Các quy định thương mại tùy tiện - Chống bán phá giá và quy chế nền kinh tế phi thị trường áp đặt cho Việt Nam
Việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là một mốc quan trọng trong quá trình chuyển đổi của đất nước từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung sang cơ chế thị trường. Con đường đi tới WTO vừa qua là một con đường dài, đầy gian truân, và Chính phủ Việt Nam có thể tự hào về khả năng chèo lái tuyệt vời của mình đưa Việt Nam tới đích hội nhập kinh tế quốc tế. Là thành viên chính thức của WTO sẽ giúp Việt Nam tiếp cận với các thị trường lớn nhất thế giới và có được một ghế tại bàn đàm phán thương mại đa phương hiện nay và trong tương lai. Tuy nhiên, cần nhớ rằng việc gia nhập WTO mới là sự khởi đầu chứ không phải kết thúc của quá trình hội nhập quốc tế. Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình vươn tới sự thịnh vượng và phát triển con người thông qua việc tăng cường tham gia vào các thị trường toàn cầu. Để tham gia thành công trong WTO, Việt Nam cần phải phát triển các cơ quan công quyền, đầu tư rất lớn cho cơ sở hạ tầng và quan tâm thích đáng đến việc cải thiện chất lượng giáo dục và đào tạo. Tài liệu Đối thoại Chính sách của UNDP xem xét một thách thức quan trọng khác trong những nỗ lực của Việt Nam nhằm tranh thủ tối đa lợi ích từ quá trình hội nhập kinh tế. Các đối tác thương mại chính của Việt Nam vẫn xếp Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế phi thị trường. Vị thế này không ngăn cản Việt Nam thụ hưởng những lợi ích chính từ việc gia nhập WTO, song nó thực sự làm cho Việt Nam dễ bị tổn thương hơn trong các vụ chống bán phá giá. Một số đối tác thương mại có ý đồ lợi dụng những điều khoản về chống bán phá giá để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước của mình khỏi bị ảnh hưởng bởi các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Tài liệu cho rằng Việt Nam cần phản ứng một cách chiến lược và thận trọng với những lời cáo buộc về bán phá giá ngay cả khi đã là thành viên của WTO. Kết quả phân tích các vụ bán phá giá trước đây cho thấy Việt Nam có thể giảm phạm vi của các cuộc điều tra này và cuối cùng hạn chế thiệt hại đối với các nhà sản xuất của Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu để được công nhận là nền kinh tế thị trường và như vậy có thể tận dụng tối đa cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO. Các tài liệu đối thoại chính sách của UNDP nhằm đóng góp tư liệu cho các cuộc thảo luận chính sách chủ chốt ở Việt Nam thông qua việc phân tích các vấn đề phát triển quan trọng. Mục tiêu của chúng tôi là khuyến khích việc trao đổi, thảo luận thông qua những thông tin và dữ liệu thực tế đã thu thập và được trình bày một cách rõ ràng và khách quan. Mặc dù những ý kiến nêu trong tài liệu không nhất thiết phản ánh quan điểm chính thức của UNDP, song chúng tôi coi đây là một cơ hội quý báu để góp phần vào các cuộc thảo luận về chính sách ở Việt Nam. Xin chúc mừng nhóm chuyên gia đã nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng và chính xác vấn đề phức tạp này. Chúng tôi hy vọng rằng tài liệu này sẽ khuyến khích các cơ quan và các học giả khác nghiên cứu tác động của quy chế nền kinh tế phi thị trường đối với các mối quan hệ thương mại của Việt Nam cũng như các chính sách cần thiết để đảm bảo Việt Nam có thể tranh thủ tối đa lợi ích của việc là thành viên chính thức của WTO.