Thời gian trôi qua, tác phẩm của Khái Hưng và của Tự lực văn đoàn (TLVĐ) là một trong nhiều hiện tượng văn học được nhìn nhận, đánh giá lại, càng ngày càng khách quan khoa học hơn. Tuy vậy, vẫn phải tìm thêm hướng tiếp cận, phương pháp, thao tác nghiên cứu mới để sáng tác của cá nhân ông cũng như văn đoàn của ông đầy đủ, thỏa đáng hơn.
24 trang |
Chia sẻ: lecuong1825 | Lượt xem: 3546 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Tóm tắt Luận án Tiểu thuyết, truyện ngắn Khái Hưng từ góc nhìn trần thuật, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TIỂU THUYẾT, TRUYỆN NGẮN KHÁI HƯNG TỪ GÓC NHÌN
TRẦN THUẬT
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Thời gian trôi qua, tác phẩm của Khái Hưng và của Tự lực văn đoàn (TLVĐ) là một trong nhiều hiện tượng văn học được nhìn nhận, đánh giá lại, càng ngày càng khách quan khoa học hơn. Tuy vậy, vẫn phải tìm thêm hướng tiếp cận, phương pháp, thao tác nghiên cứu mới để sáng tác của cá nhân ông cũng như văn đoàn của ông đầy đủ, thỏa đáng hơn.
Mặt khác, việc nghiên cứu sáng tác của Khái Hưng, lâu nay mới chỉ tập trung nhiều vào tiểu thuyết mà chưa chú ý đến đúng mức đến các mảng sáng tác khác của ông, nhất là truyện ngắn, đồng thời chưa đặt từng bộ phận sáng tác ấy trong mối quan hệ tương tác lẫn nhau, cũng như sự tác động qua lại giữa sáng tác của Khái Hưng với sáng tác của các nhà văn trong cùng văn đoàn. Đã đến lúc phải có những nghiên cứu bổ sung và khắc phục sự khiếm khuyết này: cần phải “đánh giá lại”, “định vị” tiểu thuyết truyện ngắn của Khái Hưng trong văn xuôi TLVĐ theo những hướng tiếp cận cũng như trong những mối quan hệ chưa được chú ý đến.
Một trong những hướng tiếp cận có triển vọng là ứng dụng nghiên cứu loại hình từ lý thuyết tự sự học để xem xét văn xuôi nghệ thuật của Khái Hưng trong bối cảnh văn xuôi TLVĐ. Theo hướng đó, chúng tôi chọn đề tài: “Tiểu thuyết, truyện ngắn Khái Hưng từ góc nhìn trần thuật” để thực hiện luận án tiến sĩ này.
2. Mục đích nghiên cứu
- Luận án đề xuất hướng tiếp cận đặc điểm, phong cách sáng tác văn xuôi tự sự của Khái Hưng theo hướng loại hình hóa mô thức trần thuật.
- Mô tả đặc điểm tiểu thuyết, truyện ngắn Khái Hưng theo thể tài và các mô thức trần thuật chủ yếu.
- Khẳng định vị trí, đóng góp của Khái Hưng đối với sự phát triển văn xuôi TLVĐ nói riêng và của văn xuôi Việt Nam hiện đại trước 1945 nói chung.
3. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Mục Lịch sử nghiên cứu vấn đề tổng hợp, đánh giá tình hình nghiên cứu theo các góc độ dưới đây:
- Về đóng góp của nhóm Tự lực văn đoàn đối với tiến trình phát triển của văn học dân tộc
- Về tình hình nghiên cứu văn xuôi nghệ thuật Khái Hưng trong bối cảnh TLVĐ
- Về tình hình nghiên cứu tiểu thuyết, truyện ngắn Khái Hưng từ góc nhìn trần thuật
4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu là tiểu thuyết, truyện ngắn Khái Hưng trong bối cảnh văn xuôi TLVĐ – được nhìn chủ yếu từ góc nhìn trần thuật – luận án tập trung khảo sát 14 thiên tiểu thuyết và 67 truyện ngắn của Khái Hưng thời Tự lực văn đoàn. Đây là các tác phẩm đã đăng báo Phong hóa, Ngày nay và sau in thành sách, tái bản.
5. Phương pháp nghiên cứu
Dưới ánh sáng của lý thuyết tự sự học, trong khi thực hiện đề tài, luận án vận dụng kết hợp các phương pháp nghiên cứu như: phương pháp nghiên cứu loại hình, phương pháp hệ thống, phương pháp xã hội học, phương pháp liên ngành, phương pháp thống kê, so sánh... trong đó đặc biệt phương pháp nghiên cứu loại hình và phương pháp thống kê, so sánh được xem là các phương pháp chủ đạo.
6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
Người viết khảo sát một cách nhất quán đặc điểm trần thuật của tiểu thuyết, truyện ngắn Khái Hưng. Cách xem xét này giúp ta hình dung được toàn bộ đặc điểm trần thuật trong tiểu thuyết, truyện ngắn của Khái Hưng không phải như một tổng số các đặc điểm rời rạc, mà như một chỉnh thể thống nhất các nét độc đáo xuyên suốt nội dung và hình thức các tác phẩm. Trên cơ sở nhận diện đúng các kiểu mô thức trần thuật trong truyện ngắn tiểu thuyết của ông, có cái nhìn mới mẻ, thỏa đáng về những đóng góp nghệ thuật của ông.
7. Đóng góp mới của đề tài
Thực hiện đề tài này, luận án có thể mang lại những đóng góp mới sau đây:
Mô tả đặc điểm trần thuật trong tiểu thuyết, truyện ngắn Khái Hưng theo ba thể tài tiểu thuyết và mô thức trần thuật chủ yếu.
Khái quát một số nét độc đáo có giá trị thẩm mĩ trong sáng tác văn xuôi Khái Hưng nói chung, phong cách kiến tạo, tổ chức diễn ngôn trần thuật của ông nói riêng..
8. Cấu trúc của luận án
Ngoài Mở đầu, Kết luận và Phụ lục, luận án triển khai thành 3 chương:
Chương 1. Văn xuôi Khái Hưng trong Tự Lực Văn Đoàn và việc nghiên cứu tiểu thuyết truyện ngắn của ông từ góc nhìn trần thuật
Chương 2. Đặc điểm tiểu thuyết, truyện ngắn Khái Hưng nhìn từ mô thức trần thuật
Chương 3. Đặc điểm tiểu thuyết, truyện ngắn Khái Hưng nhìn từ phong cách kiến tạo diễn ngôn trần thuật.
CHƯƠNG 1. VĂN XUÔI KHÁI HƯNG TRONG TỰ LỰC VĂN ĐOÀN VÀ VIỆC NGHIÊN CỨU TIỂU THUYẾT, TRUYỆN NGẮN CỦA ÔNG TỪ GÓC NHÌN TRẦN THUẬT
1.1 Nhìn chung về tiểu thuyết, truyện ngắn Khái Hưng trong bối cảnh văn xuôi TLVĐ
1.1.1. Trước tác của Khái Hưng – một sự nghiệp phong phú, đa dạng
Khái Hưng là người có sức sáng tạo dồi dào và có thành tựu nổi bật trên nhiều thể loại. Không kể một đôi lần làm thơ, vẽ tranh, sức sáng tạo chủ yếu của Khái Hưng tập trung vào nghệ thuật ngôn từ. Ngoài sáng tác tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện viết cho thiếu nhi, Khái Hưng đồng thời cũng là người soạn kịch, viết xã luận, chính luận, với nhiều bút danh.
1.1.2. Những thăng trầm, khác biệt trong tiếp nhận văn chương Tự lực văn đoàn và văn chương của Khái Hưng
Xu hướng chung trong nghiên cứu đánh giá văn chương TLVĐ vài ba thập niên gần đây là: Một mặt, các nhà nghiên cứu chia sẻ những đánh giá thỏa đáng trong các công trình bài viết của học giả từng được công bố trước 1945 hoặc ở miền Nam 1954-1975. Mặt khác, vận dụng các lý thuyết phương pháp tiếp cận văn học hiện đại để đọc lại, phát hiện lại giá trị văn chương của TLVĐ ở cả hai cấp độ: cấp độ nhóm tác giả (văn đoàn) và cấp độ tác giả, tác phẩm cụ thể.
Những định kiến chủ quan, thậm chí, cả lối quy chụp xã hội học dung tục, dần được khắc phục, để từng bước trả lại các giá trị, địa vị vốn có cho văn chương TLVĐ trong bối cảnh hiện đại hóa văn học 1932-1945 và trong văn mạch văn học dân tộc.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rõ, để khắc phục tình trạng thăng trầm, khác biệt, thậm chí trái ngược trong nhận định đánh giá Khái Hưng cũng như với TLVĐ, và để có được một tiếng nói có nhiều điểm chung như ngày nay, giới nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam (miền Bắc và miền Nam, trong nước và ngoài nước, thế hệ trước và thế hệ sau,) đã phải đi một chặng đường rất dài.
1.2. Vấn đề nghiên cứu nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết, truyện ngắn Khái Hưng dưới ánh sáng của lý thuyết tự sự học
1.2.1. Tự sự học và việc ứng dụng tự sự học vào nghiên cứu truyện ngắn, tiểu thuyết hiện đại Việt Nam
Tự sự học ngày hôm nay rất phát triển và hết sức bề bộn, với nhiều khái niệm, nhiều bình diện, cấp độ khác nhau. Riêng phương thức trần thuật thường được xem xét như là một chiến lược kể chuyện được thực hiện trong văn bản nghệ thuật. Những năm gần đây, chuyên ngành này ngày càng phát triển, đặc biệt, nhiều tác giả có xu hướng gắn nghiên cứu tự sự học trong quan hệ với văn hoá, với đặc tính dân tộc,... Nhìn chung các nghiên cứu tự sự học ở Việt Nam hiện nay tập trung nhiều vào giới thiệu lý thuyết. Những lý thuyết ấy tuy mới là phác hoạ nhưng khá chi tiết và chuyên sâu giúp người nghiên cứu quan tâm tới tự sự học. Chúng giúp ta thấy được phần nào tính phong phú, phức tạp, cũng như khó khăn thách thức trong hướng tiếp cận này trong nghiên cứu văn học hiện đại Việt Nam, nghiên cứu Khái Hưng, văn xuôi TLVĐ. Dầu sao đây vẫn là một hướng tiếp cận triển vọng, một cánh cửa chỉ mới vừa mở ra.
1.2.2. Giới hạn về thành tựu nghiên cứu nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết, truyện ngắn Khái Hưng và sự cần thiết khơi mở những hướng đi mới
Việc nghiên cứu, đánh giá văn xuôi nghệ thuật của Khái Hưng, nhất là lĩnh vực tiểu thuyết, truyện ngắn, nhìn từ góc nhìn trần thuật học, hầu như chưa có nhiều những công trình nghiên cứu thật sự chuyên sâu.
Tuy nhiên, qua thu thập tài liệu, chúng tôi có thể thấy được những đóng góp của các nhà nghiên cứu đi trước về nghệ thuật trần thuật trong văn Khái Hưng, ở phương diện: cốt truyện - kết cấu, nghệ thuật xây dựng nhân vật, nghệ thuật trần thuật (gồm: điểm nhìn trần thuật, giọng điệu trần thuật, nhịp điệu trần thuật) và đặc trưng ngôn ngữ nghệ thuật, hình tượng người kể chuyện. Những công trình nghiên cứu, bài báo khoa học này, dù trực tiếp hay gián tiếp, dù độ đậm nhạt khác nhau, đều có những đóng góp đáng ghi nhận trong việc tìm hiểu nghệ thuật trần thuật của Khái Hưng.
Tuy vậy, dễ dàng nhận thấy các thành tựu nói trên vẫn chưa tạo nên một bước chuyển về chất, những bước đột phá thật sự trong nghiên cứu loại hình tiểu thuyết nói chung, trần thuật nói riêng.
1.3. Lý thuyết tự sự học trong nghiên cứu tiểu thuyết và hướng tiếp cận loại hình hóa mô thức trần thuật trong tiểu thuyết truyện ngắn Khái Hưng – những ứng dụng và giới hạn
1.3.1. Nguyên nhân của sự bất cập trong nghiên cứu loại hình tiểu thuyết Tự lực văn đoàn
Do có một số đặc điểm vận động nội tại riêng trong quá trình hình thành phát triển của xu hướng tiểu thuyết TLVĐ trong đó có tiểu thuyết Khái Hưng, các nhà nghiên cứu thường không hẹn mà gặp khi thực hiện các công trình chuyên khảo liên quan đến tiểu thuyết TLVĐ của họ: nhu cầu và ý hướng phân loại (loại hình hóa) theo tinh thần nghiên cứu loại hình. Các nhà nghiên cứu, từ góc nhìn, chủ kiến, mức độ quan tâm riêng của mình thường đề xuất một hướng phân loại trong công trình của họ.
1.3.2. Nguyên tắc phân loại của phương pháp nghiên cứu loại hình
Cụ thể, từ nhận xét, đánh giá của số đông các nhà nghiên cứu phê bình văn xuôi TLVĐ, có thể rút ra mấy điểm thống nhất sau đây có ích cho loại hình hóa tiểu thuyết truyện ngắn Khái Hưng (trong văn xuôi TLVĐ): Thứ nhất, về quá trình, cũng như tiểu thuyết TLVĐ nói chung, tiểu thuyết Khái Hưng nói riêng vận động theo ba chặng đường vừa tiếp nối vừa khác biệt, vừa đa dạng, phong phú, vừa thống nhất trên nét lớn. Thứ hai, về tư tưởng và cảm hứng, tuy giữa ba chặng có biến đổi, khác biệt, song điều cốt lõi, bất biến trong tư tưởng, cảm hứng của cả ba chặng vẫn là sự ý thức về cá nhân dựa trên nền tảng đề cao chủ nghĩa cá nhân. Thứ ba, về tính chất, đặc trưng, tiểu thuyết Khái Hưng có đủ các yếu tố chủ quan và khách quan, hướng nội và hướng ngoại, lãng mạn và hiện thực, minh chứng luận đề và phân tích tâm lý.
Như thế, ý thức cá nhân là bất biến, các biểu hiện cụ thể sinh động mang tính lịch đại của nó là khả biến. Theo đó việc tập trung khám phá con người tâm lý – con người bên trong con người là một tiêu chí loại hình hóa quan trọng bất biến. Dựa trên tiêu chí bất biến này ta đi tìm cái khả biến cũng tức là tìm các dấu hiệu khu biệt loại hình. Cái khả biến ấy chính là đây: các hình thức chính biểu hiện mâu thuẫn xung đột làm nên kịch tính, độ căng của tiểu thuyết Khái Hưng cũng như tiểu thuyết Nhất Linh trong bối cảnh bất đồng và đấu tranh tư tưởng ý thức hệ, giành chiến thắng cho Âu hóa của đời sống đô thị tiền hiện đại. Đó là con người cá nhân đấu tranh với thách thức của hoàn cảnh, của dục vọng thông thường để theo đuổi lý tưởng – cơ sở hình thành, phát triển loại hình tiểu thuyết lý tưởng (Hồn bướm mơ tiên, Gánh hàng hoa,). Là con người cá nhân “tân tiến” đấu tranh với những ràng buộc “Nho phong” cổ hủ của đại gia đình và của các “nội tướng”, “gia trưởng” độc đoán, vô hồn, vô cảm để thực thi quyền tự do cá nhân trong tình yêu, hôn nhân mưu cầu hạnh phúc và/ hoặc lựa chọn một lối sống, theo đuổi một lý tưởng – là cơ sở hình thành, phát triển loại hình tiểu thuyết luận đề (Đoạn tuyệt, Nửa chừng xuân, Gia đình, Thừa tự). Là con người cá nhân đa nhân cách, vừa đắc ý vừa hoang mang trong cuộc phiêu lưu tinh thần để tự khẳng định, khám phá, thử thách cái tôi bản ngã của mình với biết bao lưỡng lự, băn khoăn – là cơ sở để hình thành, phát triển loại hình tiểu thuyết tâm lý (Hồn bướm mơ tiên, Gánh hàng hoa,).
1.3.3. Loại hình hóa mô thức trần thuật trong nghiên cứu tiểu thuyết, truyện ngắn Khái Hưng
Nghiên cứu loại hình (loại hình hóa) tiểu thuyết là một hướng đi khá mới mẻ, triển vọng, tuy rằng đây cũng là một hành trình mà nhà nghiên cứu phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức. Vận dụng phương pháp loại hình hóa theo nguyên tắc, trên cơ sở khảo sát kỹ đối tượng nghiên cứu, chúng tôi đề xuất danh mục loại hình thể tài tiểu thuyết của Khái Hưng trong bối cảnh văn xuôi TLVĐ gồm ba nhóm loại hình như sau:
1) “Tiểu thuyết tình cảm và lý tưởng”: Hồn bướm mơ tiên, Gánh hàng hoa,
2) “Tiểu thuyết tục lụy và hành động”: Nửa chừng xuân, Gia đình, Thừa tự,
3) “Tiểu thuyết tâm lý”: Đời mưa gió, Đẹp, Thanh Đức.
Xét riêng về phương thức trần thuật, cũng bằng thao tác loại hình hóa nhưng theo “mô thức trần thuật”, luận án giả định rằng: có thể tìm kiếm các mô thức trần thuật tương ứng với các nhóm loại hình hay loại hình tiểu thuyết nêu trên. Chẳng hạn, sẽ có: Mô thức trần thuật Tiền luận đề (ứng với “Tiểu thuyết tình cảm và lý tưởng”), mô thức trần thuật Luận đề (ứng với “Tiểu thuyết tục lụy và hành động”), mô thức trần thuật Hậu luận đề (ứng với “Tiểu thuyết tâm lý”),
TIỂU KẾT
CHƯƠNG 2: ĐẶC ĐIỂM TIỂU THUYẾT, TRUYỆN NGẮN KHÁI HƯNG NHÌN TỪ MÔ THỨC TRẦN THUẬT
2.1. Mô thức và mô thức trần thuật trong tiểu thuyết, truyện ngắn Khái Hưng từ cái cái nhìn loại hình hóa
2.1.1. Nghiên cứu loại hình và loại hình hóa mô thức trần thuật trong tiểu thuyết, truyện ngắn Khái Hưng
Trước hết cần xác định khái niệm mô thức và mô thức trần thuật trong tiểu thuyết, truyện ngắn nói chung. Nghĩa thứ nhất – mô thức (paradigm) – được hiểu và sử dụng như khái niệm hệ hình. Nghĩa thứ hai – mô thức (paradigm) – hiểu như một cách tiếp cận đối tượng, hay một dạng thức, hình mẫu làm chuẩn, nhằm tiếp cận đối tượng hoặc giải quyết vấn đề.
Ở cấp độ thứ nhất, mô thức – hiểu theo nghĩa hệ hình – là một thuật ngữ khoa học. Thuật ngữ này – paradigm – bắt đầu được sử dụng trong ngành vật lý học rồi dịch chuyển vào các chuyên ngành khoa học xã hội (triết học, ngôn ngữ học, mĩ học, văn hóa học, xã hội học, nghiên cứu văn học,). Trong lĩnh vực khoa học xã hội các trường hợp này người ta thường dùng hệ hình: Hệ hình tiền hiện đại, hệ hình hiện đại, hệ hình hậu hiện đại. Nhưng cũng có người vẫn dịch là mô thức. Ví dụ: “Khoa học và Mô Thức Luận của Thomas Kuhn” (Đinh Thế Phong, Tia sáng).
Ở cấp độ thứ hai, theo nghĩa rộng, mô thức (paradigm) được hiểu như là cách thức (hay một mô hình, hình mẫu) tiếp cận đối tượng. Từ đây, tác giả luận án sử dụng khái niệm mô thức theo nghĩa này để khảo sát, khái quát đặc điểm trần thuật trong tiểu thuyết, truyện ngắn Khái Hưng.
Khái niệm mô thức trần thuật, theo đó, được hiểu như là cách thức tiếp cận đối tượng, chuyển tải nội dung tự sự, hoặc được hiểu như hình mẫu tổ chức trần thuật trong tác phẩm văn xuôi hư cấu (fiction).
Ở cấp độ thứ hai, theo nghĩa rộng, mô thức (paradigm) được hiểu như là cách thức (hay một mô hình, hình mẫu) tiếp cận đối tượng. Từ đây, tác giả luận án sử dụng khái niệm mô thức theo nghĩa này để khảo sát, khái quát đặc điểm trần thuật trong tiểu thuyết, truyện ngắn Khái Hưng.
Khái niệm mô thức trần thuật, theo đó, được hiểu như là cách thức tiếp cận đối tượng, chuyển tải nội dung tự sự, hoặc được hiểu như hình mẫu tổ chức trần thuật trong tác phẩm văn xuôi hư cấu (fiction).
2.1.2. Các mô thức trần thuật cơ bản trong tiểu thuyết của Khái Hưng
Thể tài, được hiểu là hình thức, thể loại của tác phẩm nghệ thuật được xác định bằng đề tài hoặc bằng những đặc trưng khác về chủ đề, phong cách. Người ta thường nói đến các thể tài tiểu thuyết: lịch sử - dân tộc, thế sự, đời tư.
Tiểu thuyết TLVĐ hầu như chỉ tập trung vào hai mảng đề tài: thế sự và đời tư, với những biểu hiện đặc thù trong phương thức tự sự: hoặc tự sự theo hình thức nghiêng về minh giải luận đề, hoặc tự sự theo hình thức nghiêng về thám hiểm, phân tích tâm lý; và, giữa hai cực ấy, có một trung gian, trung chuyển: tiểu thuyết luận đề - tâm lý.
Nhìn trên nét lớn, văn xuôi tự sự TLVĐ, cụ thể là xu hướng tiểu thuyết TLVĐ, bao gồm tiểu thuyết Khái Hưng, quy vào ba thể tài: tiểu thuyết tiền luận đề (hay tiểu thuyết tình cảm và lý tưởng), tiểu thuyết luận đề (hay tiểu thuyết tục lụy và hành động), tiểu thuyết hậu luận đề (hay tiểu thuyết tâm lý). Trong đó, tiểu thuyết luận đề (tục lụy và hành động) được xem như một thể tài giữ vị thế trung tâm, tiểu thuyết tiền luận đề (hay tiểu thuyết tình cảm và lý tưởng) được xem là thể tài khởi đầu, tạo đà vận động, còn tiểu thuyết hậu luận đề (hay tiểu thuyết tâm lý) thì có thể xem là hệ quả mang tính bước ngoặt, điểm đỉnh trong quá trình hiện đại hóa văn xuôi hư cấu Việt Nam. Theo đó, giữa ba thể tài và mô thức trần thuật có những mối liên hệ kế thừa, chuyển hóa khá tinh tế phức tạp.
Có thể chia tiểu thuyết Khái Hưng thành các mô thức sau:
Mô thức Tiền Luận đề (“Tiểu thuyết tình cảm và lý tưởng”)
Tiểu thuyết trần thuật theo mô thức luận đề, trong văn nghiệp của Khái Hưng, xuất hiện ở chặng đầu văn xuôi TLVĐ (1932-1934) với Nửa chừng xuân (1933), và nở rộ, bội thu ở chặng giữa văn xuôi TLVĐ (1935-1937) với Dưới bóng tre xanh (1935), Những ngày vui (1936), Gia đình (1936-1937), Thoát ly (1937-1938), Thừa tự (1938). Cùng với mô thức trần thuật này trong sáng tác của Nhất Linh là Đoạn tuyệt (1934-1935), Lạnh lùng (1935-1936), Và, đến chặng cuối văn xuôi TLVĐ (1938-1942) thì chuyển sang mô thức khác – mô thức hậu luận đề (hay mô thức tâm lý).
Mô thức luận đề (“Tiểu thuyết tục lụy và hành động”)
Trong số tác phẩm của Khái Hưng, thuộc mô thức trần thuật này là các tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên (1932-1033), Gánh hàng hoa (viết chung với Nhất Linh,1933), Trống mái (1935-1936).
Mô thức hậu luận đề (“Tiểu thuyết tâm lý”)
Mô thức này bắt đầu khá sớm với một sáng tác chung giữa Nhất Linh và Khái Hưng ở chặng đầu: Đời mưa gió (Nhất Linh – Khái Hưng, 1934). Đến chặng cuối văn xuôi TLVĐ (1938-1942), khi mô thức luận đề đi vào chặng “hậu”, mô thức trần thuật hậu luận đề (hay mô thức tâm lý) chiếm lĩnh kĩ thuật chủ đạo trên văn đàn, đồng thời đưa nghệ thuật tiểu thuyết TLVĐ đạt điểm đỉnh. Trong sáng tác của Khái Hưng là các tiểu thuyết Đẹp (1939-1940), Băn khoăn (1942). Trong sáng tác của Nhất Linh, Bướm trắng (1938-1939) – một tác phẩm có thể được xem là độc sáng không chỉ trong văn chương TLVĐ.
Xu hướng hỗn dung thể tài và mô thức trần thuật trong tiểu thuyết của Khái Hưng
Sau khi miêu tả phân tích từng mô thức trần thuật như trên, cũng cần lưu ý đến một thực tế: Xu hướng hỗn dung thể tài và mô thức trần thuật trong tiểu thuyết của Khái Hưng. Xu hướng này có những tác động đến mô thức trần thuật trong tiểu thuyết của Khái Hưng.
2.1.3. Các mô thức trần thuật chủ yếu trong truyện ngắn của Khái Hưng
Nhìn chung chất luận đề trong sáng tác truyện ngắn của Khái Hưng ở cả hai chặng đường (1932-1935 và 1935-1940) thường hoặc nhạt hơn hoặc kín đáo hơn so với chất luận đề trong sáng tác của Nhất Linh rất nhiều.
Các khuynh hướng thể tài truyện ngắn Khái Hưng nhìn chung, có sự tiệm cận với loại hình thể tài và mô thức trần thuật trong tiểu thuyết của ông:
Truyện ngắn thiên về khuynh hướng luận đề
Truyện ngắn thiên về khuynh hướng phân tích xã hội
Truyện ngắn thiên về khuynh hướng phân tích tâm lý
Truyện ngắn có khuynh hướng hỗn hợp
2.2. Dấu ấn cái tôi tác giả trong tiểu thuyết, truyện ngắn của Khái Hưng qua mô thức trần thuật
2.2.1. Người kể chuyện và cái tôi tác giả
2.2.1.1. Người kể chuyện
Người kể chuyện trong tác phẩm là một người hư cấu hoặc có thật mà văn bản tự sự thể hiện thông qua hành vi và ngôn ngữ của anh ta tạo thành. Nhìn chung, người kể chuyện thực hiện nhiệm vụ trần thuật, truyền đạt, chỉ dẫn, bình luận, những vấn đề được mô tả hoặc được kể trong tác phẩm. Thông thường, người ta chia người kể chuyện trong tác phẩm tự sự thành hai dạng chủ yếu: người kể chuyện lộ diện (ngôi thứ nhất) và người kể chuyện ẩn tàng (ngôi thứ ba).
Người kể chuyện là chủ thể của những lời kể trong tác phẩm. Chủ thể đó là một nhân vật đặc biệt do nhà văn sáng tạo ra để dẫn dắt, gợi mở hay sắp đặt câu chuyện được kể trong tác phẩm bằng một chỗ đứng, một điểm nhìn phù hợp với ý đồ sáng tạo của nhà văn. Tuy nhiên, sự tương quan giữa cái chủ quan và khách quan trong cấu trúc hình tượng người kể chuyện rất phức tạp bởi nó luôn biến đổi dẫn đến sự chuyển đổi “điểm nhìn” thường xuyên. Theo cách hiểu này, luận án khảo sát, nhận xét về đặc điểm của “người kể chuyện” trong tiểu thuyết, truyện ngắn Khái Hưng.