Tóm tắt Luận văn - Thực trạng huy động vốn của ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á

Theo Luật các Tổ chức tín dụng của Việt Nam, “NHTM là loại hình TCTD được thực hiện toàn bộ hoạt động ngân hàng và các hoạt động khác có liên quan”. Trong đó, “Hoạt động ngân hàng là hoạt động kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng với nội dung thường xuyên là nhận gửi, sử dụng tiền này để cấp tín dụng và cung ứng các dịch vụ thanh toán” Ngân hàng là một tổ chức có những chức năng sau: trung gian tài chính với hoạt động chủ yếu là chuyển tiền tiết kiệm thành đầu tư, dẫn vốn từ nơi thừa vốn sang nơi thiếu vốn; chức năng tạo phương tiện thanh toán; và chức năng trung gian thanh toán. Với những chức năng trên, các hoạt động của Ngân hàng thương mại bao gồm: huy động vốn, cho vay và đầu tư, kinh doanh ngoại tệ, cung cấp các tài khoản giao dịch và thực hiện thanh toán, bảo lãnh, và một số hoạt động khác như cho thuê thiết bị, bảo quản tài sản hộ, cung cấp các dịch vụ tư vấn tài chính, môi giới chứng khoán.

pdf9 trang | Chia sẻ: thientruc20 | Lượt xem: 464 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tóm tắt Luận văn - Thực trạng huy động vốn của ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ HUY ĐỘNG VỐN CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI 1.1 Vài nét khái quát về chức năng và hoạt động của Ngân hàng thương mại Theo Luật các Tổ chức tín dụng của Việt Nam, “NHTM là loại hình TCTD được thực hiện toàn bộ hoạt động ngân hàng và các hoạt động khác có liên quan”. Trong đó, “Hoạt động ngân hàng là hoạt động kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng với nội dung thường xuyên là nhận gửi, sử dụng tiền này để cấp tín dụng và cung ứng các dịch vụ thanh toán” Ngân hàng là một tổ chức có những chức năng sau: trung gian tài chính với hoạt động chủ yếu là chuyển tiền tiết kiệm thành đầu tư, dẫn vốn từ nơi thừa vốn sang nơi thiếu vốn; chức năng tạo phương tiện thanh toán; và chức năng trung gian thanh toán. Với những chức năng trên, các hoạt động của Ngân hàng thương mại bao gồm: huy động vốn, cho vay và đầu tư, kinh doanh ngoại tệ, cung cấp các tài khoản giao dịch và thực hiện thanh toán, bảo lãnh, và một số hoạt động khác như cho thuê thiết bị, bảo quản tài sản hộ, cung cấp các dịch vụ tư vấn tài chính, môi giới chứng khoán. 1.2 Vốn và hoạt động huy động vốn của Ngân hàng thương mại Vốn của NHTM là toàn bộ các nguồn tiền tệ mà ngân hàng tạo lập, huy động được để cho vay, đầu tư và thực thi các dịch vụ ngân hàng. Vốn đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động của ngân hàng. Vốn ban đầu là điều kiện để ngân hàng được phép hoạt động kinh doanh theo luật định, ngoài ra, các nguồn vốn huy động được cho phép ngân hàng có nguồn để cho vay, đầu tư vào giấy tờ có giá, tài sản và cho vay phục vụ các hoạt động phát triển kinh tế của đất nước. Vốn của NHTM bao gồm: vốn chủ sở hữu, vốn huy động và vốn vay. Vốn huy động là phần vốn ngân hàng huy động được từ các tổ chức kinh tế và dân cư. Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, ngân hàng còn thực hiện vay vốn từ NHNN hoặc các TCTD khác để đảm bảo thanh khoản. Đê có vốn phục vụ cho các hoạt động kinh doanh, NHTM phải huy động vốn. Hoạt động huy động vốn của NHTM là việc sử dụng các công cụ, cách thức, phương pháp và chương trình cụ thể nhằm thu hút sự chú ý của các cá nhân, tổ chức, và từ đó gửi tiền vào ngân hàng. Với vai trò trung gian tài chính của nền kinh tế, hoạt động huy động vốn đóng vai trò vô cùng quan trong đối với cả NHTM, khách hàng gửi tiền và nền kinh tế. Các hình thức huy động vốn của NHTM bao gồm: huy động vốn từ tiền gửi của các tổ chức kinh tế, cá nhân trong cả nước (gồm tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn), huy động vốn thông qua phát hành giấy tờ có giá, vay từ các tổ chức tín dụng khác, vay của NHTW. 1.3 Đánh giá kết quả huy động vốn của NHTM Để đánh giá kết quả huy động vồn của NHTM, ta sử dụng một số chỉ tiêu sau: - Quy mô, cơ cấu nguồn vốn huy động - Chi phí huy động vốn và mức tiết kiệm chi phí huy động vốn - Tỷ lệ sử dụng vốn huy động - Chênh lệch lãi suất huy động – cho vay - Mức thanh khoản của vốn huy động 1.4 Các nhân tố ảnh hưởng tới hoạt động huy động vốn của NHTM Hoạt động huy động vốn của NHTM chịu ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố chủ quan và khách quan. Các nhân tổ chủ quan gồm: các hình thức huy động vốn của ngân hàng, chính sách lãi suất huy động, năng lực và trình độ cán bộ ngân hàng, công nghệ ngân hàng, các dịch vụ ngân hàng cung ứng, chiến lược truyền thông của ngân hàng, mạng lưới ngân hàng, năng lực tài chính và uy tín của ngân hàng. Các nhân tố khách quan gồm: môi trường pháp lý, môi trường kinh tế xã hội, và tâm lý, thói quen của khách hàng. CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG HUY ĐỘNG VỐN CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN ĐÔNG NAM Á 2.1 Khái quát về Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) – tiền thân là Ngân hàng TMCP Hải Phòng, được thành lập ngày 25/03/1994 tại Hải Phòng. Qua hơn 17 năm hoạt động và phát triển, SeABank đã tăng vốn điều lệ lên 5.335 tỷ đồng, trở thành một trong tám ngân hàng TMCP có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam. Các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cung cấp gồm: sản phẩm huy động vốn, sản phẩm tín dụng, sản phẩm thanh toán và tài trợ thương mại, các sản phẩm thẻ, kinh doanh ngoại hối và các sản phẩm khác như chi trả lương hộ doanh nghiệp, đầu tư chứng khoán 2.2 Thực trạng hoạt động huy động vốn của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á 2.2.1 Quy mô huy động vốn Năm 2008 là năm nền kinh tế có nhiều biến động, lạm phát cao, huy động vốn của NHTM vì thế bị giảm sút. công tác huy động vốn của SeABank cũng không tránh khỏi khó khăn chung của nền kinh tế, so với năm 2007, mức huy động giảm hơn 20% (tương đương 2.161,7 tỷ đồng). Tuy nhiên, từ năm 2008 trở đi, nguồn vốn huy động của SeABank không ngừng tăng trưởng trên cả TT1 và TT2. Đến tháng 6 năm 2011, huy động vốn từ TT1 đạt 26.627 tỷ đồng, tăng 310,26% so với năm 2008, huy động vốn từ TT2 đạt 19.773 tỷ, tăng 243,78%. Ngoài ra, do nhu cầu sử dụng vốn tăng cao, từ năm 2010, SeABank bắt đầu sử dụng công cụ nghiệp vụ thị trường mở để vay Ngân hàng nhà nước. Cuối năm 2010, số vốn vay HNNN của SeABank là hơn 8.879 tỷ, đến tháng 6 năm 2011, là 7.155 tỷ. 2.2.2 Cơ cấu huy động vốn Theo hình thức gửi tiền, nguồn huy động từ tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi có kỳ hạn tại SeABank luôn chiếm tỷ trọng lớn. Trong đó tiền gửi tiết kiệm luôn có tỷ trọng cao nhất, dao động từ 40-61%. Tiền gửi có kỳ hạn chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 trong cơ cấu tiền gửi của SeABank, chiếm tỷ trọng từ 28% đến 52%. Tuy nhiên, do đặc điểm về chu kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh, nguồn tiền này thường dao động, không ổn định. Từ năm 2009, tỷ trọng tiền gửi có kỳ hạn có xu hướng giảm dần. Tiền gửi không kỳ hạn chiếm tỷ trọng thấp nhất, từ 4% đến 31% tổng huy động từ TT1. Phân theo loại tiền, tiền gửi bằng VND luôn là nguồn vốn chủ yếu, luôn chiếm hơn 70% tổng huy động từ TT1. Tiền gửi ngoại tệ chủ yếu là USD và EUR, tỷ trọng dưới 30%. Theo đối tượng gửi tiền, tiền gửi của cá nhân luôn chiếm tỷ trọng lớn hơn tiền gửi của tổ chức. Cuối năm 2010 và tháng 6 năm 2011, tiền gửi của cá nhân bằng đều bằng 171,4% tiền gửi của tổ chức. Tỷ lệ này phản ánh đúng định hướng phát triển của SeABank, đó là hướng đến đối tượng khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp vừa vả nhỏ, trở thành một ngân hàng bán lẻ tiêu biểu tại Việt Nam. Theo kỳ hạn, nguồn huy động của SeABank chủ yếu là nguồn ngắn hạn. Tiền gửi có kỳ hạn dưới 12 tháng chiếm tỷ trọng rất cao, từ 44% đến 75% và có xu hướng ngày càng tăng. Tiền gửi có kỳ hạn trên 12 tháng thường xuyên dao động. Năm 2009 chỉ chiếm 4%, đến năm 2010 tăng lên 31%, tháng 3 năm 2011 là 48%, nhưng đến tháng 6 năm 2011 lại chỉ còn 15%. Tiền gửi không kỳ hạn có tỷ trọng thấp nhất trong cơ cấu huy động của SeABank. 2.2.3 Hình thức huy động vốn Để mở rộng nguồn vốn huy động từ khách hàng cá nhân, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế xã hội, SeABank phát triển nhiều hình thức huy động, gồm: Huy động vốn thông qua tiền gửi thanh toán, huy động vốn từ tiền gửi có kỳ hạn của tổ chức kinh tế, huy động từ tiết kiệm dân cư, vay các tổ chức tín dụng khác và vay NHNN. Trong những năm gần đây, do số lượng giao dịch thanh toán ngày càng phát triển, nguồn tiền vay từ các TCTD khác tại SeABank không ngừng tăng lên. Đồng thời, từ năm 2010, SeABank bắt đầu vay NHNN, tuy nhiên tỷ trọng không đáng kể, chiếm từ 11-17% tổng huy động. 2.2.4 Các chính sách và biện pháp chính về huy động vốn được áp dụng ở Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á 2.2.4.1 Chính sách marketing Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động Marketing, SeABank trong những năm vừa qua rất chú trọng đến việc quảng bá hình ảnh, sản phẩm của mình. Hoạt động quảng cáo được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, báo giấy, báo điện tử, bằng nhiều hình thức: băng rôn, áp phích, kẹp tờ rơi vào các báo, tạp chí, gửi thư trực tiếp, gửi tin nhắn, tài trợ các chương trình phúc lợi xã hội Ngoài ra, nắm bắt được tâm lý khách hàng bao giờ cũng quan tâm tới những đợt khuyến mãi, SeABank đã đưa ra nhiều hình thức khuyến mãi khác nhau, đem lại lợi ích thiết thực cho khách hàng. 2.2.4.2 Chính sách chăm sóc khách hàng Công tác chăm sóc khách hàng được SeABank rất chú trọng. Các giao dịch viên phải luôn tạo cho các khách hàng cảm giác được tôn trọng mỗi khi đến ngân hàng, tư vấn, giới thiệu về các sản phẩm của ngân hàng cho khách hàng một cách đầy đủ, chu đáo, xây dựng văn hoá giao dịch của ngân hàng. Bên cạnh thu hút khách hàng mới, SeABank cũng rất chú trọng đến việc duy trì mở rộng mối quan hệ với các khách hàng truyền thống, có chính sách ưu đãi riêng về dịch vụ, lãi suất đối với các khách hàng này. 2.2.4.3 Chính sách lãi suất Chính sách lãi suất của SeABank cũng rất linh hoạt, nhanh chóng thay đổi để đáp ứng nhu cầu của thị trường và tuân thủ đúng quy định của Ngân hàng nhà nước. Mỗi sản phẩm huy động được ban hành với nhiều kỳ hạn và lãi suất tương ứng để đáp ứng các nhu cầu đa dạng của khách hàng. 2.2.4.4 Chính sách sản phẩm Ngoài các sản phẩm truyền thống như tiết kiệm thường, tiết kiệm bậc thang, tiết kiệm 36 tháng lãi suất thả nổi, SeABank thường xuyên ban hành các chương trình huy động tiết kiệm ngắn hạn vào các dịp lễ truyền thống của Việt Nam. Trong năm 2011, SeABank đã nghiên cứu và ban hành sản phẩm Tiết kiệm thông minh (SeASave Smart) với lãi suất ưu đãi, khách hàng có thể rút bất kỳ lúc nào mà vẫn được hưởng nguyên lãi suất cho số ngày thực gửi. 2.2.4.5 Chính sách phát triển mạng lưới Mở rộng mạng lưới kênh phân phối là một trong những biện pháp hữu hiệu để tăng cường huy động vốn, và là một trong những chiến lược ưu tiên phát triển của SeABank. Trong năm 2010, mạng lưới điểm giao dịch của SeABank đã tăng lên 104 điểm trên toàn quốc với nhiều điểm giao dịch được mở mới tại các khu vực kinh tế trọng điểm. Các điểm giao dịch được kết nối trực tiếp với nhau do đó các giao dịch của ngân hàng luôn được thực hiện nhanh chóng, an toàn và hiệu quả. 2.2.5 Các chỉ tiêu phản ánh kết quả huy động vốn của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á Hoạt động huy động vốn của SeABank những năm qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Quy mô nguồn vốn huy động từ thị trường 1 và thị trường 2 không ngừng tăng lên qua các năm. Huy động vốn từ thị trường 1 và thị trường 2 tính đến tháng 6 năm 2011 đều tăng hơn 2 lần so với năm 2007. Phân tích theo cơ cấu huy động vốn, nguồn huy động từ tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi có kỳ hạn đã tăng gần 3,5 lần. Theo đối tượng gửi tiền, tiền gửi cá nhân gấp 1,7 lần tiền gửi từ tổ chức. Trong giai đoạn từ 2007 đến tháng 6 năm 2011, chênh lệch lãi suất đầu ra – đầu vào của SeABank thực dương, Nguồn vốn huy động được của SeABank được sử dụng tối đa để cho vay và đầu tư, hệ số sử dụng vốn huy động dao động trong khoảng từ 72,4% đến 99,2%. 2.3 Đánh giá hoạt động huy động vốn tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á Hoạt động huy động vốn của SeABank trong những năm vừa qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Quy mô, tốc độ tăng trưởng vốn huy động không ngừng tăng cao. Nhiều sản phẩm huy động vốn được nghiên cứu và phát triển mới. Mạng lưới huy động được mở rộng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Các chính sách về sản phẩm, khách hàng, lãi suất được thực thi một cách hiệu quả góp phần nâng cao hiệu quả huy động vốn. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động huy động vốn của SeABank còn nhiều hạn chế, đó là: SeABank chưa có kênh huy động vốn thông qua phát hành giấy tờ có giá, kết quả huy động vốn bị mất cân đối về kỳ hạn, nguồn vốn ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn, nguồn vốn trung – dài hạn còn thấp. Mạng lưới giao dịch được mở rộng, nhưng nhiều tình thành quan trọng (Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Nam) chưa có điểm giao dịch nào. CHƯƠNG 3: NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NHẰM TĂNG CƯỜNG HUY ĐỘNG VỐN TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN ĐÔNG NAM Á 3.2.1 Phát triển và hoàn thiện các chính sách huy động vốn Chính sách sản phẩm: Đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ liên quan đến huy động vốn. Phát triển các sản phẩm tiết kiệm trả lãi trước, tiết kiệm bằng vàng, tiết kiệm đảm bảo giá trị theo giá vàng, phát hành kỳ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi (cả nội tệ và ngoại tệ). Chính sách khách hàng: Xây dựng chính sách riêng cho từng loại khách hàng. Thực hiện tốt công tác chăm sóc khách hàng, giữ chân khách hàng truyền thống và thu hút thêm khách hàng mới. Rút ngắn thời gian giao dịch với khách hàng, thực hiện giao dịch qua trưa, đẩy mạnh hình thức giao dịch “ngân hàng tại nhà” đối với các khách hàng giao dịch với số tiền lớn. Chính sách lãi suất: Lãi suất huy động phải thu hút được khách hàng, đồng thời đảm bảo được lợi nhuận của ngân hàng, lãi suất danh nghĩa phải cao hơn tỷ lệ lạm phát dự kiến để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, lãi suất đầu ra phải cao hơn lãi suất đầu vào, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dài phải cao hơn lãi suất tiền gửi có kỳ hạn ngắn. Chính sách phát triển mạng lưới: Mở rộng mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch theo nhu cầu kinh doanh của SeABank tại những địa bàn tiềm năng, đồng thời có những chính sách, chương trình cụ thể cho từng đơn vị cho thích hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội của từng vùng. Trang bị đầy đủ cơ sở vật chất cho các điểm giao dịch mới. 3.2.2 Thúc đẩy hoạt động Marketing trong hoạt động huy động vốn Tăng cường hoạt động quảng cáo, truyền thông, khuyến mại, mở rộng hình thức quảng cáo như: quảng cáo trên xe bus, quảng cáo trên đài phát thanh. Thực hiện văn minh thương mại trong và ngoài các điểm giao dịch của SeABank, văn phòng làm việc sạch sẽ, thoáng mát, thái độ nhân viên phục vụ niềm nở, nhiệt tình với khách hàng. 3.2.3 Phát triển công nghệ thông tin phục vụ công tác kinh doanh nói chung, huy động vốn nói riêng Nâng cấp hệ thống quản trị ngân hàng lõi T24 Temenos, cải thiện tốc độ hạch toán và truy xuất thông tin, rút ngắn thời gian thực hiện một giao dịch, tăng dung lượng lưu trữ. Lắp đặt thêm các máy ATM tại các điểm giao dịch mới, các trung tâm mua sắm và siêu thị trên toàn quốc 3.2.4 Đào tạo nguồn nhân lực Thường xuyên quan tâm và đưa ra chiến lược con người phù hợp, bắt đầu từ khâu tuyển dụng, xắp xếp công tác, thực hiện đào tạo và đào tạo lại cán bộ để có thể bắt kịp với những thay đổi. Thực hiện liên kết với các trường Đại học đầu ngành về kinh tế để tiến hành đào tạo sinh viên, tạo điều kiện để sinh viên thực tập và tạo việc làm cho các sinh viên ưu tú. Bên cạnh đó, hàng năm SeABank phải tổ chức các khóa đào tạo về quy trình, nghiệp vụ cho nhân viên mới, đồng thời tiến hành đào tạo nâng cao, bổ túc kiến thức về thị trường, về kinh tế - xã hội cho nhân viên. 3.2.5 Hoàn thiện công tác tổ chức quản lý kinh doanh Việc thực hiện các mục tiêu kinh doanh đã đề ra sẽ được giao trực tiếp cho các giám đốc chi nhánh, giám đốc chi nhánh tự phân bổ cho các phòng giao dịch trực thuộc. Tổng Giám đốc kiểm tra việc thực hiện kế hoạch của các chi nhánh thông qua các Phó Tổng Giám đốc – người quản lý các chi nhánh tại Hội sở. Phân quyền cho Giám đốc các chi nhánh trong việc chủ động quyết định lãi suất với khách hàng. Tại từng điểm giao dịch, giao chỉ tiêu kinh doanh cho từng cán bộ giao dịch viên, hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện chỉ tiêu cho trưởng phòng giao dịch. Có chế độ thưởng – phạt đối với các cán bộ hoàn thành hoặc không hoàn thành chỉ tiêu. 3.3 Một số kiến nghị Để thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra, SeABank cần có sự hỗ trợ vĩ mô từ phía Nhà nước và NHNN, đó là: ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, tạo lập môi trường pháp lý đồng bộ, phát triển thị trường chứng khoán nhằm thu hút các nguồn vốn trung, dài hạn, tạo lập môi trường xã hội ổn định, nâng cao nhận thức của nhân dân. NHNN cần xây dựng và điều hành một chính sách tiền tệ ổn định và hợp lý, theo sát với diễn biến của thị trường, lấy thị trường làm cơ sở. Bên cạnh đó, NHNN cần tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra các NHTM để nâng cao hiệu quả cho vay và sử dụng vốn huy động. KẾT LUẬN Nguồn vốn huy động có vai trò vô cùng quan trọng đối với hoạt động của một ngân hàng, nó là một trong các yếu tố quyết định lợi nhuận, quy mô, vị thế của ngân hàng trên thị trường. Nhận thức được tầm quan trọng của vốn huy động, trong những năm vừa qua, SeABank đã rất chú trọng đến việc thu hút khách hàng, phát triển các sán phẩm huy động vốn mới. Kết quả là nguồn vốn huy động đã tăng lên nhanh chóng, mạng lưới huy động được mở rộng trên toàn quốc, các sản phẩm huy động không ngừng được nghiên cứu, phát triển và đa dạng hóa. Tuy nhiên, cơ cấu huy động của SeABank còn chưa hợp lý, nguồn vốn ngắn hạn còn chiếm tỷ trọng lớn, trong khi đó nguồn vốn trung, dài hạn lại ít, gây khó khăn cho ngân hàng trong việc đầu tư trung, dài hạn, về lâu dài ngân hàng sẽ phải đối mặt với rủi ro lãi suất, rủi ro thanh khoản. Nguồn vốn có chi phí thấp như tiền gửi không kỳ hạn đang có xu hướng giảm, lãi suất huy động bị phụ thuộc vào lãi suất các ngân hàng lớn. Vì vậy, để khắc phục những vấn đề còn tồn tại trong công tác huy động vốn, trong những năm tới SeABank cần tổ chức thực hiện tốt những giải pháp chủ yếu sau: phát triển và hoàn thiện các chính sách sản phẩm, lãi suất, phát triển mạng lưới; thúc đẩy hoạt động marketing; phát triển công nghệ thông tin; đào tạo nguồn nhân lực và hoàn thiện công tác tổ chức quản lý kinh doanh. Tuy nhiên, bản thân hoạt động huy động vốn là một hoạt động có quy mô rộng, có tính bao quát lớn. Hơn nữa, do sự tìm hiểu chưa được sâu sát, nên các giải pháp đưa ra còn thiết sót và hạn chế. Vì vậy, tác giả mong nhận được sự đóng góp ý kiến từ các thầy cô giáo và các bạn học viên để luận văn được hoàn thiện hơn.
Luận văn liên quan