tồn tại và phát triển của mỗi sinh vật. Bất cứ một vật thể, một sự kiện nào cũng tồn tại và diễn biến trong một môi trường. Có thể phân chia môi trường thành ba loại chính là môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và môi trường nhân tạo.
- Môi trường tự nhiên bao gồm các yếu tố như vật lí, hoá học, sinh học tồn tại ngoài ý muốn con người, nhưng cũng ít nhiều chịu tác động của con người. Đó là ánh sáng mặt trời, núi, sông, biển cả, không khí, động thực vật, đất, nước
- Môi trường xã hội là tổng thể các quan hệ giữa người với người. Đó là những luật lệ, thể chế, cam kết, quy ước, quy định ở các cấp khác nhau như: Liên hợp quốc, Hiệp hội các nước, quốc gia, tỉnh, huyện, cơ quan, làng xã, họ tộc, gia đình, tổ nhóm, các tổ chức tôn giáo, tổ chức đoàn thể,
- Môi trường nhân tạo là “toàn bộ các yếu tố nhân tạo (do chính con người tạo nên) bao