Trong quá trình đổi mới và hội nhập, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua 3 giai
đoạn tái cấu trúc kinh tế: (i) giai đoạn đầu thời kỳ đổi mới; (ii) giai đoạn sau cuộc
khủng hoảng tài chính – tiền tệ Châu Á năm 1997 và (iii) giai đoạn sau cuộc khủng
hoảng tài chính thế giới năm 2008. Trong mỗi giai đoạn phát triển, đầu tư công được
xem như là công cụ quan trọng để Chính phủ thực hiện quá trình tái cấu trúc nền kinh
tế. Theo đó, thể chế và chính sách đầu tư công luôn được Chính phủ điều chỉnh để hỗ
trợ cho quá trình tái cơ cấu kinh tế một cách hiệu quả. Dù là vậy, cho đến nay, đầu tư
công được đánh giá là còn kém hiệu quả xét trên khía cạnh hiệu suất sử dụng đồng
vốn. Hệ số ICOR của đầu tư khu vực Nhà nước giai đoạn 1995 – 2011 là rất cao so với
suất đầu tư chung của xã hội (Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc
gia, 2012). Bảng 0.1 cho thấy hệ số ICOR của đầu tư khu vực nhà nước luôn cao hơn
hệ số ICOR chung toàn xã hội, từ 1,3 – 1,4 lần.
171 trang |
Chia sẻ: lecuong1825 | Lượt xem: 2502 | Lượt tải: 5
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận án Các yếu tố ảnh hưởng đến chậm tiến độ và vượt dự toán dự án đầu tư công tại Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
1
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Trong quá trình đổi mới và hội nhập, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua 3 giai
đoạn tái cấu trúc kinh tế: (i) giai đoạn đầu thời kỳ đổi mới; (ii) giai đoạn sau cuộc
khủng hoảng tài chính – tiền tệ Châu Á năm 1997 và (iii) giai đoạn sau cuộc khủng
hoảng tài chính thế giới năm 2008. Trong mỗi giai đoạn phát triển, đầu tư công được
xem như là công cụ quan trọng để Chính phủ thực hiện quá trình tái cấu trúc nền kinh
tế. Theo đó, thể chế và chính sách đầu tư công luôn được Chính phủ điều chỉnh để hỗ
trợ cho quá trình tái cơ cấu kinh tế một cách hiệu quả. Dù là vậy, cho đến nay, đầu tư
công được đánh giá là còn kém hiệu quả xét trên khía cạnh hiệu suất sử dụng đồng
vốn. Hệ số ICOR của đầu tư khu vực Nhà nước giai đoạn 1995 – 2011 là rất cao so với
suất đầu tư chung của xã hội (Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc
gia, 2012). Bảng 0.1 cho thấy hệ số ICOR của đầu tư khu vực nhà nước luôn cao hơn
hệ số ICOR chung toàn xã hội, từ 1,3 – 1,4 lần.
Bảng 0.1: Hệ số ICOR chung và khu vực đầu tư nhà nước qua các giai đoạn
1995 – 2000 2001 – 2005 2005 – 2011
Đầu tư chung 4,25 4,62 6,10
Đầu tư khu vực nhà nước 6,25 5,99 8,52
Nguồn: Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia, 2012
Lý thuyết về quản lý dự án đầu tư chỉ ra dự án đầu tư thành công là một dự án
phải đảm bảo được mục tiêu đã đề ra trong khuôn khổ thời gian và giới hạn nhất định
của ngân sách (PMI, 2013). Dự án được hoàn thành đúng hạn là một trong những mục
tiêu không những của khách hàng/chủ đầu tư mà còn của nhà thầu, bởi mỗi bên sẽ phải
chịu thêm gánh nặng chi phí và mất đi doanh thu tiềm năng một khi dự án hoàn thành
chậm (Thomas và cộng sự, 1995). Chan và Kumaraswamy (1996) cho rằng một dự án
thường được coi là thành công nếu nó được hoàn thành đúng thời hạn, trong phạm vi
ngân sách và mức độ tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.
2
Vượt dự toán và chậm tiến độ có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau đối
với nhiều loại hình dự án khác nhau. Điều này dẫn đến nhiều tranh luận về việc làm
thế nào để giảm thiểu tình trạng chậm tiến độ và vượt dự toán. Ðã có nhiều nghiên cứu
thực nghiệm khám phá các yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng chậm tiến độ và vượt dự
toán dự án đầu tư công (Mansfield và cộng sự, 1994; Kaming và cộng sự, 1996;
Koushki và Kartam, 2004). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm tiến độ và vượt dự
toán các dự án đầu tư có thể kể đến từ việc quản lý dự án yếu kém cho đến các yếu tố
khách quan bên ngoài. Hàng loạt các nghiên cứu thực nghiệm trên thế giới tập trung
khám phá các yếu tố gây chậm tiến độ và vượt dự toán tại mỗi nước. Điều này cho
thấy tình trạng chậm tiến độ và vượt dự toán thật sự là vấn đề phổ biến.
Tại Việt Nam, tình trạng chậm tiến độ và vượt dự toán của các dự án đầu tư công
được các nhà hoạch định chính sách, quản lý dự án xem như là một trong những
nguyên nhân làm giảm hiệu quả đầu tư công. Trong một văn bản trình Thủ tướng về
công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2014, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu
tư Bùi Quang Vinh thừa nhận nhiều dự án vẫn còn chậm tiến độ, tỷ lệ các dự án điều
chỉnh còn khá cao. Ông Vinh khẳng định việc chậm tiến độ là một trong những
nguyên nhân làm tăng chi phí, giảm hoặc không còn hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực
đến nền kinh tế (Tư Giang, 2015).
Báo cáo tổng hợp công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư qua các năm 2010,
2011, 2012 và 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với các dự án đầu tư sử dụng 30%
vốn nhà nước trở lên đưa ra số liệu về số dự án chậm tiến độ chiếm khoảng từ 9,59%
đến 11,77% số dự án thực hiện trong năm; số dự án phải điều chỉnh (trong đó có điều
chỉnh tiến độ và điều chỉnh vốn đầu tư) chiếm khoảng từ 11% đến 16,09% số dự án
thực hiện trong kỳ. Số liệu tổng hợp hàng năm cho thấy tình trạng chậm tiến độ và
vượt dự toán là vấn đề cần quan tâm trong quản lý dự án đầu tư công. Báo cáo giám sát
của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận đây là nguyên nhân làm giảm hiệu quả đầu tư
công nhưng chưa đề ra các giải pháp khắc phục tình trạng này. Để giải quyết vấn đề,
cần thiết phải xác định, phân tích về phương diện học thuật các yếu tố ảnh hưởng đến
chậm tiến độ và vượt dự toán các dự án đầu tư công.
3
Lý thuyết quản lý dự án cũng chỉ ra rằng vấn đề vượt dự toán và chậm tiến độ có
mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Có nhiều công trình thực nghiệm tiến hành nghiên cứu
hai vấn đề này một cách riêng biệt (Azhar và cộng sự, 2008; Han và cộng sự, 2009;
Cantarelli và cộng sự, 2012; Hamazh và cộng sự, 2011); nhưng cũng có nhiều công
trình nghiên cứu đồng thời cả hai vấn đề này trong cùng một thang đo (Claire Bordat
và cộng sự, 2004; Ramanathan và cộng sự, 2012) Cho đến nay, chủ đề này ở Việt
Nam chưa nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà kinh tế, nhất là dự án đầu tư công.
Lê Hoài Long và cộng sự (2008) nghiên cứu về những nguyên nhân gây ra chậm tiến
độ và vượt dự toán trong các dự án đầu tư lớn tại Việt Nam, nhưng đó là các dự án quy
mô vốn trên 1 triệu USD nói chung mà không nghiên cứu riêng trường hợp dự án đầu
tư công. Dự án đầu tư công có những khác biệt nhất định: khác biệt về vai trò vị thế
của chủ đầu tư, khác biệt về cung cách quản lý nguồn vốn, về khung pháp lý mà các
bên phải tuân thủ... Do vậy, kết quả nghiên cứu của Lê Hoài Long và cộng sự (2008)
cũng chưa bao quát hết các nguyên nhân và giải pháp đặc thù cho trường hợp dự án
đầu tư công ở Việt Nam.
Đề tài “Các yếu tố ảnh hưởng đến chậm tiến độ và vượt dự toán dự án đầu tư
công tại Việt Nam” được triển khai nghiên cứu gắn với bối cảnh thực tế của các dự án
đầu tư công ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu được mong đợi sẽ góp phần vào lý thuyết
về nguyên nhân, hiệu ứng vượt dự toán và chậm tiến độ các dự án đầu tư công.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Mục tiêu cơ bản của luận án là khám phá các yếu tố dẫn đến tình trạng chậm tiến
độ và vượt dự toán của dự án đầu tư công ở Việt Nam. Đầu tư công ở Việt Nam có khá
nhiều đặc thù vốn có của một nền kinh tế đang chuyển đổi với thể chế và chính sách
đầu tư đang trong quá trình hoàn thiện. Thực hiện nghiên cứu này sẽ góp phần bổ sung
lý thuyết quản trị tài chính công ở các nền kinh tế chuyển đổi. Nét đặc trưng cơ bản
của luận án là nghiên cứu cả hai vấn đề chậm tiến độ và vượt dự toán trong một hệ
thống đo lường các nhân tố, qua đó giúp nhận dạng một cách tổng quát hơn các yếu tố
gây yếu kém hiệu quả đầu tư đầu công, xét trên góc độ thời gian và chi phí đầu tư cũng
như những hậu quả tiêu cực của nó gây ra cho xã hội.
4
Các dự án vượt dự toán và chậm tiến độ gây thiệt hại và lãng phí các nguồn lực
xã hội rất lớn. Nhà nước, doanh nghiệp và cả xã hội bỏ vốn đầu tư vào các dự án xây
dựng, nhưng do chậm hoàn thành dẫn đến đình trệ sản xuất, nguồn vốn không được
quay vòng kịp thời, bị chôn vốn, lãi suất vẫn phải trả, thiếu công trình cho xã hội.
Chính vì lẽ đó, luận án tiến hành nghiên cứu làm rõ tác động của vượt dự toán và chậm
tiến độ đến thời gian hoàn thành và giá trị quyết toán (hay chi phí) dự án đầu tư công
tại Việt Nam.
Từ các mục tiêu trên, các câu hỏi nghiên cứu của luận án là:
- Chậm tiến độ ảnh hưởng như thế nào đến chi phí thực hiện và vượt dự toán có tác
động làm chậm tiến độ thực hiện dự án công ở Việt Nam?
- Những yếu tố nào gây chậm tiến độ và vượt dự toán của dự án đầu tư công tại Việt
Nam?
- Những nhà hoạch định chính sách quản lý dự án công tại Việt Nam cần có những
điều chỉnh gì để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng chậm tiến độ và vượt dự
toán?
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Để đạt được các mục tiêu trên, đối tượng của luận án tập trung vào việc nghiên
cứu tình hình triển khai và thực hiện các dự án công ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, tiến
hành khảo sát và đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến chậm tiến độ, vượt dự toán các dự
án đầu tư công tại Việt Nam. Đồng thời, luận án cũng phân tích mối quan hệ giữa thời
gian và chi phí của các dự án đầu tư công tại Việt Nam. Nền tảng lý thuyết cho nghiên
cứu dựa vào lý thuyết về quản lý dự án.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Dữ liệu sử dụng để phân tích về tác động của vượt dự toán và chậm tiến độ đến
thời gian hoàn thành và giá trị quyết toán (hay chi phí) dự án đầu tư công là dữ liệu từ
hồ sơ quyết toán dự án hoàn thành của 227 dự án đầu tư công triển khai tại Thành phố
Hồ Chí Minh, giai đoạn 2008 – 2013 lưu trữ tại Sở Tài chính Tp. Hồ Chí Minh.
5
Để phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng chậm tiến độ và vượt dự toán
các dự án đầu tư công tại Việt Nam, luận án sử dụng dữ liệu sơ cấp từ việc khảo sát
240 chuyên gia đang trực tiếp quản lý, thực hiện dự án đầu tư công công tác tại Bộ Tài
chính, các tỉnh và Tp. Hồ Chí Minh. Thời gian tổ chức khảo sát: 2013-2014.
4. Phương pháp nghiên cứu
4.1. Phương pháp nghiên cứu định tính
Theo Neuman (2007), nghiên cứu định tính là một phương pháp nghiên cứu
nhằm nắm bắt và khám phá ý nghĩa, những khái niệm và dữ liệu được thể hiện dưới
những biểu hiện của quan điểm cá nhân thông qua những hình ảnh, từ ngữ được quan
sát và ghi chép lại. Phương pháp thường được sử dụng trong thu thập dữ liệu nghiên
cứu định tính là quá trình thảo luận tay đôi và thảo luận nhóm. Nhà nghiên cứu là
người trực tiếp thực hiện việc thảo luận với đối tượng nghiên cứu trong thảo luận tay
đôi cũng như là người điều khiển trong chương trình thảo luận nhóm.
Nghiên cứu cũng sử dụng các số liệu thống kê thông qua thu thập dữ liệu có sẵn,
tiến hành phân tích thống kê mô tả, xây dựng bảng biểu, đồ thị để dễ dàng so sánh và
đánh giá các nội dung nghiên cứu.
Để nghiên cứu về các yếu tố gây chậm tiến độ và vượt dự toán các dự án đầu tư,
luận án sử dụng phương pháp quy nạp và diễn dịch để tổng quát các cơ sở lý luận, kết
quả các nghiên cứu trước đó làm cơ sở phân tích các yếu tố gây chậm tiến độ và vượt
dự toán. Từ đó đề xuất mô hình nghiên cứu phù hợp với điều kiện đặc thù tại Việt
Nam.
Nghiên cứu này còn dùng phương pháp chuyên gia, thông qua việc phỏng vấn
sâu và thảo luận nhóm với các chuyên gia, với những người đang trực tiếp quản lý và
thực hiện dự án đầu tư công nhằm điều chỉnh một số khái niệm, thang đo cho phù hợp
với điều kiện tại Việt Nam. Kết quả của nghiên cứu định tính làm cơ sở cho việc khảo
sát, thu thập số liệu để phân tích định lượng với mô hình phân tích yếu tố khám phá
(EFA) và hồi quy (RA).
4.2. Phương pháp nghiên cứu định lượng
6
Để nghiên cứu việc chậm tiến độ ảnh hưởng đến chi phí thực hiện và vượt dự
toán tác động làm chậm tiến độ đối với các dự án đầu tư công, nghiên cứu sử dụng
phương pháp phân tích hồi quy bội, áp dụng cho nhiều mô hình, có sử dụng biến giả để
nhận diện và phân tích.
Để kiểm định và nhận diện các yếu tố gây chậm tiến độ và vượt dự toán các dự án
đầu tư công tại Việt Nam, luận án sử dụng phương pháp định lượng thực hiện qua các
giai đoạn như sau:
Thu thập dữ liệu nghiên cứu bằng bảng câu hỏi khảo sát các chuyên gia quản
lý dự án đầu tư công trên địa bàn nghiên cứu. Kích thước mẫu là 240 được chọn theo
phương pháp lấy mẫu thuận tiện.
Đánh giá độ tin cậy và giá trị của thang đo bằng hệ số tin cậy Cronbach’s
Alpha, sau đó phân tích yếu tố khám phá (EFA) thông qua phần mềm xử lý SPSS 22.0,
qua đó loại bỏ các biến quan sát không giải thích cho khái niệm nghiên cứu (không đạt
độ tin cậy); đồng thời tái cấu trúc các biến quan sát còn lại vào các yếu tố (thành phần
đo lường) phù hợp làm cơ sở cho việc hiệu chỉnh mô hình nghiên cứu và các giả thuyết
nghiên cứu, các nội dung phân tích và kiểm định tiếp theo.
Sau đó, nghiên cứu dùng phương pháp phân tích hồi quy bội (RA) với các
quan hệ tuyến tính để kiểm định các yếu tố gây chậm tiến độ và vượt dự toán các dự án
đầu tư công tại Việt Nam, từ đó xác định được mức độ quan trọng của từng yếu tố.
5. Tính mới và những đóng góp của luận án
Tính mới của luận án là đã xác định được những nguyên nhân gây ra chậm tiến
độ và vượt dự toán của các dự án đầu tư công tại Việt Nam. Đề xuất mô hình thực
nghiệm để ước lượng các yếu tố gây chậm tiến độ và vượt dự toán dự án đầu tư công
(không phân biệt quy mô của dự án). Khuyến nghị một số điều chỉnh chính sách quản
lý dự án đầu tư công tại Việt Nam để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng chậm tiến
độ và vượt dự toán. Cụ thể, nghiên cứu có những điểm mới và đóng góp như sau:
5.1. Về phương diện học thuật
7
- Luận án đã đánh giá và làm rõ sự khác biệt giữa dự án đầu tư công với dự án khác
tại Việt Nam, từ đó xác định khung lý thuyết các yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng
chậm tiến độ và vượt dự toán chỉ riêng cho dự án đầu tư công tại Việt Nam.
- Phần nghiên cứu định tính cũng chỉ ra một trong những nguyên nhân làm chậm tiến
độ và vượt dự toán các dự án công- nhất là dự án ODA là do trình tự thủ tục pháp
lý về đầu tư xây dựng của Chính phủ Việt Nam khá phức tạp và khác biệt so với
quy định chung của các tổ chức tài trợ.
- Kết quả nghiên cứu thực nghiệm chỉ ra chậm tiến độ (thời gian) có ảnh hưởng lớn
đến vượt dự toán (chi phí) của các dự án đầu tư công tại Việt Nam. Bên cạnh đó,
kết quả nghiên cứu cũng chứng minh cụ thể thời gian thực hiện dự án công phụ
thuộc vào tính chuyên nghiệp của chủ đầu tư và việc phân cấp quản lý thực hiện dự
án. Phát hiện này rất có ý nghĩa giúp các nhà hoạch định chính sách xem xét lại quy
định về việc phân cấp và mô hình chủ đầu tư kiêm nhiệm hiện nay.
- Kết quả nghiên cứu xác định rõ và định lượng các yếu tố ảnh hưởng đến chậm tiến
độ và vượt dự toán các dự án đầu tư công tại Việt Nam. Theo đó, yếu tố quan trọng
nhất thuộc về năng lực tổ chức quản lý dự án của chủ đầu tư; năng lực tư vấn, thực
hiện hợp đồng của tư vấn và nhà thầu. Ngoài ra, nghiên cứu cũng phát hiện thêm
các yếu tố ngoại vi (lạm phát, giá cả vật liệu tăng ngoài tầm kiểm soát, điều kiện
địa chất thủy văn) và khó khăn về tài chính của các bên cũng ảnh hưởng đến chậm
tiến độ và vượt dự toán các dự án đầu tư công. Đây là điểm mới của đề tài mà các
nghiên cứu trước đây đề cập chưa đầy đủ.
- Luận án lần đầu tiên thực hiện kiểm định kết quả nghiên cứu thông qua phân tích
các yếu tố dẫn đến thành công hoặc thất bại trong quản lý tiến độ và quản lý dự
toán của hai dự án tại Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả kiểm định đã chứng minh
các yếu tố mà luận án nhận diện chính xác và phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam.
5.2. Về phương diện thực tiễn
- Luận án đã làm rõ thực trạng việc quản lý dự án đầu tư công tại Việt Nam hiện nay,
chỉ ra được hai nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến chậm tiến độ và vượt dự toán
8
các dự án đầu tư công tại Việt Nam thuộc về năng lực quản lý của chủ đầu tư, năng
lực thực hiện dự án của tư vấn hoặc nhà thầu.
- Luận án cũng đã phân tích những bất cập của cơ chế quản lý tài chính công hiện
hành tại Việt Nam dẫn đến chậm tiến độ và vượt dự toán. Từ đó, khuyến nghị các
giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính công tại Việt Nam, khắc
phục triệt để tình trạng chậm tiến độ và vượt dự toán.
- Nội dung luận án là cơ sở để xây dựng chương trình khung đào tạo bồi dưỡng kiến
thức quản lý dự án cho các nhà lãnh đạo quản lý, bổ sung chương trình giảng dạy
của sinh viên khối ngành kiến trúc kỹ thuật với mục tiêu những người được đào tạo
có đầy đủ kiến thức, kỹ năng để quản lý và thực hiện thành công dự án đầu tư công
tại Việt Nam.
6. Kết cấu của luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Mục lục, Danh mục các chữ viết tắt, Danh mục
các hình và bảng, Phụ lục và Tài liệu tham khảo; luận án được bố cục theo 5 chương
như sau: Chương 1 trình bày tổng quan lý thuyết của nghiên cứu; Phương pháp và mô
hình nghiên cứu được trình bày trong Chương 2; Chương 3 nghiên cứu vấn đề thời
gian thực hiện và chi phí đầu tư các dự án đầu tư công được tiến hành thực nghiêm dựa
trên mẫu thu thập các dự án đầu tư công của Thành phố Hồ Chí Minh; Chương 4 trình
bày kết quả nghiên cứu các yếu tố gây chậm tiến độ và vượt dự toán các dự án đầu tư
công tại Việt Nam; cuối cùng là kết luận và khuyến nghị chính sách trong trình bày
trong Chương 5.
9
Chương 1:
TỔNG QUAN LÝ THUYẾT
1.1. Khung khái niệm dự án đầu tư công
1.1.1. Dự án đầu tư
Tunner (1996) cho rằng “Dự án là nỗ lực của con người (hoặc máy móc), nguồn
lực tài chính và vật chất được tổ chức theo một cách mới để tiến hành một công việc
đặc thù với đặc điểm kỹ thuật cho trước, trong điều kiện ràng buộc về thời gian và chi
phí để đưa ra một thay đổi có ích được xác định bởi mục tiêu định tính và định lượng”.
Viện Quản lý Dự án (PMI) định nghĩa: “Dự án là một nỗ lực tạm thời để tạo ra một sản
phẩm hoặc dịch vụ đặc thù. Trong đó, “Tạm thời” có nghĩa là mỗi một dự án có một
kết thúc xác định và “Đặc thù” có nghĩa là sản phẩm hoặc dịch vụ đó khác biệt ở một
cách khác so với tất cả sản phẩm hoặc dịch vụ cùng loại” (PMI, 2013).
Luật Xây dựng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông
qua ngày 18 tháng 6 năm 2014 xác định: “Dự án đầu tư xây dựng là tập hợp các đề
xuất có liên quan đến việc sử dụng vốn để tiến hành hoạt động xây dựng để xây dựng
mới, sửa chữa, cải tạo công trình xây dựng nhằm phát triển, duy trì, nâng cao chất
lượng công trình hoặc sản phẩm, dịch vụ trong thời hạn và chi phí xác định.”
Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng khái niệm dự án đầu tư được hiểu như quy
định của Luật Xây dựng năm 2014 của Việt Nam do đã bao gồm nội hàm định nghĩa
của các nghiên cứu trước đó và là chuẩn mực bắt buộc mà các bên liên quan đến thực
hiện dự án đầu tư công tại Việt Nam phải tuân thủ.
1.1.2. Đặc điểm dự án đầu tư công
Dự án đầu tư công là những dự án do Chính phủ tài trợ (cấp vốn) toàn bộ hay một
phần hoặc do dân chúng tự nguyện đóng góp bằng tiền hay bằng ngày công nhằm đáp
ứng mọi nhu cầu mang tính cộng đồng. Nếu mở rộng hơn nữa, dự án công còn bao
gồm những dự án mà Chính phủ hoặc chính quyền địa phương đề xuất kêu gọi tài trợ
quốc tế. Dự án do một đơn vị kinh doanh thực hiện cũng được xem là dự án công nếu
10
nó hướng đến việc nâng cao phúc lợi công cộng. Như vậy, tính chất công của một dự
án được nhận diện ở mục đích mà nó hướng đến- tạo ra những lợi ích cho cộng đồng.
Tại Việt Nam, căn cứ vào các quy định cụ thể của Luật Ngân sách, Luật Xây
dựng và Luật Đầu tư công thì dự án đầu tư công còn có những khác biệt so với dự án
khu vực tư như sau:
+ Về chủ đầu tư: Luật Đầu tư công của Việt Nam quy định chủ đầu tư là cơ quan,
tổ chức được giao quản lý dự án đầu tư công. Do đó, có rất nhiều chủ thể khác nhau
được giao làm chủ đầu tư dự án đầu tư công. Ngoài các Ban quản lý dự án chuyên
ngành còn có các cơ quan hành chính, cơ quan sự nghiệp tiếp nhận, quản lý tài sản sau
đầu tư được giao làm chủ đầu tư.
+ Về kế hoạch nguồn vốn: chủ đầu tư chỉ được Nhà nước giao vốn theo kế hoạch
hàng năm phụ thuộc vào dự toán ngân sách dành cho đầu tư hàng năm của Chính phủ
hoặc Chính quyền địa phương. Trong khi đó, đối với dự án tư thì nguồn vốn của dự án
được xác định rõ ràng cụ thể ngay từ đầu và thường không bị giới hạn giải ngân theo
năm.
+ Về thẩm quyền của chủ đầu tư: thẩm quyền của chủ đầu tư dự án công bị giới
hạn hơn so với chủ đầu tư dự án tư nhân. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án
chủ đầu tư dự án công phải xin ý kiến thẩm định từ các cơ quan chuyên môn của Chính
phủ hoặc Chính quyền địa phương; xin ý kiến của cấp có thẩm quyền quyết định đầu
tư.
+ Về khung pháp lý: chủ đầu tư dự án đầu tư công phải tuân thủ nghiêm ngặt
hàng loạt các quy định của Luật Ngân sách, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công và Luật
Đấu thầu. Trong khi chủ đầu tư khu vực tư chỉ phải tuân thủ một số điều của Luật Xây
dựng liên quan đến quy hoạch, việc sử dụng đất, tiến độ xây dựng và bảo vệ môi
trường.
+ Về chi phí đầu tư: chi phí đầu tư dự án công phải được xác định theo đúng các
quy định do Bộ Xây dựng ban hành. Trong khi chủ đầu tư dự án tư được toàn quyền
xác định chi phí đầu tư phù hợp vớ