Tính đến nay cả nước có 156.802 người nhiễm HIV đang còn sống được báo cáo, trong đó có 34.391 bệnh nhân AIDS còn sống và đã có 44.232 người chết do AIDS. Đến nay, thành phố Hồ Chí Minh vẫn là địa phương có tổng số người nhiễm HIV cao nhất nước chiếm 26,3% các trường hợp nhiễm HIV phát hiện trên toàn quốc. Kế đến là Hà Nội với 15.528 người nhiễm HIV hiện còn sống, Hải Phòng 6.540 người, Sơn La 5.183 người, Thái Nguyên 5.122 người, Nghệ An 3.711 người, An Giang 3.667 người và Bà Rịa – Vũng Tàu 3.427 người.
Toàn quốc có tới 70,51% xã/phường, 97,53% quận/huyện và 63/63 tỉnh/thành phố đã phát hiện có người nhiễm HIV. Trong 9 tháng đầu năm 2009 toàn quốc ghi nhận thêm 02 huyện mới phát hiện có người nhiễm HIV tại hai tỉnh: Nghệ An (01 huyện) và Lai Châu (01 huyện). 82 xã, phường báo cáo mới ghi nhận có người nhiễm HIV, trong đó khu vực Miền núi phía Bắc: 19 xã, tiếp theo là khu vực Bắc Trung Bộ: 17 xã và cuối cùng là khu vực Đồng bằng Bắc Bộ: 16 xã. So với cùng kỳ năm 2008, số lượng huyện và xã báo cáo phát hiện nhiễm HIV giảm: số huyện giảm 01 huyện, số xã giảm 265 xã/phường (năm 2008 tăng 337 xã/phường).
Lứa tuổi nhiễm HIV chủ yếu tập trung trong nhóm tuổi từ 20-29 tuổi chiếm hơn 50%, tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, nhiễm HIV trong nhóm tuổi 30-39 tuổi có xu hướng tăng hơn so với các năm trước tăng từ 30% năm 2008 lên đến 41% trong năm 2009. Hình thái lây nhiễm HIV trên toàn quốc chủ yếu qua đường máu (do tiêm chích ma túy không an toàn), tuy nhiên hình thái có sự khác biệt giữa các vùng miền. Khu vực miền Bắc, miền núi phía Bắc chủ yếu do tiêm chích ma túy nhưng các tỉnh duyên hải miền Trung, miền Tây Nam bộ chủ yếu các trường hợp nhiễm HIV được phát hiện do quan hệ tình dục. Tại Trà Vinh số nhiễm HIV qua quan hệ tình dục trong tổng số các trường hợp nhiễm HIV phát hiện lên tới 80,7%, Quảng Bình 73,2%, Cà Mau 69,4%, Quảng Trị 62,0%, An Giang 55,8%, Thừa Thiên Huế 50,8%.
Phân bố theo giới: đa phần các trường hợp nhiễm HIV được phát hiện là nam giới, toàn quốc chiếm 79%. Tỷ lệ nhiễm giữa nam và nữ đã có sự thay đổi qua các năm gần đây với tỷ lệ nữ giới bắt đầu tăng từ 15% năm 2005 lên tới 23% năm 2009, tuy nhiên, dự báo trong tương lai tỷ lệ người nhiễm HIV là nữ giới có xu hướng tăng lên. Hiện nay nhiễm HIV không chỉ tập trung trong nhóm có hành vi nguy cơ cao như nghiện chích ma tuý, gái mại dâm mà rất đa dạng về ngành, nghề như lao động tự do, công nhân, nông dân, bộ đội, công an, học sinh, sinh viên, nhân viên hành chính, phạm nhân và trẻ em. Điều này cũng phù hợp về hình thái lây truyền, khi lây truyền qua quan hệ tình dục gia tăng làm đa dạng hơn về ngành nghề của đối tượng nhiễm và nguy cơ lây nhiễm HIV ra cộng đồng sẽ cao hơn.
6 trang |
Chia sẻ: lvbuiluyen | Lượt xem: 3823 | Lượt tải: 5
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Công tác phòng, chống HIV - AIDS tại Việt Nam năm 2009, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BÁO CÁO CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS
I. TÌNH HÌNH DỊCH HIV/AIDS TẠI VIỆT NAM
Tính đến nay cả nước có 156.802 người nhiễm HIV đang còn sống được báo cáo, trong đó có 34.391 bệnh nhân AIDS còn sống và đã có 44.232 người chết do AIDS. Đến nay, thành phố Hồ Chí Minh vẫn là địa phương có tổng số người nhiễm HIV cao nhất nước chiếm 26,3% các trường hợp nhiễm HIV phát hiện trên toàn quốc. Kế đến là Hà Nội với 15.528 người nhiễm HIV hiện còn sống, Hải Phòng 6.540 người, Sơn La 5.183 người, Thái Nguyên 5.122 người, Nghệ An 3.711 người, An Giang 3.667 người và Bà Rịa – Vũng Tàu 3.427 người.
Toàn quốc có tới 70,51% xã/phường, 97,53% quận/huyện và 63/63 tỉnh/thành phố đã phát hiện có người nhiễm HIV. Trong 9 tháng đầu năm 2009 toàn quốc ghi nhận thêm 02 huyện mới phát hiện có người nhiễm HIV tại hai tỉnh: Nghệ An (01 huyện) và Lai Châu (01 huyện). 82 xã, phường báo cáo mới ghi nhận có người nhiễm HIV, trong đó khu vực Miền núi phía Bắc: 19 xã, tiếp theo là khu vực Bắc Trung Bộ: 17 xã và cuối cùng là khu vực Đồng bằng Bắc Bộ: 16 xã. So với cùng kỳ năm 2008, số lượng huyện và xã báo cáo phát hiện nhiễm HIV giảm: số huyện giảm 01 huyện, số xã giảm 265 xã/phường (năm 2008 tăng 337 xã/phường).
Lứa tuổi nhiễm HIV chủ yếu tập trung trong nhóm tuổi từ 20-29 tuổi chiếm hơn 50%, tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, nhiễm HIV trong nhóm tuổi 30-39 tuổi có xu hướng tăng hơn so với các năm trước tăng từ 30% năm 2008 lên đến 41% trong năm 2009. Hình thái lây nhiễm HIV trên toàn quốc chủ yếu qua đường máu (do tiêm chích ma túy không an toàn), tuy nhiên hình thái có sự khác biệt giữa các vùng miền. Khu vực miền Bắc, miền núi phía Bắc chủ yếu do tiêm chích ma túy nhưng các tỉnh duyên hải miền Trung, miền Tây Nam bộ chủ yếu các trường hợp nhiễm HIV được phát hiện do quan hệ tình dục. Tại Trà Vinh số nhiễm HIV qua quan hệ tình dục trong tổng số các trường hợp nhiễm HIV phát hiện lên tới 80,7%, Quảng Bình 73,2%, Cà Mau 69,4%, Quảng Trị 62,0%, An Giang 55,8%, Thừa Thiên Huế 50,8%.
Phân bố theo giới: đa phần các trường hợp nhiễm HIV được phát hiện là nam giới, toàn quốc chiếm 79%. Tỷ lệ nhiễm giữa nam và nữ đã có sự thay đổi qua các năm gần đây với tỷ lệ nữ giới bắt đầu tăng từ 15% năm 2005 lên tới 23% năm 2009, tuy nhiên, dự báo trong tương lai tỷ lệ người nhiễm HIV là nữ giới có xu hướng tăng lên. Hiện nay nhiễm HIV không chỉ tập trung trong nhóm có hành vi nguy cơ cao như nghiện chích ma tuý, gái mại dâm mà rất đa dạng về ngành, nghề như lao động tự do, công nhân, nông dân, bộ đội, công an, học sinh, sinh viên, nhân viên hành chính, phạm nhân và trẻ em. Điều này cũng phù hợp về hình thái lây truyền, khi lây truyền qua quan hệ tình dục gia tăng làm đa dạng hơn về ngành nghề của đối tượng nhiễm và nguy cơ lây nhiễm HIV ra cộng đồng sẽ cao hơn.
Đánh giá chung về tình hình dịch năm 2008 cho thấy HIV/AIDS đã có xu hướng giảm và chậm lại. Số trường hợp nhiễm HIV phát hiện giảm mới 14,3% (giảm 2.048 trường hợp), số bệnh nhân AIDS mới phát hiện giảm 11,1% (giảm 563 trường hợp) và số trường hợp tử vong do AIDS giảm 27,5% (giảm 599 trường hợp). Trong năm 2009 có 44 tỉnh/thành phố có số nhiễm HIV giảm so với cùng kỳ năm 2008 (9 tháng đầu năm), trong đó có 8 tỉnh/thành phố có là (Hà Nội, Đồng Nai, Đồng Tháp, Cần Thơ, Yên Bái, An Giang, Bình Phước, Sơn La), còn lại 19 tỉnh/thành phố tăng, đứng đầu vẫn là TP Hồ Chí Minh với 373 trường hợp, kế đến là Điện Biên, Hải Phòng, Lào Cai, Bắc Ninh, Phú Thọ. Các số liệu về giám sát trọng điểm cho thấy tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong các nhóm như nghiện chích ma túy, gái mại dâm đã có xu hướng giảm trong một vài năm trở lại đây.
II. KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS NĂM 2009
1. Quản lý chỉ đạo công tác phòng chống HIV/AIDS
Trong năm 2009 đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 28/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt đề án tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2015 và Quyết định số 84/2009/QĐ-TTg ngày 04/6/2009 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Các Bộ, ngành cơ quan Trung ương đã ban hành các văn bản quản lý chỉ đạo và hướng dẫn triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS trên toàn quốc và đã tạo ra được phong trào sâu rộng về các hoạt động phòng chống HIV/AIDS.
Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội đã tổ chức hội nghị quốc tế quan trọng, Hội nghị liên minh các nghị viện về phòng chống HIV/AIDS. Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức nhiều hoạt động, hội nghị, hội thảo cho các đại biểu dân cử về công tác phòng chống HIV/AIDS. Ban Tuyên giáo Trung ương, các Bộ, ngành đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực trong việc triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Nhìn chung các Bộ, ngành cơ quan Trung ương chủ động hơn, tích cực hơn trong việc chỉ đạo và thực hiện.
Việc tổ chức triển khai giám sát các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, phòng chống ma túy, mại dâm đã được tăng cường. Ủy ban Quốc gia phòng chống HIV/AIDS đã tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát các hoạt động trên 3 lĩnh vực, các đoàn công tác đều có các chỉ đạo, các báo cáo hết sức cụ thể và thiết thực trong các hoạt động của địa phương và đơn vị.
2. Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi:
Hoạt động thông tin giáo dục truyền thông được thực hiện khá mạnh. Các Bộ, ngành cơ quan Trung ương tổ chức nhiều hoạt động, đa dạng về loại hình và hướng tới nhóm đích nhiều hơn. Các phong trào được tiếp tục thực hiện như “Phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” được triển khai ở các tỉnh do Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp chỉ đạo và có kết quả hết sức khả quan. Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS tiếp tục được tổ chức trên quy mô rộng và tất cả các Bộ, ngành, địa phương đều tích cực hưởng ứng như Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Bộ Y tế đã chỉ đạo việc mít tinh hưởng ứng tại xã phường vào cùng một thời điểm thu hút được sự quan tâm của người dân tại cộng đồng.
Trong năm 2009 đã tiếp tục đẩy mạnh và duy trì các hình thức truyền thông trực tiếp thông qua đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS tuyến xã/phường và tuyên truyền viên đồng đẳng cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao. Các diễn đàn tuyên truyền viên đồng đẳng toàn quốc được tổ chức, các cuộc thi, hội thi cộng tác viên, tuyên truyền viên được tổ chức theo các khu vực, hội nghị biểu dương cán bộ, cộng tác viên cơ sở tiêu biểu trong công tác phòng chống HIV/AIDS đã được tổ chức góp phần động viên đội ngũ cán bộ cơ sở tiêu biểu trong các hoạt động.
Hoạt động thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, đại chúng đã được đẩy mạnh. Các phóng sự, tọa đàm, trao đổi được thực hiện dưới nhiều hình thức, phong phú về nội dung. Các bài báo viết mang tính giáo dục, hướng dẫn thay đổi hành vi ngày một nhiều hơn trên các báo viết, báo điện tử. Câu lạc bộ báo chí về công tác phòng chống HIV/AIDS tiếp tục phát huy hiệu quả. Các thông tin hiện nay hướng tới giáo dục chống kỳ thị phân biệt đối xử, thay đổi hành vi hơn so với trước đây. Có thể nói năm 2009 hoạt động thông tin, giáo dục truyền thông có những bước chuyển biến rõ rệt hơn so với các năm trước đây.
3. Công tác can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV
Sau khi Luật phòng chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người được Quốc hội thông qua đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV. Năm 2009 cũng thu nhận được nhiều thành công trong các hoạt động can thiệp giảm tác hại như chương trình giáo dục đồng đẳng, chương trình khuyến khích sử dụng bao cáo su, bơm kim tiêm sạch và dùng thuốc điều trị thay thế Methadone trong điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện. Chương trình khuyến khích sử dụng bao cao su triển khai tại 2.110 xã của 363 huyện trên 57 tỉnh, thành phố (còn 6 tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Hưng Yên, Kon Tum, Đắk Nông và Bình Phước không triển khai chương trình này). Riêng trong 9 tháng đầu năm 2009 tổng số bao cao su phát miễn phí cho các đối tượng có hành vi nguy cơ cao là 13.690.464 chiếc.
Chương trình trao đổi bơm kim tiêm triển khai tại 382 huyện trên 60 tỉnh thành phố triển khai chương trình phân phát và trao đổi bơm kim tiêm chiếm 59,13%. Trong năm 2009, đã có 103.269 đối tượng nghiện chích ma tuý tham gia chương trình, số bơm kim tiêm sạch phát miễn phí trong 9 tháng đầu năm 2009 là 16.517.518 chiếc bằng khoảng 3/4 so với cả năm 2008, số bơm kim tiêm bẩn được thu gom là 9.819.191 chiếc cũng bằng 3/4 so với cả năm 2008 là 13.011.097 chiếc. Như vậy, trung bình số bơm kim tiêm mỗi người được nhận trong 9 tháng qua là 160 bơm kim tiêm/người.
4. Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone:
Tính đến 25/12/2009, đã có 1.735 bệnh nhân tham gia điều trị tại 06 cơ sở điều trị Methadonecủa hai thành phố Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh. Thành phố Hà Nội là địa phương thứ 3 bắt đầu triển khai thí điểm chương trình Methadone. Các kết quả của chương trình hết sức khả quan: Tỷ lệ bệnh nhân sử dụng Heroin giảm xuống hết sức rõ rệt chỉ có 12,5% bệnh nhân có kết quả xét nghiệm Heroin dương tính vào tháng thứ 9, tỷ lệ này thấp hơn so với các nước khác. Hành vi các đối tượng nghiện chích ma túy khi tham gia điều trị có sự thay đổi rõ rệt. Tỷ lệ trầm cảm, bi quan giảm từ 44,9% trước điều trị xuống còn 3,5%. Chất lượng cuộc sống bệnh nhân được cải thiện, tỷ lệ bệnh nhân có việc làm tăng theo thời gian. Tỷ lệ tội phạm trong nhóm bệnh nhân giảm rất rõ rệt tại 6 cơ sở điều trị. Trước điều trị tỷ lệ này là 40% sau 9 tháng chỉ có 3% có các hành vi vi phạm pháp luật.
Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone đã đáp ứng được nhu cầu mong mỏi của người nghiện, gia đình người nghiện và của xã hội. Hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Y tế triển khai tiếp ra các tỉnh, thành phố phấn đấu đến 2015 có khoảng 80.000 người nghiện được tham gia chương trình.
5. Công tác giám sát HIV/AIDS và tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện:
Cho đến nay Bộ Y tế đã thẩm định và cho phép 72 phòng xét nghiệm đủ điều kiện khẳng định các trường hợp HIV (+) (trên 47 tỉnh, thành phố), riêng năm 2009 đã thẩm định cấp phép thêm được 9 phòng và rút phép 3 phòng. Từ đầu năm 2009 đến nay, hệ thống giám sát các tỉnh, thành phố đã tiến hành xét nghiệm được 586.793 mẫu máu. Về công tác tư vấn, xét nghiệm tự nguyện: cho tới nay tại 64 tỉnh, thành phố đã có hơn 246 phòng tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện. Riêng 9 tháng đầu năm 2009 đã tư vấn xét nghiệm cho tổng số 176.755 người, số người được xét nghiệm HIV là 168.789. Trong năm 2009 một số tỉnh chưa thực hiện tốt công tác báo cáo định kỳ hàng tháng theo quy định tại Quyết định số 1418/2000/QĐ-BYT như: Ninh Thuận, Bến Tre, Sóc Trăng, Bình Thuận và Bình Phước. Bên cạnh đó chất lượng báo cáo số liệu chưa thật sự tốt như: An Giang, Cần Thơ, Tp. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hà Nội.
6. Chương trình tiếp cận điều trị:
Hệ thống điều trị bệnh nhân AIDS đã thiết lập được 288 điểm điều trị bằng thuốc đặc hiệu kháng vi rút (ARV): 14 điểm tại tuyến Trung ương, 125 điểm tuyến tỉnh, thành phố và 149 điểm tại tuyến quận. Tính đến 30/9/2009, toàn quốc đã tiến hành điều trị thuốc ARV cho 35.126 bệnh nhân, trong đó có 33.116 bệnh nhân AIDS người lớn, 1.879 trẻ em. Hiện nay một số tỉnh, thành số bệnh nhân được tiếp cận điều trị còn thấp dưới 20 bệnh nhân như: Phú Yên, Lâm Đồng, Kom Tum, Hậu Giang, Đắc Nông. Nhưng một số tỉnh, thành phố công tác này làm tương đối tốt như TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng và Thái Nguyên.
7. Chương trình Dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.
Trong năm 2009, Bộ Y tế đã phát động và triển khai chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên toàn quốc. Đây là hoạt động hết sức thiết thực và có hiệu quả nhằm làm giảm đáng kể trẻ em bị nhiễm HIV được sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm HIV. Trong 9 tháng đầu năm 2009, trên toàn quốc đã tiến hành tư vấn xét nghiệm HIV trước khi sinh cho 298.934 phụ nữ mang thai đã phát hiện 453 phụ nữ mang thai nhiễm HIV (trong đó có 369 trường hợp được điều trị dự phòng).
8. Chương trình quản lý các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD):
Trong 9 tháng đầu năm 2009, tại các cơ sở y tế nhà nước và tư nhân của các tỉnh, thành phố đã tiến hành khám, điều trị cho 221.376 ca mắc STI, trong đó cơ sở y tế nhà nước chẩn đoán và điều trị được 214.380, y tế tư nhân chẩn đoán và điều trị được 6.996 ca mắc STI.
9. Chương trình an toàn truyền máu:
Tiếp tục đảm bảo 100% các chai máu được sàng lọc HIV trước khi truyền. Trong 6 tháng đầu năm 2009 đã thu gom được 244.502 đơn vị máu, trong đó số đơn vị máu thu gom từ người tình nguyện hiến máu là 149.337 đơn vị sàng lọc và loại bỏ được 131 đơn vị máu nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm HIV.
III. NHỮNG KHÓ KHĂN VÀ TỒN TẠI:
1. Về tình hình dịch: cơ bản chưa khống chế được dịch HIV ở Việt Nam, dịch HIV/AIDS vẫn tiềm ẩn các yếu tố nguy cơ làm lan tràn HIV ở Việt Nam nếu chúng ta không có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả.
2. Vấn đề hệ thống tổ chức: hiện nay phần lớn các Trung tâm còn gặp khó khăn về cơ sở làm việc, đội ngũ cán bộ còn thiếu và yếu về chuyên môn, kỹ thuật do chưa được đào tạo cơ bản về lĩnh vực HIV/AIDS. Một số tỉnh không tuyển được cán bộ làm việc tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS. Chế độ còn quá thấp như đãi ngộ ngành nghề, phụ cấp đặc thù, phụ cấp vùng miền và phụ cấp thâm niên chưa có.
3. Về can thiệp giảm tác hại dự phòng nhiễm HIV: Thiếu nguồn đầu tư là lý do cơ bản trong việc triển khai chương trình can thiệp. Chương trình can thiệp hiện nay dựa chủ yếu vào các nguồn viện trợ và hầu như không có ngân sách địa phương đầu tư cho công tác này. Công tác quản lý và thống kế số liệu người nghiện ma tuý trên nhiều địa bàn còn thấp hơn nhiều so với số thực tế. Khó khăn tiếp cận các dịch vụ can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV đối với những nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao. Chế độ, chính sách dành cho các tuyên truyền viên đồng đẳng và cộng tác viên trực tiếp tham gia chương trình hầu như chưa có ngoài phụ cấp của các dự án.
4. Về chuyên môn kỹ thuật: (i) Công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS: số bệnh nhân HIV/AIDS tiếp cận điều trị thuộc ARV tại những tỉnh trọng điểm ngày càng tăng nhanh dẫn đến tình trạng quá tải cho các cơ sở điều trị ngoại trú, đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh có những cơ sở điều trị ngoại trú lên tới một ngàn bệnh nhân như Quận Phú Nhuận, Quận 10, Quận 6, Quận 2 và Quận Thủ Đức, đặc biệt là Bệnh viện nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh điều trị lên tới trên 2.800 bệnh nhân. Hiện nay nguồn tiền của Quốc gia chỉ đảm bảo cung cấp thuốc cho khoảng 2.800 bệnh nhân trên tổng số 35.000 bệnh nhân được điều trị. Việc điều trị phụ thuộc các nguồn tài trợ sẽ khó khăn khi các chương trình dự án kết thúc; (ii) Công tác giám sát HIV/AIDS, theo dõi và đánh giá: các tỉnh chưa có khả năng đánh giá và dự báo về tình hình dịch. Công tác giám sát bệnh nhân AIDS tại các tuyến không thực sự được coi trọng dẫn tới số lượng bệnh nhân AIDS chưa được thống kê đầy đủ; (iii) Công tác quản lý, theo dõi, giám sát tình trạng nhiễm HIV của những đưa trẻ được sinh ra từ những bà mẹ bị nhiễm HIV không đầy đủ do mất dấu sau khi sinh;
5. Về chế độ, chính sách mặc dù chế độ, chính sách còn quá khiêm tốn so với nhiệm vụ được giao, nhưng ở một số địa phương vẫn chưa giải quyết chế độ phụ cấp, chế độ đặc thù nghề nghiệp cho cán bộ trực tiếp tham gia chăm sóc, điều trị và giám sát dịch HIV/AIDS. Chưa có chính sách ưu tiên trong tuyển chọn các bác sỹ tự nguyện tham gia làm công tác phòng, chống HIV/AIDS, chế độ hưởng phụ cấp thâm niên nghề nghiệp.
IV. ĐỊNH HƯỚNG HOẠT ĐỘNG NĂM 2010:
1. Tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, Chính quyền các cấp trong việc quan tâm đầu tư và tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng chống HIV/AIDS. Tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 54/CT-TW của Ban Bí thư về tăng cường công tác phòng chống HIV/AIDS trong tình hình mới; sơ kết 3 năm việc thực hiện Luật phòng chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). Tập trung triển khai đánh giá Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến 2010 và tầm nhìn 2020 để từ đó xây dựng Chiến lược quốc gia cho giai đoạn 2011-2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2. Đẩy mạnh đầu tư, tăng cường việc thực hiện các Quyết định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như Quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 28/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt đề án tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2015 và Quyết định số 84/2009/QĐ-TTg ngày 04/6/2009 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 và các Quyết định, đề án đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Tổ chức tốt các sự kiện đánh dấu 20 năm Việt Nam đương đầu với HIV/AIDS như: Tổng kết 20 năm trong phòng chống HIV/AIDS; Hội nghị Khoa học về HIV/AIDS lần thứ IV; Cuộc thi tuyên truyền viên giỏi toàn quốc; Triển lãm 20 năm đương đầu với HIV/AIDS.
4. Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các chương trình hành động của Chiến lược quốc gia: Chương trình thông tin, giáo dục truyền thông thay đổi hành vi; Can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS; Tiếp tục duy trì điều trị Methadone tại 07 điểm của TP. Hồ Chí Minh và TP Hải Phòng và thiết lập mới và triển khai 18 cơ sở điều trị Methadone tại 7 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Dương, Thái Nguyên, Nam Định, Cần Thơ, Đà Nẵng và Thanh Hóa; Duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của 256 phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện trên toàn quốc, phấn đấu thực hiện tư vấn cho 260.000 người; Chăm sóc, điều trị phấn đấu 43.000 bệnh nhân được tiếp cận với thuốc điều trị đặc hiệu vào năm 2010.
5. Đẩy mạnh các phong trào tại các địa phương: Phong trào toàn dân tham gia phòng chống AIDS tại cộng đồng dân cư; chiến dịch dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS và các phong trào dựa vào cộng đồng nhằm huy động toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS.
6. Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật. Tập trung xây dựng các thông tư: về giáo dục truyền thông; cấp thẻ cho tuyên truyền viên đồng đẳng; khám chữa bệnh ngoại trú; thông tư quy định bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối; các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật và Nghị định cũng như các quy định của Chính phủ về công tác phòng chống HIV/AIDS. Tập trung nghiên cứu xây dựng các chính sách trong công tác phòng chống HIV/AIDS, rà soát và hoàn thiện các chính sách đối với cán bộ, đối với bệnh nhân. Xây dựng và tách dự án phòng chống HIV/AIDS thành chương trình mục tiêu quốc gia riêng giai đoạn 2011-2015 trình Quốc hội phê duyệt.