Luận án Tư duy nghệ thuật thơ Việt Nam giai đoạn 1975-1985

1.1. Thơ Việt Nam hậu chiến 1975-1985 được xem là giai đoạn bản lề từ thời chiến sang thời bình, từ khuynh hướng sử thi - dân tộc sang khuynh hướng đời tư - thế sự; từ giọng cao sang giọng trầm; từ ngợi ca đất nước với cảm hứng chính là lãng mạn, hào hùng sang ngợi ca cuộc sống mới với cảm hứng đạo đức, nhân văn mới. Xuất phát từ tư duy đổi mới văn học nghệ thuật, thơ có sự vận động cân bằng trở lại trong các mối quan hệ của đời sống. Nếu trước đây, thơ thường hướng về con người xã hội, con người chính trị - kết tinh cái tôi trữ tình công dân thì bây giờ, thơ ưu tiên thể hiện con người cá thể mang cảm quan đời tư - thế sự với cái tôi trữ tình đa diện, nhiều bất an, giằng xé, thiên về hướng nội. Thơ không né tránh những vấn đề cá nhân, những băn khoăn về thân phận con người mà lắng lại với những suy tư mang tính triết lý, chiêm nghiệm của đời thường hậu chiến. Thơ vì thế, mang cái nhìn so sánh với quá khứ và dự cảm cho tương lai trên nền hiện thực và sự vận động mới của xã hội. 1.2. Thơ giai đoạn này đã kịp để lại những giá trị riêng với nhiều tác giả, tác phẩm tiêu biểu, có sức sống và hiệu quả nghệ thuật mạnh mẽ theo tư duy nghệ thuật riêng, làm tiền đề cho thơ giai đoạn từ Đổi mới (1986) trở về sau tiếp biến, vận động và phát triển. Từ trước đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu chung và riêng đề cập đến nội dung và hình thức thơ giai đoạn này với nhiều hướng tiếp cận và phương pháp nghiên cứu khác nhau. Chính vì xuất phát từ những điểm nhìn và quan niệm khác nhau nên mỗi công trình đều có những đánh giá riêng, đồng thuận có, đối lập cũng không ít. Thậm chí có công trình cho rằng, thơ giai đoạn này không mấy giá trị, vì nó vẫn trượt theo đà quán tính của thơ trước năm 1975. Nhưng đa phần đều cho rằng, thơ giai đoạn này diễn ra hợp quy luật, cả về thực tiễn lẫn lý luận và xem đây là giai đoạn quá độ cần thiết, đáp ứng nhu cầu của cuộc sống và nhu cầu của chính thơ ca. Xuất phát từ cái nhìn khoa học và biện chứng, chúng tôi tìm hiểu thơ giai đoạn này vừa để khẳng định thành tựu hợp quy luật của nó vừa để khám phá bản chất thi ca. Bởi mỗi giai đoạn thi ca tuy khác nhau về kiểu tư duy, về quan niệm nghệ thuật, đặc biệt là quan niệm về cuộc sống và con người nhưng bao giờ cũng có tính kế thừa và cách tân theo một dòng chảy thống nhất. Ngôn ngữ, thể loại, phương pháp và hệ hình tư duy thơ theo dòng chảy đó cũng có những thay đổi theo để phù hợp với tầm đón đợi mới của độc giả. Hơn nữa, vì là giai đoạn bước ngoặt nên thơ Việt Nam hậu chiến 1975-1985 có quy luật riêng của nó. Và nhà thơ, trong ý thức nghệ thuật của mình sẽ có nhu cầu nhìn lại để đánh giá ưu, nhược điểm của thơ giai đoạn trước và dự báo những thay đổi hợp quy luật cho thơ giai đoạn kế tiếp. Thay đổi ở đây được hiểu theo nghĩa có kế thừa, phát huy và phát triển thơ thời chiến theo yêu cầu và tầm đón nhận của cuộc sống, của công chúng tiếp nhận và của chính thi ca trong cuộc sống thời bình.

docx157 trang | Chia sẻ: Đào Thiềm | Ngày: 14/01/2024 | Lượt xem: 89 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận án Tư duy nghệ thuật thơ Việt Nam giai đoạn 1975-1985, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐẠI HỌC HUẾ ĐẠI HỌC KHOA HỌC HUẾ NGUYỄN HỮU CÔNG TƯ DUY NGHỆ THUẬT THƠ VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1975-1985 LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN Huế - 2023 ĐẠI HỌC HUẾ ĐẠI HỌC KHOA HỌC HUẾ NGUYỄN HỮU CÔNG TƯ DUY NGHỆ THUẬT THƠ VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1975-1985 LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN Ngành : Văn học Việt Nam Mã số : 9.22.01.21 Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Hồ Thế Hà Huế - 2023 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, những nhận định, kết luận trong luận án đều trung thực và chưa từng được công bố trong bất cứ công trình nào khác. Tác giả Nguyễn Hữu Công LỜI CẢM ƠN Để hoàn thành luận án, bản thân tôi đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ tận tình về mọi mặt từ quý thầy cô, cơ quan, gia đình và bạn bè thân thiết. Qua đây, chúng tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành đến: - Lãnh đạo Trường Đại học Khoa học Huế, Phòng Đào tạo sau đại học, Ban Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn, Tổ Văn học Việt Nam. - Quý thầy, cô giáo trong và ngoài trường đã giảng dạy và hỗ trợ chúng tôi về tri thức trong suốt thời gian học tập và nghiên cứu tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế. - Đặc biệt, tôi xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Hồ Thế Hà - người thầy tận tụy hướng dẫn, trang bị cho tôi những tri thức và kinh nghiệm quý báu để hoàn thành luận án. Cuối cùng, tôi xin cảm ơn gia đình, bạn bè, đồng nghiệp - những người luôn quan tâm, đồng hành và động viên tôi vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành chương trình học tập. Tác giả Nguyễn Hữu Công MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 1.1. Thơ Việt Nam hậu chiến 1975-1985 được xem là giai đoạn bản lề từ thời chiến sang thời bình, từ khuynh hướng sử thi - dân tộc sang khuynh hướng đời tư - thế sự; từ giọng cao sang giọng trầm; từ ngợi ca đất nước với cảm hứng chính là lãng mạn, hào hùng sang ngợi ca cuộc sống mới với cảm hứng đạo đức, nhân văn mới. Xuất phát từ tư duy đổi mới văn học nghệ thuật, thơ có sự vận động cân bằng trở lại trong các mối quan hệ của đời sống. Nếu trước đây, thơ thường hướng về con người xã hội, con người chính trị - kết tinh cái tôi trữ tình công dân thì bây giờ, thơ ưu tiên thể hiện con người cá thể mang cảm quan đời tư - thế sự với cái tôi trữ tình đa diện, nhiều bất an, giằng xé, thiên về hướng nội. Thơ không né tránh những vấn đề cá nhân, những băn khoăn về thân phận con người mà lắng lại với những suy tư mang tính triết lý, chiêm nghiệm của đời thường hậu chiến. Thơ vì thế, mang cái nhìn so sánh với quá khứ và dự cảm cho tương lai trên nền hiện thực và sự vận động mới của xã hội. 1.2. Thơ giai đoạn này đã kịp để lại những giá trị riêng với nhiều tác giả, tác phẩm tiêu biểu, có sức sống và hiệu quả nghệ thuật mạnh mẽ theo tư duy nghệ thuật riêng, làm tiền đề cho thơ giai đoạn từ Đổi mới (1986) trở về sau tiếp biến, vận động và phát triển. Từ trước đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu chung và riêng đề cập đến nội dung và hình thức thơ giai đoạn này với nhiều hướng tiếp cận và phương pháp nghiên cứu khác nhau. Chính vì xuất phát từ những điểm nhìn và quan niệm khác nhau nên mỗi công trình đều có những đánh giá riêng, đồng thuận có, đối lập cũng không ít. Thậm chí có công trình cho rằng, thơ giai đoạn này không mấy giá trị, vì nó vẫn trượt theo đà quán tính của thơ trước năm 1975. Nhưng đa phần đều cho rằng, thơ giai đoạn này diễn ra hợp quy luật, cả về thực tiễn lẫn lý luận và xem đây là giai đoạn quá độ cần thiết, đáp ứng nhu cầu của cuộc sống và nhu cầu của chính thơ ca. Xuất phát từ cái nhìn khoa học và biện chứng, chúng tôi tìm hiểu thơ giai đoạn này vừa để khẳng định thành tựu hợp quy luật của nó vừa để khám phá bản chất thi ca. Bởi mỗi giai đoạn thi ca tuy khác nhau về kiểu tư duy, về quan niệm nghệ thuật, đặc biệt là quan niệm về cuộc sống và con người nhưng bao giờ cũng có tính kế thừa và cách tân theo một dòng chảy thống nhất. Ngôn ngữ, thể loại, phương pháp và hệ hình tư duy thơ theo dòng chảy đó cũng có những thay đổi theo để phù hợp với tầm đón đợi mới của độc giả. Hơn nữa, vì là giai đoạn bước ngoặt nên thơ Việt Nam hậu chiến 1975-1985 có quy luật riêng của nó. Và nhà thơ, trong ý thức nghệ thuật của mình sẽ có nhu cầu nhìn lại để đánh giá ưu, nhược điểm của thơ giai đoạn trước và dự báo những thay đổi hợp quy luật cho thơ giai đoạn kế tiếp. Thay đổi ở đây được hiểu theo nghĩa có kế thừa, phát huy và phát triển thơ thời chiến theo yêu cầu và tầm đón nhận của cuộc sống, của công chúng tiếp nhận và của chính thi ca trong cuộc sống thời bình. 1.3. Nghiên cứu “Tư duy nghệ thuật thơ Việt Nam giai đoạn 1975-1985”, chúng tôi nhằm khẳng định vị trí và thành tựu của thơ giai đoạn này trong tính kế thừa, phát triển từ thơ giai đoạn 1945-1975, xem đó là tiền đề cho thơ giai đoạn đổi mới từ 1986 đến nay. Chúng tôi sẽ nghiên cứu sự vận động của cảm hứng và tư duy sáng tác, chỉ ra sự tiếp cận đối tượng, các phạm trù thẩm mỹ và phương thức nghệ thuật mới của thơ giai đoạn này. Chúng tôi cũng đồng thời khẳng định, nhận thức lại, nhận thức mới về đề tài chiến tranh và đề tài xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thơ giai đoạn 1945-1975, chỉ ra sự vận động và thay đổi ngôn từ, thể loại theo yêu cầu tự thân của cuộc sống và thi ca thời hậu chiến. Qua đó, luận án góp phần nhận rõ diện mạo và thành tựu hợp quy luật của thơ giai đoạn 1975-1985 thông qua các tác gia, tác phẩm tiêu biểu. Đây chính là lý do chúng tôi chọn “Tư duy nghệ thuật thơ Việt Nam giai đoạn 1975-1985” làm đề tài và đối tượng nghiên cứu cho luận án của mình. 2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 2.1. Đối tượng nghiên cứu Luận án tập trung khảo sát các tác phẩm thơ của những nhà thơ tiêu biểu trong mười năm đầu sau chiến tranh làm đối tượng khảo sát chính, cụ thể là thơ của nhiều thế hệ: Hồn tôi đôi cánh (Xuân Diệu), Đất sau mưa, Ngày hằng sống ngày hằng thơ (Huy Cận), Hái theo mùa, Hoa trên đá (Chế Lan Viên), Con đường và dòng sông (Tế Hanh), Khoảng cách giữa lời (Bằng Việt), Âm vang chiến hào (Hữu Thỉnh, in chung), Lời ru trên mặt đất, Sân ga chiều em đi, Tự hát (Xuân Quỳnh), Đến với dòng sông, Người đàn bà ngồi đan (Ý Nhi), Núi mọc trong gương (các tác giả người dân tộc), Thay cho lời hát ru (Đinh Thị Thu Vân), Trăng phù sa (Võ Văn Trực), Bài thơ không năm tháng (Lâm Thị Mỹ Dạ), Ánh trăng (Nguyễn Duy), Thành phố tháng Tư (Lê Thị Kim, Nguyễn Nhật Ánh), Khối vuông ru-bích (Thanh Thảo), Gương mặt tôi yêu, Sóng nhà đêm biếc (Nguyễn Trọng Tạo, in chung), Hoa trong cây, Những điều cùng đến (Vũ Quần Phương), Những mùa trăng mong chờ (Lê Thị Mây), Tiếng hát tháng giêng (Y Phương), Ngôi nhà có ngọn lửa ấm (Nguyễn Khoa Điềm) và một số bài thơ của các tác giả khác Ngoài ra, trong quá trình triển khai, làm rõ sự vận động, kế thừa và tiếp biến của tư duy thơ, chúng tôi sẽ mở rộng liên hệ, khảo sát với thơ Việt Nam trước năm 1975 và sau năm 1986 để so sánh, đối chiếu, từ đó có cái nhìn tổng thể về thơ trong sự tiếp biến và tiệm biến của hai giai đoạn của cùng một dòng chảy thơ ca thống nhất. 2.2. Phạm vi nghiên cứu Phạm vi nghiên cứu của luận án là những đặc điểm cơ bản của tư duy nghệ thuật thơ giai đoạn 1975-1985 ở cảm hứng nghệ thuật, biểu hiện cụ thể thành các đề tài/ phạm vi hiện thực của đời sống được phản ánh vào tác phẩm và một số phương thức thể hiện đặc sắc, như: điểm nhìn nghệ thuật, ngôn ngữ, giọng điệu, sự chiếm lĩnh không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật. Riêng ở phạm vi đối tượng nghiên cứu/ khảo sát, chúng tôi căn cứ ở những tập thơ ghi năm xuất bản trong giai đoạn 1975-1985, tuy vậy, giới hạn thời gian ở đây cũng có tính tương đối (vì có những bài thơ viết trước 1975, nhưng xuất bản lại thuộc giai đoạn này hoặc có nhiều tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn này, nhưng đến sau năm 1985 mới cho xuất bản). Vì vậy, trong quá trình khảo sát có những sáng tác rơi vào hai thời khoảng trước 1975 hoặc sau 1985 nhưng phù hợp với chất thơ và tư duy thơ giai đoạn này cũng được chúng tôi trích dẫn để minh chứng cho những luận điểm khoa học được đặt ra trong luận án. 3. Hướng tiếp cận và phương pháp nghiên cứu 3.1. Hướng tiếp cận Đề tài tiếp cận theo hướng vận dụng lý thuyết Thi pháp học và lý thuyết tư duy nghệ thuật thơ để nghiên cứu đặc trưng thơ Việt Nam giai đoạn 1975-1985 trong tiến trình vận động của thơ Việt Nam hiện đại, nhằm chỉ ra tư duy thơ ở bình diện nội dung và hình thức mang tính quan niệm của từng yếu tố tham gia cấu thành tác phẩm theo yêu cầu và thao tác làm việc của thi pháp học và mỹ học tiếp nhận hiện đại. 3.2. Phương pháp nghiên cứu Từ hướng tiếp cận trên, để giải quyết nhiệm vụ khoa học của đề tài, chúng tôi sử dụng kết hợp một số phương pháp chủ yếu sau: - Phương pháp thống kê, phân loại: Phương pháp này nhằm xét tần suất các yếu tố và phân loại chúng để xác định nội dung; từ đó, đưa ra những luận chứng xác đáng, sinh động, cụ thể cho các lập luận, phân tích và đúc kết thành luận điểm khoa học. - Phương pháp loại hình: Phương pháp này vận dụng những nguyên tắc loại hình trong lĩnh vực văn học, giúp tìm hiểu, nghiên cứu thơ theo đặc trưng thể loại ở các dạng thức biểu hiện cụ thể, từ nội dung trữ tình đến các phương thức trữ tình; chỉ ra các nguồn cảm hứng, tư duy nghệ thuật, thể thơ, ngôn ngữ, giọng điệu - Phương pháp so sánh, đối chiếu: Phương pháp này nhằm tập trung so sánh những đặc điểm cơ bản của thơ Việt Nam giai đoạn hậu chiến 1975-1985 với các giai đoạn trước và sau đó. Ngoài ra, trên cơ sở khảo sát này, chúng tôi sẽ đối sánh thơ của các tác giả với tác giả, tác giả với phong trào, qua đó, thấy được sự tương đồng và khác biệt trong tư duy và phương thức thể hiện của mỗi nhà thơ, nhằm khẳng định phong cách sáng tạo cũng như vai trò của họ trong sự phát triển thể loại và trong tiến trình vận động của thơ hiện đại Việt Nam. - Phương pháp phân tích, tổng hợp: Phương pháp này giúp chúng tôi hiểu rõ hơn các vấn đề liên quan đến giai đoạn thơ 1975-1985 về các phương diện khác nhau: bối cảnh lịch sử, cách thể hiện về nội dung và hình thức thơ. Trên cơ sở tổng hợp, xâu chuỗi các vấn đề bản chất của thơ, chúng tôi có thể phác họa được diện mạo và chân dung thơ thời kỳ này ở các mặt căn bản. 4. Đóng góp của luận án - Chỉ ra những đặc trưng cơ bản về nội dung nghệ thuật và hình thức nghệ thuật của thơ Việt Nam 1975-1985, xem đây như là mô hình khách thể trong tương quan với mô hình sáng tạo của chủ thể, phù hợp với quy luật của đời sống và nghệ thuật. - Khẳng định những thành tựu và chỉ ra những hạn chế của thơ giai đoạn hậu chiến 1975-1985 trên cơ sở chỉ ra được sự vận động nội tại hợp quy luật của chủ thể thẩm mỹ và khách thể thẩm mỹ, của tư duy nghệ thuật thơ trong giai đoạn lịch sử với tính đặc thù riêng. - Khẳng định giá trị của thơ giai đoạn này trong dòng chảy của nền thơ Việt Nam hiện đại và đặc biệt, làm rõ quá trình vận động tư duy thơ của bước ngoặt chuyển tiếp từ 1975, làm tiền đề tích cực cho thơ Việt Nam thời kỳ đổi mới từ 1986 trở về sau. 5. Cấu trúc luận án Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Nội dung của luận án được triển khai trong bốn chương: Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu thơ Việt Nam giai đoạn 1975-1985 Chương 2. Vấn đề tư duy nghệ thuật thơ và diện mạo thơ Việt Nam giai đoạn 1975-1985 Chương 3. Tư duy nghệ thuật thơ Việt Nam giai đoạn 1975-1985 nhìn từ hệ đề tài và cảm hứng thẩm mỹ Chương 4. Tư duy nghệ thuật thơ Việt Nam giai đoạn 1975-1985 nhìn từ phương thức thể hiện Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU THƠ VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1975-1985 Thơ Việt Nam giai đoạn từ 1975 đến năm 1985, tuy diễn ra trong thời gian ngắn, đủ tròn một thập niên, nhưng do tính đặc thù về bối cảnh lịch sử và đặc trưng thơ ca mà nó đã thực hiện được một vòng quay, một chu kỳ của sáng tạo và tiếp nhận. Giai đoạn này đã kịp để lại những tác giả và tác phẩm tiêu biểu. Các nhà thơ đã chiếm lĩnh hiện thực cuộc sống và con người trong tính bản chất và thẩm mỹ của chúng để xây dựng nên những hình tượng thơ, ngôn từ thơ và tư duy thơ mang đặc điểm riêng. Thành tựu thơ giai đoạn này được nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu và nhận định ở hai cạnh khía chung/ khái quát, riêng/ cụ thể và nâng lên thành những vấn đề có tính lý luận về tư duy thơ, lý luận thơ mang tính đặc thù, xuất phát từ mối quan hệ mới giữa khách thể thẩm mỹ và chủ thể sáng tạo. 1.1. Những nghiên cứu về thơ Việt Nam giai đoạn 1975-1985 1.1.1. Những nghiên cứu chung Giai đoạn mười năm (1975-1985) là một giai đoạn lịch sử đặc biệt/ bản lề, đánh dấu sự kết thúc chiến tranh và chuẩn bị bước vào khôi phục và đổi mới của xã hội Việt Nam. Khoảng thời gian này, nhân dân vừa khắc phục hậu quả của chiến tranh, vừa bắt tay xây dựng đất nước trong hòa bình. Văn học thời kỳ sau chiến tranh vừa tồn tại những đặc điểm của văn học sử thi vừa xuất hiện những đặc điểm của nền văn học thời đổi mới. Thơ giai đoạn này, vì thế, là sự chuyển tiếp giữa hai giai đoạn văn học: văn học chiến tranh, văn học hậu chiến và kéo dài đến văn học đổi mới. Để nhận rõ bước chuyển này trong sáng tạo, thơ trở thành đối tượng quan tâm hàng đầu của giới nghiên cứu. Có khá nhiều công trình, bài viết kết hợp nghiên cứu một cách khái quát nội dung, phương thức nghệ thuật của thơ sau năm 1975 nói chung và cũng có nhiều bài nghiên cứu riêng về thơ giai đoạn 1975-1985. Những bài viết đó tập trung trong các công trình: Văn học Việt Nam thế kỷ XX - Những vấn đề lịch sử và lý luận do Phan Cự Đệ chủ biên (Nhà xuất bản Giáo dục, 2004), Văn học Việt Nam sau 1975 - Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy của nhiều tác giả (Nhà xuất bản Giáo dục, 2005), Văn học Việt Nam sau 1975 và việc giảng dạy trong nhà trường (Nhà xuất bản Giáo dục, 2009) của Nguyễn Văn Long, Văn học 1975-1985 tác phẩm và dư luận (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1997) của nhóm tác giả Vân Trang, Hoàng Ngô, Bảo Hưng, Thơ trữ tình Việt Nam 1975-1990 (Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội, 1998) của Lê Lưu Oanh, Về một đặc trưng thi pháp thơ Việt Nam 1945-1995 (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1999) của Vũ Văn Sỹ, Thơ Việt Nam hiện đại (Nhà xuất bản Lao động, 2002) của nhóm tác giả Phong Lê, Vũ Văn Sỹ, Bích Thu, Lưu Khánh Thơ và nhiều công trình khác Nghiên cứu văn học 1975-1985 với tư cách là một giai đoạn khởi động của văn học thời kỳ hậu chiến, các nhà nghiên cứu đều chỉ ra những đóng góp của văn học giai đoạn này trong tiến trình vận động của văn học Việt Nam. Trong công trình Nửa thế kỷ thơ Việt Nam, Vũ Tuấn Anh đã nêu một số vấn đề về sự vận động của cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam sau năm 1975, đó là cái tôi tiếp tục âm hưởng sử thi và đối thoại với sử thi. Vũ Tuấn Anh cho rằng: “có một độ chênh nhất định giữa cảm hứng ngợi ca và sự khác biệt của hiện thực đời sống chiến tranh. Ở bề mặt hiện tượng, cái tôi sử thi dường như vẫn tiếp tục quán tính của giai đoạn trước, ít có sự biến đổi. Nhưng ở bề sâu, có thể thấy một sự vận động thầm lặng và bền bỉ của cái tôi trữ tình sử thi nhằm đạt đến một chất lượng và chiều sâu mới” [1,tr.156]. Tuy nhiên, Vũ Tuấn Anh chỉ khai thác sự vận động chung của cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam sau 1975, chứ không chú ý đến thơ giai đoạn 1975-1985 - giai đoạn thơ được các nhà thơ chiếm lĩnh và sáng tác với tư cách là giai đoạn nền tảng để làm nổi bật sự vận động của thơ Việt Nam từ sau 1986 đến nay. Vì vậy, tác giả chưa thấy hết vai trò của thơ giai đoạn này với tư cách là cái gạch nối, là quy luật có tính bước ngoặt. Trong Tiến trình thơ hiện đại Việt Nam, Mã Giang Lân cũng đã điểm qua giai đoạn thơ 1975-1985 để làm nổi bật sự phát triển của thơ sau 1986. Ông cho rằng: “Thơ Việt Nam sau 1975, đặc biệt là sau 1986 bộc lộ rõ ý thức cá nhân “cái tôi” bừng tỉnh, “cái tôi” ý thức về mình, về những vấn đề phong phú của cuộc đời. Từ đó, kéo theo một loạt các tương quan trong cấu trúc nhân cách: con người trở nên phức tạp và được soi sáng dưới nhiều bình diện” [73,tr.68]. Dù vậy, theo Mã Giang Lân, xét trên bình diện thi pháp, thơ giai đoạn này vẫn theo đà quán tính của thơ trước 1975 ở những nét chính về cảm hứng nghệ thuật và cái nhìn nghệ thuật. Hòa cùng nhận định trên, trong bài viết Thành tựu thơ Việt Nam thời hậu chiến 1975-1985, Mã Giang Lân cũng đã khái quát bước chuyển của thơ từ chống Mỹ cứu nước sang thời kỳ hậu chiến với việc điểm lại các tác giả, tác phẩm chính, từ đó, chỉ ra những cảm hứng lớn trong thơ thời kỳ này. Đó là cảm hứng ca ngợi: “...Trước hết là một thái độ, một rung động chân thành trước thực tế đất nước đang đối mặt với cuộc chiến tranh mới. Tình cảm công dân, tinh thần yêu nước lại một dịp nữa bùng lên ở mỗi người, nhất là với nhà thơ, có phần nhạy cảm” [76,tr.361]. “Viết về chiến tranh, sự hồi sinh của đất nước, về lao động xây dựng, các nhà thơ hướng tới ca ngợi con người. Con người ở nhiều thế hệ, nhiều hoàn cảnh, tâm trạng với những tâm thế khác nhau. Con người hiện lên đúng như nó tồn tại. Con người vừa tự hào vừa chấp nhận hy sinh, vừa yên vui vừa lo toan, vừa chủ động vừa chịu đựng” [59,tr.366]. Cảm hứng đời tư thế sự, theo Mã Giang Lân đã chuyển từ hiện thực cách mạng sang biểu hiện hiện thực riêng tư hàng ngày, xuất hiện qua mô típ “tôi một mình, tôi suy tư triết lý về thân phận cá nhân, về cuộc đời” [76,tr.368]. Đây là nhận định có tính khách quan, căn cứ ở mối quan hệ giữa chủ thể sáng tạo và khách thể thẩm mỹ, tạo ra đặc điểm thi pháp bổ sung và thi pháp khác so với thơ trước 1975. Trong Mấy vấn đề về thơ Việt Nam 1975-2000, Phạm Quốc Ca cho rằng: lực lượng sáng tác gồm có năm thế hệ và ba kiểu nhà thơ (trữ tình công dân, trữ tình cá nhân, trữ tình thế sự), trong đó “góp phần làm nên diện mạo chính của thơ sau 1975 là lớp nhà thơ trẻ xuất hiện trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước” [13,tr.39]. Thơ giai đoạn này “cảm hứng đối thoại với một số giá trị sử thi trước 1975 và phi sử thi hóa cho thấy bước tiến mới của thơ về giá trị nhận thức..., xu hướng phi sử thi hóa nền thơ còn thể hiện rõ nét sự chuyển hướng sang trữ tình thế sự” [13,tr.59]. “Đặc biệt đáng ghi nhận là ý thức tìm tòi sáng tạo những giá trị mới mẻ, góp phần thúc đẩy hành trình thơ ca nhân loại tiến về phía trước” [13,tr.119]. Dù vậy, tác giả vẫn chưa chỉ ra những giá trị mới mẻ ấy ở những nội dung và hình thức cụ thể nào một cách sáng rõ và đầy đủ. Trong công trình Một số vấn đề cơ bản trong nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam giai đoạn từ sau 1975, Nguyễn Văn Long đã chỉ ra những chặng đường phát triển của văn học sau chiến tranh gồm: chặng đường từ 1975 đến 1985, chặng đường từ 1986 đến 1990, chặng đường từ 1990 đến 2005. Đối với giai đoạn 1975-1985, tác giả đã nêu: “Đây là chặng đường chuyển tiếp từ nền văn học cách mạng trong chiến tranh sang nền văn học thời kỳ hậu chiến. Tính chất chuyển tiếp này thể hiện rõ ở cả đề tài, cảm hứng, các phương thức nghệ thuật và cả quy luật vận động của văn học” [82]. Nguyễn Văn Long cũng cho rằng thơ từ sau 1975 “xuất hiện nhiều dạng thức của cái tôi”, đó là cái tôi thế sự với những cảm xúc khác, những nỗi buồn, sự lo âu, tâm trạng xót xa, day dứt trước hiện trạng xã hội, nhân thế, đó là cái tôi “đào xới tận cùng bản thể”, cái tôi “được khai thác ở mọi bình diện, tầng bậc, trong mọi mối quan hệ” [82]. Trong một bài viết khác, Thơ sau 1975 - nhìn chung về diện mạo và những đổi mới, Nguyễn Văn Long đã nêu ra một số những khuynh hướng chính trong sự phát triển của thơ từ sau năm 1975, đó là: (1) Tiếp tục mạch cảm hứng sử thi, nhưng thiên về bi tráng và gắn liền với những trải nghiệm, kinh nghiệm cá nhân, (2) Hướng vào đời sống thế sự và trở về với cái tôi cá nhân, (3) Đi sâu vào những vùng mờ của tâm linh, vô thức và đưa thơ theo hướng tượng trưng, siêu thực, (4) Khuynh hướng chú trọng tìm tòi về hình thức đặc biệt là “chữ”. Đồng thời, ông nhìn nhận và nêu ra một số đổi mới của thơ sau 1975, đó là đổi mới trong quan niệm thơ: “Các nhà thơ và cả người đọc thơ giờ đây nhìn nhận thơ đúng với bản chất, khả năng và giới hạn của nó. Thơ không thể quay lưng lại với thực tại xã hội, nhưng trước hết nó là nhu cầu tự biểu hiện của cá nhân để khám phá bản ngã của mình, cả ở khoảng mù mờ, lộn xộn của tiềm thức, vô thức. Thơ được đặt trở về giữa cuộc đời thực, không đứng cao hơn, mà cũng không thấp hơn với bao nhiêu nhu cầu và các hoạt động tinh thần khác của con người. Đó cũng là một biểu hiện của tinh thần dân chủ hóa trong văn học” [81,tr.104]. Cùng với việc nhận thức

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docxluan_an_tu_duy_nghe_thuat_tho_viet_nam_giai_doan_1975_1985.docx
  • pdfLUẬN ÁN CÔNG - BV CẤP ĐH HUẾ.pdf
  • docxNhững đóng góp mới của Luận án.docx
  • pdfNhững đóng góp mới của Luận án.pdf
  • docxTÓM TẮT TIẾNG ANH.docx
  • pdfTÓM TẮT TIẾNG ANH.pdf
  • docxTÓM TẮT TIẾNG VIỆT.docx
  • pdfTÓM TẮT TIẾNG VIỆT.pdf
  • docxTRICH YEU LUAN AN TS.docx
  • pdfTRICH YEU LUAN AN TS.pdf
Luận văn liên quan