Luận văn Định hướng chiến lược và các giải pháp chủ yếu nhằm phát triển ngoại thương Việt Nam trong thời gian tới
1. Sự cần thiết nghiên cứu đề tài Họat động của ngành ngoại thương Việt nam ngày càng phát triển vượt bậc, nhất là từ sau khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới. Ngoại thương Việt nam thời gian qua đã đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế của đất nước và phần nào tác động mạnh mẽ vào thực hiện quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi và phát triển trong điều kiện kinh tế thị trường, ngoại thương Việt nam đã gặp phải không ít những bất cập so với yêu cầu phát triển của thực tiễn. Nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp bách của giới nghiên cứu và quản lý nhà nước đối với việc phát triển ngoại thương là phải tập trung nghiên cứu các vấn đề lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm của các nước, đồng thời cần tổng kết ngay những vấn đề thực tiễn nảy sinh trong quá trình hoạt động của ngoại thương Việt nam, lấy đó làm luận cứ khoa học cho việc định ra một chiến lược phát triển ngoại thương đúng đắn và năng động phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, để nó trở thành động lực trực tiếp cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước đang trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng đã được Đảng Cộng Sản Việt Nam đề ra tại Đại hội lần thứ IX (tháng 4/2001) cho các hoạt động kinh tế đối ngoại và ngoại thương cần đạt được. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Vấn đề hoạt động và định hướng chiến lược phát triển thương mại nói chung, của ngoại thương Việt nam nói riêng, đã có nhiều công trình nghiên cứu ở các góc độ, các mức độ và cấp độ khác nhau, nhưng ở mỗi công trình nghiên cứu ở các thời kỳ khác nhau đòi hỏi mục đích, đối tượng và phạm vi nghiên cứu khác nhau, nên kết quả nghiên cứu khác nhau. Đó là công trình nghiên cứu đã được công bố, như: công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu của một số nước châu á công nghiệp mới (tác giả Hoàng Thanh Nhàn, 1992), Vai trò của Chính phủ trong quá trình công nghiệp hóa về xuất khẩu của một số nước ASEAN (tác giả Đinh Thị Thơm,1996), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về mối quan hệ giữa ngoại thương với tăng trưởng và phát triển kinh tế của Việt nam trong điều kiện kinh tế mở (tác giả Trần Anh Phương,1996), Chiến lược phát triển thương mại trên địa bàn thành phố Hà nội trong giai đoạn hiện nay (tác giả Nguyễn Văn Tuấn, 2002), Đổi mới và hoàn thiện quản lý Nhà nước về thương mại trên thị trường nội địa nước ta thời kỳ đến 2010 (Đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước của Bộ Thương mại, 2002) và một số tác phẩm khác. Trong phạm vi đề tài được nghiên cứu này, tác giả hy vọng có thể hệ thống hoá, khái quát hoá cả về lý luận và thực tiễn chiến lược phát triển ngoại thương Việt nam trong điều kiện kinh tế thị trường góp phần phát triển ngoại thương Việt nam nhằm thực hiện các mục tiêu chiến lược tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước. 3. Mục đích nghiên cứu của luận văn ã Hệ thống hoá những vấn đề lý luận cơ bản và kinh nghiệm thực tiễn của một số nước trên thế giới về chiến lược phát triển ngoại thương. ã Phân tích, đánh giá thực trạng quá trình phát triển ngoại thương Việt nam trong thời kỳ vừa qua, nhất là từ năm 1986 đến nay. ã Đề xuất một số kiến nghị chủ yếu và luận giải các vấn đề cơ bản về chiến lược phát triển ngoại thương Việt nam trong những năm tới. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Dưới góc độ kinh tế chính trị học, đối tượng nghiên cứu của đề tài là những vấn đề cơ bản ở tầm vĩ mô của hoạt động ngoại thương, cho nên các vấn đề được đưa ra xem xét, phân tích chủ yếu là về quan điểm lý luận, đường lối chính sách và chiến lược phát triển ngoại thương. Phạm vi nghiên cứu của đề tài là quá trình phát triển của ngoại thương Việt nam trong thời kỳ mở của và hội nhập cửa nền kinh tế Việt nam vào nền kinh tế thế giới, mà chủ yếu từ sau năm 1986 đến nay. Luận văn cũng có đề cập đến chiến lược phát triển ngoại thương của một số nước có những điều kiện giống Việt nam, tác giả chọn lọc những kinh nghiệm này giới thiệu cho quá trình hoạch định chiến lược phát triển, vận dụng nó vào thực tế phát triển ngoại thương Việt nam. 5. Phương pháp nghiên cứu Đề tài được nghiên cứu bằng việc sử dụng phép duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, đồng thời kết hợp chặt chẽ với phương pháp: khái quát hoá, trừu tượng hoá và cụ thể hoá trong quá trình phân tích, đánh giá, xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược phát triển ngoại thương Việt nam trong những năm tới. Phương pháp phân tích được sử dụng trong luận văn là phương pháp diễn dịch và quy nạp, phân tích kinh tế- thống kê, phương pháp phân tích thông tin và đồ thị 6. Dự kiến những đóng góp mới của luận văn Luận văn sẽ hệ thống hoá những lý luận cơ bản về chiến lược phát triển ngoại thương trong nền kinh tế thị trường. Trên cơ sở tổng hợp, phân tích và đánh giá thực trạng vận động của ngoại thương Việt nam trong những năm qua, căn cứ vào xu thế phát triển của kinh tế Việt nam trong bối cảnh hiện nay, luận văn sẽ đề xuất định hướng và một số giải pháp cơ bản trong chiến lược phát triển ngoại thương Việt nam trong những năm tới. 7. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận văn được chia thành 3 chương: Chương 1: Một số vấn đề chung về thương mại quốc tế Chương 2: Ngoại thương Việt nam trong những năm qua Chương 3: Định hướng chiến lược và các giải pháp chủ yếu nhằm phát triển ngoại thương Việt nam trong thời gian tới