Luận án Cơ sở lý luận và thực tiễn của pháp luật điều chỉnh một số quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài ở nước ta hiện nay

1. Tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài 1.1. Trong bối cảnh bước sang năm thứ 17 thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo (từ Đại hội Đảng VI tháng 12 năm 1986), tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hơn 160 nước trên thế giới; có quan hệ về hợp tác kinh tế, tài chính, tín dụng với hơn 200 tổ chức quốc tế và diễn đàn quốc tế; có quan hệ buôn bán với hơn 100 nước, trong đó với 60 nước đã ký kết Hiệp định về thương mại ở cấp Chính phủ; các công ty, doanh nghiệp của trên 50 nước và vùng lãnh thổ đã đầu tư trực tiếp vào Việt Nam [47, tr. 5]. Tháng 7/2000 đã ký kết Hiệp định thương mại Việt - Mỹ. Hiện nay Việt Nam đang tích cực tiến hành đàm phán để quyết tâm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2005. Sau ảnh hưởng chung của cuộc khủng hoảng tài chính khu vực vào năm 1997, tổng số lượng vốn của các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tuy bị giảm đáng kể, nhưng vẫn đạt 43,5 tỷ USD theo đăng ký, trong đó có khoảng 22 tỷ USD của các dự án đã và đang được triển khai thực hiện [47, tr. 5]. Cùng với đó là đội ngũ chuyên gia, cán bộ, nhân viên của các công ty, chi nhánh, văn phòng đại diện nước ngoài vào Việt Nam thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, kinh doanh sản xuất, làm ăn với các đối tác Việt Nam cũng ngày càng tăng lên. Tình hình đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam mặc dù còn ở mức độ khiêm tốn, nhưng trong một vài năm trở lại đây cũng đã đạt tốc độ khá cao, chủ yếu là sang Lào, Cămpuchia, Tiệp Khắc (cũ), Liên bang Nga và một số nước khác. Những năm qua, số lượng công dân Việt Nam được gửi đi lao động hợp tác ở nước ngoài cũng tăng lên đáng kể, trong đó phải kể đến số lao động được gửi đi Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật bản, Malayxia và một số nước khác. Thị trường lao động nước ngoài mà lao động Việt Nam đến làm việc tăng nhanh. Năm 1992 lao động Việt Nam đến làm việc tại 12 nước, năm 1995 tại 15 nước, năm 1998 tại 27 nước, năm 1999 tại 38 nước và năm 2002 tại trên 40 nước. Tổng số lao động đưa đi nước ngoài năm 1996 là 12.660 người, năm 1997 là 18.470 người, năm 1999 là 21.810 người. năm 2002 ngót 40.000 người [7]. Cùng với đó, số lượng khách du lịch nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh Việt Nam cũng ngày càng tăng lên. Năm 1997 có 1.055.783 lượt người nhập cảnh Việt Nam qua hai cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất; năm 1999 số lượt người nhập cảnh Việt Nam đã tăng lên 2.015.973, trong đó có gần 1 triệu lượt người nước ngoài vào Việt Nam theo các dự án đầu tư. Trong năm 2002 đã có tới 2,6 triệu lượt khách nước ngoài vào Việt Nam [3]. Tất cả tình hình trên đây đã và đang góp phần quan trọng thúc đẩy sự hội nhập kinh tế, cũng như phát triển quan hệ về mọi mặt giữa Việt Nam với các nước, các tổ chức và diễn đàn quốc tế. Trong bối cảnh đó, đã làm gia tăng hết sức mạnh mẽ các giao lưu về dân sự có yếu tố nước ngoài đòi hỏi phải được pháp luật điều chỉnh. Các quan hệ về hôn nhân và gia đình, lao động, thừa kế. có yếu tố nước ngoài trong các năm qua cũng tăng lên. Chỉ riêng về tình hình kết hôn và nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, trung bình mỗi năm cũng có hàng chục ngàn vụ kết hôn và nuôi con nuôi được đăng ký. Theo Báo cáo (ngày 15/4/2003) của Vụ Công chứng-Giám định-Hộ tịch-Quốc tịch-Lý lịch tư pháp (Bộ Tư pháp) về việc thực hiện Đề án điều tra cơ bản tình hình phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, thì "từ năm 1995 đến năm 2002 cả nước có 115.844 trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài, trong đó có 64.683 trường hợp kết hôn với người nước ngoài, 51.161 trường hợp kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài". Tình hình người nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi cũng ngày một tăng. Cũng theo báo cáo của Vụ này, "từ năm 1995 đến tháng 10/2002 cả nước có trên 11.350 trẻ em được người nước ngoài nhận làm con nuôi" [15]. Như vậy, cùng với nhịp độ phát triển mạnh mẽ của các quan hệ kinh tế - thương mại có yếu tố nước ngoài trong bối cảnh năng động tại các đô thị, thành phố lớn, đã làm phát sinh ngày càng nhiều các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Tình hình đó tất nhiên sẽ kéo theo những hậu quả làm phát sinh các vụ tranh chấp về dân sự, thừa kế, hôn nhân và gia đình. có yếu tố nước ngoài, đòi hỏi phải được giải quyết kịp thời. Những vấn đề này, rõ ràng là không thể giải quyết được, nếu không có đủ cơ sở pháp lý cần thiết cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét vụ việc. 1.2. Nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế ngày nay đã trở thành một đòi hỏi có tính tất yếu khách quan của mọi quốc gia trong tiến trình phát triển. Quá trình hội nhập quốc tế đòi hỏi Việt Nam phải có một hệ thống pháp luật hoàn thiện. Điều đó cũng có nghĩa là, cùng với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về dân sự nói chung và pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài nói riêng, là một yêu cầu tất yếu khách quan và có tính cấp thiết hiện nay. Trong bối cảnh mở rộng quan hệ quốc tế theo xu thế hội nhập của Việt Nam hiện nay, như đã được khẳng định trong Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VII (Nghị quyết Trung ương 8), điều cần thiết là "phải tiếp tục củng cố và tăng cường. mở rộng quan hệ quốc tế về tư pháp., tạo hành lang pháp lý cho các quan hệ dân sự phát triển lành mạnh trong khuôn khổ pháp luật, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội". Do đó, yêu cầu về việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật dân sự, trong đó có Phần thứ bảy về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài nói riêng, cũng như các văn bản pháp luật dân sự có liên quan, càng trở nên cấp thiết và có ý nghĩa quan trọng, góp phần tạo hành lang pháp lý cho việc ổn định các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong thời kỳ mới. Chính vì vậy, việc nghiên cứu một cách toàn diện, hệ thống các vấn đề về cơ sở lý luận và thực tiễn của pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài nói chung, các quan hệ sở hữu, thừa kế, hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nói riêng, là hết sức cần thiết và có ý nghĩa thời sự, nhất là trong bối cảnh hiện nay Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan đang tiến hành sửa đổi Bộ luật dân sự. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Từ khi Bộ luật dân sự được Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 8 thông qua (ngày 28 tháng 10 năm 1995), đã có nhiều công trình khoa học của các cá nhân, tập thể và cơ quan nhà nước nghiên cứu về những nội dung cơ bản của Bộ luật. Nhưng liên quan đến các quy định tại Phần thứ bảy của Bộ luật dân sự về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, các luật gia còn quá hạn chế (TS. Hà Hùng Cường viết chương VIII "Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài" trong cuốn Bình luận khoa học một số vấn đề cơ bản của Bộ luật dân sự; TS. Trần Văn Thắng viết chương XI "Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài" trong cuốn Giáo trình Luật dân sự (Tập II) v.v.), chủ yếu nhằm phục vụ mục đích giảng dạy về luật dân sự hoặc tư pháp quốc tế. Cho đến nay, mới có một công trình nghiên cứu khoa học cấp cơ sở của Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp nghiên cứu khái quát về "Hoàn thiện pháp luật về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài" (thuộc Chương trình nghiên cứu chung Việt Nam - Nhật Bản về việc sửa đổi Bộ luật dân sự). Chưa có công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện và có hệ thống các vấn đề cơ sở lý luận và thực tiễn của pháp luật điều chỉnh các sở hữu và quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam hiện nay. Mặt khác, qua 7 năm thi hành Bộ luật dân sự cho thấy, việc thực hiện các quy định của Phần thứ bảy Bộ luật dân sự về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài (từ Điều 826 đến Điều 838) cũng còn nhiều bất cập. Thứ nhất, các quy định tại phần này còn quá chung chung, chủ yếu chỉ dừng lại trên các nguyên tắc xác định pháp luật áp dụng để giải quyết xung đột pháp luật về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, chưa được hướng dẫn chi tiết thi hành. Thứ hai, phạm vi các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, theo lý luận và thực tiễn điều chỉnh pháp luật ở nhiều nước cho thấy, bao gồm rất nhiều quan hệ phát sinh giữa các chủ thể trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế - xã hội. Trong khi đó, Bộ luật dân sự chỉ điều chỉnh một số quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, có những quan hệ chưa được pháp luật điều chỉnh (như quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài). Thứ ba, có sự "vênh nhau" trong việc giải thích giữa quy định tại Điều 15 khoản 4 với quy định tại Điều 17 và Điều 826, đến nay chưa có văn bản pháp luật nào xử lý vấn đề này, cũng như chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào đề cập đến vấn đề này. Thứ tư, thực tiễn của Tòa án Việt Nam khi giải quyết các tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài cho thấy, hầu như chưa bao giờ Tòa án Việt Nam áp dụng điều ước quốc tế, tập quán quốc tế và pháp luật nước ngoài trong quá trình xét xử, khiến cho các quy định giải quyết xung đột pháp luật trong Bộ luật dân sự đơn thuần chỉ tồn tại về mặt hình thức, không phát huy được một cách đầy đủ hiệu lực của Bộ luật dân sự trong thực tiễn. Cho đến nay hầu như chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện về những vấn đề tồn tại, bất cập nêu trên. Vì vậy, đặt vấn đề nghiên cứu về những nội dung này trong đề tài, đặc biệt trên cơ sở lý luận về pháp luật điều chỉnh quan hệ sở hữu và quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài, nhằm góp phần vào việc sửa đổi, bổ sung Phần thứ bảy của Bộ luật dân sự, là điều cần thiết và cũng là mong muốn mà tác giả hướng tới. 3. Mục đích nghiên cứu đề tài Mục đích của việc nghiên cứu đề tài này là nhằm: Thứ nhất, làm rõ một số vấn đề lý luận liên quan đến khái niệm, tính chất, vị trí, vai trò của quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài trong tổng thể các quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của các ngành luật khác nhau, đặc biệt là ngành luật dân sự; về sự cần thiết và phương pháp điều chỉnh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài trong pháp luật Việt Nam (có liên hệ với pháp luật của các nước). Thứ hai, phân tích, đánh giá về pháp luật Việt Nam điều chỉnh một số quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài (chủ yếu từ năm 1986 đến nay), gồm quan hệ sở hữu, quan hệ thừa kế, quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Qua đó rút ra những ưu điểm, tồn tại, bất cập của pháp luật để tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, phù hợp với mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam quản lý xã hội bằng pháp luật. Thứ ba, kiến nghị về phương hướng, giải pháp hoàn thiện và thực hiện các quy phạm pháp luật Việt Nam điều chỉnh các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài nói chung, quan hệ sở hữu, quan hệ thừa kế, quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nói riêng. 4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu của đề tài Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là một phạm trù rộng, gồm nhiều chế định, quy phạm pháp luật phức tạp. Xét về mặt lý luận, thì có thể vừa coi đây là đối tượng điều chỉnh của pháp luật dân sự, vừa là đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế. Trong phạm vi đề tài thuộc chuyên ngành luật dân sự, tác giả chủ yếu tập trung nghiên cứu những vấn đề cơ bản sau đây: Thứ nhất, về cơ sở lý luận và thực tiễn của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, nhằm làm rõ các luận điểm khoa học sau: - Chính sách đối ngoại của Việt Nam với sự hình thành, phát triển các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài và sự cần thiết của việc pháp luật điều chỉnh các quan hệ này ở nước ta hiện nay. - Khái niệm, vị trí, tính chất và ý nghĩa của quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài trong tổng thể các quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật dân sự (trong mối liên hệ với tư pháp quốc tế). - Phương pháp điều chỉnh các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài (qua việc tham khảo pháp luật của các và thực tiễn pháp luật Việt Nam). Thứ hai, về thực trạng pháp luật Việt Nam điều chỉnh một số quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài trong giai đoạn từ 1986 đến nay, bao gồm quan hệ sở hữu có yếu tố nước ngoài, quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài, quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Đây là các quan hệ phổ biến trong đời sống dân sự, có liên quan chặt chẽ với nhau thông qua yếu tố tài sản, là yếu tố quan trọng nhất thường làm phát sinh các tranh chấp trong giao lưu dân sự quốc tế. Đó cũng là yếu tố mà tác giả xác định là chủ đề trung tâm xuyên suốt toàn bộ đề tài nghiên cứu. Thứ ba, về phương hướng hoàn thiện pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, tác giả nêu lên một số quan điểm về phương hướng hoàn thiện pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài nói chung, đồng thời, đưa ra các giải pháp cụ thể về hoàn thiện pháp luật điều chỉnh quan hệ sở hữu và quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài. Cùng với đó và xen kẽ trong các phần liên quan, tác giả cũng nêu lên các giải pháp nhằm bảo đảm việc thi hành các quy định pháp luật về quyền tài sản trong quan hệ vợ chồng, quan hệ cha mẹ và con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, nhất là trong việc giải quyết cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi - vốn là lĩnh vực nhân đạo, nhưng khá nhạy cảm và được dư luận xã hội trong và ngoài nước hết sức quan tâm. 5. Phương pháp nghiên cứu đề tài Luận án được nghiên cứu bằng/và kết hợp các phương pháp chủ yếu như phương pháp duy vật biện chứng và lịch sử của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật; phương pháp phân tích luật học; phương pháp phân tích - so sánh; phương pháp khảo sát, điều tra xã hội học (về nhận thức và thực tiễn áp dụng pháp luật); phương pháp tổng hợp (trên cơ sở phân tích, so sánh và tham khảo pháp luật nước ngoài); phương pháp trích dẫn v.v. Trên cơ sở phương pháp phân tích, tổng hợp, đánh giá về cơ sở lý luận và thực tiễn của pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, đặc biệt đánh giá, phân tích về thực trạng pháp luật Việt Nam điều chỉnh một số quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đã lựa chọn, tác giả rút ra những ưu điểm, tồn tại trong việc thi hành pháp luật, từ đó đề ra các giải pháp cụ thể nhằm sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật. Thông qua việc sử dụng các kết quả khảo sát, điều tra và tham khảo thực tiễn pháp luật và kinh nghiệm nước ngoài, cũng như các lớp tập huấn, hội nghị, tọa đàm khoa học trong và ngoài nước, tác giả đưa ra những thông tin, số liệu, dữ kiện trung thực, làm căn cứ cho các đánh giá, nhận định xác đáng về tình hình nhận thức, thi hành và áp dụng pháp luật liên quan đến quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Qua đó, nắm được những diễn biến phức tạp nảy sinh trong quá trình thi hành pháp luật để từ đó có các giải pháp khắc phục hợp lý. Bằng phương pháp mô hình và lượng hóa, liên hệ, tổng quát và dự báo, phần kiến nghị của luận án đưa ra những quan điểm về phương hướng hoàn thiện pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài; đồng thời trên các mức độ khác nhau, kiến nghị về các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật điều chỉnh quan hệ sở hữu, quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài, cũng như bảo đảm thi hành đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài hiện nay đã được pháp luật điều chỉnh tương đối toàn diện. 6. Những đóng góp mới về khoa học của luận án Với tính cách là một trong những công trình khoa học đầu tiên (thuộc chuyên ngành luật dân sự) nghiên cứu một cách khá toàn diện, có hệ thống các vấn đề về cơ sở lý luận và thực tiễn của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ mang lại những đóng góp mới về khoa học pháp lý như sau: Thứ nhất, trên cơ sở nghiên cứu, phân tích và ứng dụng khái niệm "quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài" đã được pháp luật quy định, tác giả đưa ra khái niệm (mới) về quan hệ sở hữu có yếu tố nước ngoài, quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài. Việc đưa ra các khái niệm này trong tình hình hiện nay là cần thiết, góp phần quan trọng vào công tác nghiên cứu và giảng dạy về pháp luật dân sự cũng như tư pháp quốc tế, củng cố cho nền khoa học pháp lý nước ta, cũng như phục vụ tích cực cho việc sửa đổi Phần thứ bảy của Bộ luật dân sự về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đang diễn ra hiện nay. Thứ hai, khẳng định trên cơ sở khoa học về mối quan hệ biện chứng giữa chính sách ngoại giao rộng mở của Việt Nam với sự phát triển các giao lưu dân sự quốc tế, đặt tiền đề cho sự điều chỉnh các quan hệ này bằng phương pháp xung đột, phù hợp với thông lệ quốc tế. Thông qua đó, góp phần khẳng định những thành tựu quan trọng của công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Thứ ba, khẳng định mối liên hệ chặt chẽ giữa các quan hệ sở hữu, quan hệ thừa kế, quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài thông qua yếu tố tài sản - yếu tố quan trọng nhất có giá trị chi phối và dễ làm phát sinh các tranh chấp trong giao lưu dân sự quốc tế. Chính điều này góp phần tạo nên phương pháp điều chỉnh riêng biệt của pháp luật dân sự trong mối tương quan với tư pháp quốc tế, nhằm giải quyết xung đột pháp luật về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Đồng thời, nó còn là tiền đề cho yêu cầu về việc hoàn thiện pháp luật điều chỉnh các quan hệ đã lựa chọn. Thứ tư, làm rõ các luận điểm khoa học về cơ sở lý luận và thực tiễn của pháp luật điều chỉnh quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài ở nước ta hiện nay, đặc biệt trong mối tương quan với các quan hệ sở hữu, quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Điều chỉnh pháp luật đối với quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài thực sự là vấn đề cấp bách. Nhưng từ khi Bộ luật dân sự được thông qua cho đến nay, chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu về vấn đề này. Thứ năm, khẳng định trên cơ sở khoa học về điều kiện bảo đảm thi hành pháp luật về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài theo hướng hội đủ ba loại quy phạm pháp luật (tam quy): quy phạm luật xung đột, quy phạm luật nội dung và quy phạm luật thủ tục. Chừng nào pháp luật còn thiếu một trong những loại quy phạm đó, thì chừng ấy việc thực hiện pháp luật về các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn. Thứ sáu, khẳng định bản chất tiến bộ, dân chủ và ngày càng phù hợp với thông lệ quốc tế của pháp luật dân sự Việt Nam điều chỉnh các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Thông qua đó, đề cao vai trò của pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, góp phần ổn định các quan hệ xã hội dân sự, phục vụ tích cực công cuộc đổi mới đất nước. Thứ bảy, làm rõ về sự cần thiết hoàn thiện và thực hiện quy chế pháp lý dân sự đối với người nước ngoài ở Việt Nam trên cơ sở chế độ đãi ngộ như công dân trong các quan hệ sở hữu, quan hệ thừa kế, quan hệ hôn nhân và gia đình - chế độ pháp lý cao nhất dành cho người nước ngoài được hưởng. Bên cạnh đó, cũng cần tiến tới xóa bỏ những hạn chế, phân biệt đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong các lĩnh vực dân sự nói chung và trong quan hệ sở hữu, quan hệ thừa kế, quan hệ hôn nhân và gia đình nói riêng. 7. Kết cấu của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung luận án gồm 3 chương, 8 tiết.

doc211 trang | Chia sẻ: tuandn | Lượt xem: 3410 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận án Cơ sở lý luận và thực tiễn của pháp luật điều chỉnh một số quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài ở nước ta hiện nay, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Luận văn liên quan