Vấn đề bảo vệ môi trường để phát triền cho các thế hệ hôm nay và cả những thế
hệ mai sau, tức là phát triển bền vững, đã trở thành một trào lưu rộng lớn của toàn
nhân loại. Gần đây nhất, hội nghị thượng đỉnh về phát triển bền vững được tổ chức tại
Johannesburg (Nam Phi) năm 2002 đã tổng kết các vấn đề về môi trường và phát
triển trên thế giới trong những năm qua và đưa ra các chương trình hành động cụ thể.
Từ năm 2000, công cuộc bảo vệ môi trường đã gắn liền với các hoạt động chính trị
nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề môi trường.
Vấn đề giáo dục môi trường cũng đang là vấn đề phát triển trước mắt và lâu dài
của mọi xã hội trên con đường phát triển bền vững. Giáo dục môi trường có thể được
thông qua nhiều hình thức khác nhau, song giáo dục môi trường ở trường phổ thông
chiếm vị trí đặc biệt, vì đây là nơi đào tạo thế hệ trẻ, những người chủ tương lai của
đất nước
139 trang |
Chia sẻ: duongneo | Lượt xem: 1484 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Du lịch sinh thái với việc giáo dục môi trường cho học sinh thpt tại thành phố Hồ Chí Minh, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------------------------
Nguyễn Thị Minh Hà
DU LỊCH SINH THÁI VỚI VIỆC GIÁO DỤC
MÔI TRƯỜNG CHO HỌC SINH THPT TẠI
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Chuyên ngành: Địa lý kinh tế - xã hội
Mã số: 60 31 95
LUẬN VĂN THẠC SĨ ĐỊA LÝ HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS.TS PHẠM XUÂN HẬU
Thành phố Hồ Chí Minh-2007
LỜI CẢM ƠN
Sau bao tháng ngày miệt mài học tập, nghiên cứu, hôm nay đã kết thúc khoá học,
và cũng kết thúc đề tài Luận văn “ DU LỊCH SINH THÁI VỚI VIỆC GIÁO DỤC
MÔI TRƯỜNG CHO HỌC SINH THPT TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ”. Thật
nhiều cảm xúc, em xin bày tỏ lòng kính trọng và tri ân sâu sắc:
Tất cả các Thầy Cô phụ trách khoá học, các Thầy Cô trong Khoa Địa Lý trường
Đại Học Sư Phạm thành phố Hồ Chí Minh, đã tận tình giảng dạy, hướng dẫn, giúp đỡ
em trong suốt khoá học.
Thầy PGS.TS Phạm Xuân Hậu đã giảng dạy và hướng dẫn em trong quá trình học
và hoàn thành Luận văn.
Ban Giám Hiệu nhà trường, Phòng Khoa Học Công nghệ sau Đại Học đã tạo điều
kiện thuận lợi cho Học viên trong việc học tập, nghiên cứu và hoàn thành Luận văn
tốt nghiệp.
Cùng lời cảm ơn chân thành đến các Thầy Cô, Đồng nghiệp, Bạn bè, Gia đình đã
có nhiều sự giúp đỡ, đóng góp ý kiến và tạo mọi điều kiện thuận lợi để tôi có thể
hoàn thành tốt khoá học và Đề tài nghiên cứu.
Thành phố Hồ Chí Minh tháng 8/2007
Tác giả Luận văn
Nguyễn thị Minh Hà
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT
BTTN : Bảo tồn thiên nhiên
BVMT : Bảo vệ môi trường
DLST : Du lịch sinh thái
DTSQ : Dự trữ sinh quyển
ĐDSH : Đa dạng sinh học
GDBT : Giáo dục bảo tồn
HST : Hệ sinh thái
IUCN : Hiệp hội quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên
RNM : Rừng ngập mặn
TCV : Thảo Cầm Viên
TCVSG : Thảo Cầm Viên Sài Gòn
THPT : Trung học phổ thông
UNEP : Chương trình môi trường của Liên Hiệp Quốc
VQG : Vườn quốc gia
DANH MỤC BẢNG BIỂU
Trang
Biểu đồ 2.1: Số lượng học sinh - sinh viên đến tham gia
chương trình từ năm 1999 - 2006 38
Bảng 2.2: Các loài động vật có xương sống trên cạn hiện diện
ở khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu 45
Bảng 2.3: Những địa điểm thường được tham quan 63
Bảng 3.1: Nội dung chương trình Giáo Dục Bảo Tồn và Bảo
Vệ Môi Trường tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn 73
DANH MỤC BẢN ĐỒ
Trang
Bản đồ 2.1. Khu BTTN rừng ngập mặn Cần Giờ 39
Bản đồ 2.2. Một số điểm DLST ở Tiền Giang 48
Bản đồ 2.3. Một số điểm DLST ở vùng Nam Trung Bộ 56
Bản đồ 2.4. Bản đồ vị trí hành chánh Vườn quốc gia Cát Tiên 57
Sơ đồ 2.5. Khu du lịch sinh thái Mađagui 60
DANH MỤC HÌNH ẢNH
Trang
Hình 1.1. Sơ đồ cấu trúc du lịch sinh thái 11
Hình 1.2. Nội dung bảo vệ môi trường 23
Hình 1.3. Mô hình của việc dạy và học trong GDMT 27
Hình 2.1. Một số loài động thực vật quý hiếm tại TCV 35
Hình 2.2. Một số hình ảnh về rừng ngập mặn Cần Giờ 43
Hình 2.3. Quan hệ giữa chế độ ngập triều, thể nền và phân bố loài cây 41
Hình 2.4. Sơ đồ phân bố các hội đoàn rừng Sác vùng Duyên Hải
thành phố Hồ Chí Minh 42
Hình 2.5. Một số hình ảnh về khu du lịch Bình Châu –
Phước Bửu 47
Hình 2.6. Một số hình ảnh về các điểm du lịch ở Tiền Giang 52
Hình 2.7. Một số hình ảnh về các điểm du lịch ở Vĩnh Long 54
Hình 2.8. Một số hình ảnh về rừng quốc gia Cát Tiên 58
Hình 2.9. Một số loài động vật quý hiếm trong khu rừng già
nguyên sinh 58
Hình 2.10. Một số cảnh quan tại khu du lịch Mađagui 62
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Vấn đề bảo vệ môi trường để phát triền cho các thế hệ hôm nay và cả những thế
hệ mai sau, tức là phát triển bền vững, đã trở thành một trào lưu rộng lớn của toàn
nhân loại. Gần đây nhất, hội nghị thượng đỉnh về phát triển bền vững được tổ chức tại
Johannesburg (Nam Phi) năm 2002 đã tổng kết các vấn đề về môi trường và phát
triển trên thế giới trong những năm qua và đưa ra các chương trình hành động cụ thể.
Từ năm 2000, công cuộc bảo vệ môi trường đã gắn liền với các hoạt động chính trị
nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề môi trường.
Vấn đề giáo dục môi trường cũng đang là vấn đề phát triển trước mắt và lâu dài
của mọi xã hội trên con đường phát triển bền vững. Giáo dục môi trường có thể được
thông qua nhiều hình thức khác nhau, song giáo dục môi trường ở trường phổ thông
chiếm vị trí đặc biệt, vì đây là nơi đào tạo thế hệ trẻ, những người chủ tương lai của
đất nước.
Một khi ống khói của các nhà máy, xí nghiệp ngày càng vươn cao nhiều hơn trên
bầu trời, dân số không ngừng gia tăng, đô thị hoá và tập trung dân cư đông đúc, khói
bụi giao thôngđang là vấn nạn thì nhu cầu tìm về với thiên nhiên là điều tất yếu. Vì
thế du lịch nói chung và du lịch sinh thái nói riêng đang phát triển mạnh mẽ trên thế
giới, và Việt nam cũng nằm trong xu thế đó.
Trong nhà trường, hoạt động du lich hiện nay cũng đang phát triển rất mạnh. Đây
là hoạt động ngoại khoá rất hấp dẫn, thu hút sự tham gia đông đảo của nhiều học sinh.
Đây có thể là một công cụ khá tốt để có thề lồng vào những nội dung giáo dục môi
trường, nâng cao nhận thức thực tế cho học sinh; đồng thời qua đó kết hợp với việc
ứng dụng các bài học lý thuyết trên lớp và hình thành ý thức bảo vệ môi trường tự
nhiên lẫn môi trường nhân văn cho học sinh. Bên cạnh các hình thức khác, giáo dục
môi trường qua hoạt động du lịch sinh thái (DLST) là một hình thức hấp dẫn, sinh
động, lý thú, và đạt hiệu quả cao. Đó cũng chính là lý do của đề tài nghiên cứu.
2. Lịch sử đề tài
Vấn đề DLST đối với mọi người nói chung và đối với học sinh nói riêng không
còn là vấn đề quá mới mẻ. Nhưng qua các tour DLST, học sinh học được điều gì, và
có ý thức, trách nhiệm như thế nào trong vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ các yếu tố
sinh thái vẫn chưa được đặt ra cụ thể. Nhiều học sinh vẫn nghĩ đi du lịch là để giải trí,
vui chơi thoải mái sau những giờ học căng thẳng. Đề tài này muốn nghiên cứu sâu
hơn tác động của DLST với việc giáo dục môi trường đối với đối tượng đặc biệt là
học sinh, để từ đó có những cách thức tổ chức phù hợp và có hiệu quả.
3. Mục đích nghiên cứu
_ Đề tài củng cố cơ sở lý luận cho việc xây dựng các tour DLST phục vụ việc giáo
dục môi trường cho học sinh THPT.
_ Nghiên cứu hiện trạng một số điểm DLST với việc giáo dục môi trường cho học
sinh THPT ở thành phố Hồ Chí Minh.
_ Xây dựng và định hướng phát triển các điểm, tour DLST để thực hiện giáo dục
môi trường cho học sinh THPT ở thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói
chung.
4. Phạm vi đề tài
Không gian nghiên cứu của đề tài mở rộng từ TP.Hồ Chí Minh ra một số điểm
DLST ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, phù hợp với đối tượng học sinh THPT tại TP.Hồ
Chí Minh.
5. Nhiệm vụ của đề tài
_ Tìm hiểu các điểm, các tour DLST điển hình trong cả nước nói chung và ở thành
phố Hồ Chí Minh và các vùng phụ cận nói riêng.
_ Kết hợp các tour DLST tiêu biểu với việc giáo dục môi trường cho đối tượng du
lịch là học sinh phổ thông.
_ Qua hoạt động DLST, bổ sung kiến thức, hình thành ý thức và trách nhiệm bảo
vệ môi trường cho học sinh ở khu DLST nói riêng và môi trường sống nói chung.
6. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
6.1. Phương pháp luận: dựa trên quan điểm tổng hợp, quan điểm hệ thống, quan
điểm phát triển bền vững.
6.1.1. Quan điểm tổng hợp:
Mọi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và xã hội không hiện diện riêng lẻ mà có
liên quan mật thiết với nhau. Vì thế nghiên cứu bất cứ lãnh vực nào trong tự nhiên, xã
hội cũng phải xem xét trên quan điểm tổng hợp với những mối liên hệ đan xen, nhân
quả. Vấn đề phát triển du lịch sinh thái với giáo dục môi trường là hai mặt không thể
tách rời và đều được xem xét trong mối liên hệ với các yếu tố môi trường chung
quanh (môi trường tự nhiên và môi trường xã hội).
6.1.2. Quan điểm hệ thống:
Du lịch nói chung, du lịch sinh thái nói riêng bản thân nó đã là một hệ thống phức
tạp từ nhỏ đến lớn, từ gần đến xa. Một điểm đến không bao giờ tồn tại riêng rẽ mà kết
hợp đồng thời với nhiều yếu tố khác: tự nhiên, xã hội, cơ sở hạ tầng, chính sách phát
triển Vì thế sử dụng quan điểm hệ thống để nghiên cứu đề tài là điều kiện cần thiết
để giải quyết vấn đề.
6.1.3. Quan điểm phát triển bền vững:
Phát triển bền vững cho hôm nay và cho cả những thế hệ tương lai là yêu cầu bức
thiết của mọi quốc gia và lãnh thổ hiện nay. Nghiên cứu du lịch sinh thái là hướng tới
sự phát triển du lịch bền vững và bản thân nó cũng bao gồm cả vấn đề giáo dục môi
trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và phát triển cộng đồng.
6.2. Phương pháp nghiên cứu: sử dụng các phương pháp thu thập, xử lý tài liệu;
phương pháp điều tra xã hội học; phương pháp thống kê; phương pháp bảng biểu, bản
đồ; phương pháp khảo sát thực địa.
6.2.1. Phương pháp thu thập, xử lý tài liệu
Đây là phương pháp được áp dụng đầu tiên trong quá trình làm đề tài, thu thập,
thanh lọc những đề tài theo nội dung, yêu cầu cần tìm hiểu, sắp xếp theo từng đề
mục, so sánh, đối chiếu các tài liệu và chọn lọc, xử lý.
6.2.2. Phương pháp điều tra xã hội học
Là phương pháp quan trọng trong nghiên cứu khoa học. Việc thu thập thông tin
qua các cuộc phỏng vấn, khảo sát nhiều đối tượng, nhiều trường giúp cho việc thực
hiện đề tài được khách quan mà quan sát của một người không thể có được.
6.2.3. Phương pháp thống kê
Sau khi thu thập được nhiều dữ liệu, thống kê theo từng đề mục, nội dung cần
nghiên cứu.
6.2.4. Phương pháp bảng biểu, bản đồ
Đây là phương pháp đặc trưng của môn Địa, một số nội dung được trình bày trên
các bảng biểu, các địa danh được thể hiện trên bản đồ để làm rõ hơn những nội dung
được đề cập đến trong đề tài.
6.2.5. Phương pháp khảo sát thực địa
Đây là phương pháp cần thiết để đề tài nghiên cứu mang tính thực tế và khả thi.
Tuy vậy, do còn hạn chế về thời gian và điều kiện nên việc khảo sát thực địa chỉ được
tiến hành ở một số nơi tiêu biểu (như Thảo Cầm Viên, Củ Chi, Bình Châu, Vũng Tàu,
Tiền Giang, Vĩnh Long, Ma đa gui).
7. Cấu trúc Luận văn
Luận Văn gồm:
Mở đầu
Nội dung
Chương 1: Cơ sở lý luận chung.
Chương 2: Thực trạng phát triển du lịch sinh thái với việc giáo dục môi trường
cho học sinh THPT ở TP.Hồ Chí Minh.
Chương 3: Định hướng tổ chức các tour du lịch sinh thái với việc giáo dục môi
trường cho học sinh THPT.
Kết luận
CHƯƠNG 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN CHUNG
1.1. Một số khái niệm
1.1.1. Khái niệm về du lịch
1.1.1.1. Du lịch
a. Khái niệm du lịch
Ngày nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, du lịch đã trở thành nhu cầu không
thể thiếu được trong đời sống văn hoá – xã hội. Xã hội càng phát triển thì nhu cầu du
lịch ngày càng cao. Hoạt động du lịch đang được phát triển mạnh mẽ và trở thành
một ngành kinh tế quan trọng ở nhiều nước trên thế giới.
Thuật ngữ “du lịch” bắt nguồn từ tiếng Pháp: “Tour” nghĩa là đi vòng quanh,
cuộc dạo chơi. Du lịch gắn liền với việc nghỉ ngơi, giải trí nhằm hồi phục, nâng cao
sức khỏe và khả năng lao động của con người, liên quan mật thiết đến sự chuyển chỗ
của họ. Đầu tiên, du lịch được hiểu là việc đi lại của từng cá nhân hoặc một nhóm
người rời khỏi chỗ ở của mình trong khoảng thời gian ngắn đến các vùng xung quanh
để nghỉ ngơi, giải trí hay chữa bệnh. Ngày nay, người ta đã thống nhất rằng về cơ
bản, tất cả các hoạt động di chuyển của con người ở trong hay ngoài nước, trừ việc đi
cư trú chính trị, tìm việc làm và xâm lược, đều mang ý nghĩa du lịch. Du lịch còn
nhằm thoả mãn những nhu cầu to lớn về mặt tinh thần, tăng cường sự hiểu biết, mối
quan hệ, tình hữu nghị giữa các dân tộc, các vùng
Du lịch phát triển đòi hỏi phải phát triển và mở rộng các ngành kinh tế khác để
phục vụ cho nhu cầu du lịch như giao thông vận tải, thiết bị điện, hàng tiểu thủ công
nghiệp, nông nghiệp, khách sạn, nhà hàng, các tổ hợp dịch vụ
Về phương diện lãnh thổ, du lịch cũng có những tác động nhất định, đặc biệt đối
với các vùng xa xôi, vùng kinh tế chậm phát triển nhưng có nhiều tiềm năng lôi cuốn
khách du lịch. Bộ mặt nền kinh tế của vùng dần dần được thay đổi tuỳ thuộc vào số
lượng khách đến.
Theo I.I.Pirôgionic (1985), thuật ngữ du lịch chuyển tải 3 nội dung cơ bản: cách
thức sử dụng thời gian rỗi bên ngoài nơi cư trú thường xuyên; dạng chuyển cư đặc
biệt; ngành kinh tế, một trong những ngành thuộc lĩnh vực phi sản xuất nhằm phục vụ
các nhu cầu văn hoá – xã hội của nhân dân. Vì thế, khái niệm du lịch có thể được xác
định như sau:
Du lịch là một dạng hoạt động của dân cư trong thời gian rỗi liên quan với sự di
chuyển và lưu lại tạm thời bên ngoài nơi cư trú thường xuyên nhằm nghỉ ngơi, chữa
bệnh, phát triển thể chất và tinh thần, nâng cao trình độ nhận thức – văn hoá hoặc
thể thao kèm theo việc tiêu thụ những giá trị về tự nhiên, kinh tế và văn hoá.
(I.I.Pirôgionic, 1985).
b. Tài nguyên du lịch
Du lịch là một trong những ngành có sự định hướng tài nguyên rõ rệt. Tài nguyên
du lịch ảnh hưởng trực tiếp đến tổ chức lãnh thổ của ngành du lịch, đến việc hình
thành, chuyên môn hoá các vùng du lịch và hiệu quả kinh tế của hoạt động dịch vụ.
Tài nguyên du lịch là tổng thể tự nhiên và văn hoá - lịch sử cùng các thành phần
của chúng góp phần khôi phục và phát triển thể lực và trí lực của con người, khả năng
lao động và sức khỏe của họ, những tài nguyên này được sử dụng cho nhu cầu trực
tiếp và gián tiếp, cho việc sản xuất dịch vụ du lịch.
Tài nguyên du lịch có thể chia làm 2 nhóm:
_ Tài nguyên tự nhiên: gồm địa hình, khí hậu, nguồn nước, động thực vật.
_ Tài nguyên nhân văn: gồm các di tích lịch sử - văn hoá, kiến trúc; các lễ hội; các
đối tượng du lịch gắn với dân tộc học; các đối tượng văn hóa - thể thao và hoạt động
nhận thức khác.
1.1.1.2. Du lịch sinh thái
a. Khái niệm du lịch sinh thái
Ngày nay, xu hướng chung của toàn thế giới coi du lịch nói chung, du lịch sinh
thái (DLST) nói riêng như là nguồn tài nguyên quý giá. DLST đã và đang trên đà trở
mình và đã trở nên phổ biến đối với những người yêu thiên nhiên, nó xuất phát từ các
trăn trở về môi trường, kinh tế và xã hội - một trong những cách thức để trả nợ cho
môi trường tự nhiên và làm tăng giá trị của các khu bảo tồn thiên nhiên còn lại.
Du lịch sinh thái (DLST) là một khái niệm tương đối mới và rộng. DLST bắt
nguồn từ du lịch thiên nhiên và du lịch ngoài trời. Có người cho rằng DLST là sự kết
hợp ý nghĩa của hai khái niệm “du lịch” và “sinh thái”
Năm 1993, Lindberg và Hawkins đã đưa ra một định nghĩa phản ánh khá đầy đủ
về nội dung và chức năng của DLST : “DLST là du lịch có trách nhiệm với các khu
thiên nhiên, là công cụ để bảo tồn môi trường và cải thiện phúc lợi cho nhân dân địa
phương”.
Tổ chức Bảo vệ thiên nhiên thế giới (IUCN) cũng đưa ra định nghĩa đầy đủ hơn:
“DLST là tham quan và du lịch có trách nhiệm với môi trường tại các điểm tự nhiên
không bị tàn phá để thưởng thức thiên nhiên và các đặc điểm văn hóa đã tồn tại
trong quá khứ hoặc đang hiện hành, qua đó khuyến khích hoạt động bảo vệ, hạn chế
những tác động tiêu cực do khách tham quan gây ra, và tạo ra ích lợi cho những
người dân địa phương tham gia tích cực” (Ceballos-Lascurain, 1996).
Ở Việt Nam, trong lần hội thảo về “Xây dựng chiến lược phát triển DLST ở Việt
Nam” từ 7/9/1999 đến 9/9/1999 đã đưa ra định nghĩa về DLST là : “DLST là loại
hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa, gắn với giáo dục môi trường, có
đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, với sự tham gia tích cực của
cộng đồng địa phương”.
Ngoài những khái niệm và định nghĩa trên còn có một số định nghĩa mở rộng hơn
về nội dung của DLST:
“DLST là sự tạo nên và thỏa mãn sự khao khát thiên nhiên, là sự khai thác các
tiềm năng du lịch cho bảo tồn và phát triển và là sự ngăn ngừa các tác động tiêu cực
lên sinh thái, văn hóa và thẩm mỹ”.
“DLST là du lịch vào những khu tự nhiên hầu như không bị ô nhiễm hoặc ít bị xáo
trộn với mục tiêu đặc biệt: nghiên cứu, thưởng ngoạn, trân trọng khung cảnh và
muông thú hoang dã và các biểu thị văn hóa được khám phá trong các khu vực này”.
(Cebllos-Lascurain, H, 1987)
“DLST là du lịch có mục đích với các khu tự nhiên, hiểu biết về lịch sử văn hóa và
lịch sử tự nhiên của môi trường, không làm biến đổi tình trạng của hệ sinh thái, đồng
thời ta có cơ hội để phát triển kinh tế, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và lợi ích
tài chính cho cộng đồng địa phương”. (Hiệp hội DLST Hoa Kỳ, 1998)
“DLST là một hình thức du lịch dựa vào thiên nhiên và định hướng về môi trường
tự nhiên và nhân văn, được quản lý một cách bền vững và có lợi cho sinh thái” (Hiệp
hội DLST Australia)
“DLST là một loại hình du lịch lấy các hệ sinh thái đặc thù, tự nhiên làm đối
tượng để phục vụ cho những khách du lịch yêu thiên nhiên, du ngoạn, thưởng thức
những cảnh quan hay nghiên cứu về các hệ sinh thái. Đó cũng là hình thức kết hợp
chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế du lịch với giới thiệu về những cảnh đẹp của
quốc gia cũng như giáo dục tuyên truyền và bảo vệ, phát triền môi trường và tài
nguyên thiên nhiên một cách bền vững” (Lê Huy Bá-2000)
Lịch sử nhân loại đã chỉ ra rằng: quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, một mặt
góp phần vào việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân; mặt
khác, nó cũng gây ra những “vấn đề” cho môi trường sinh thái: tài nguyên sinh vật
và đa dạng sinh học đã và đang bị đe dọa đến mức báo động, các dạng tài nguyên môi
trường đất, nước, không khí cũng đang trên đà suy thoái và ô nhiễm.
Cho đến nay, khái niệm DLST vẫn còn được hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau,
với những tên gọi khác nhau. Mặc dù, những tranh luận vẫn còn đang diễn tiến nhằm
tìm ra một định nghĩa chung nhất về DLST, nhưng đa số ý kiến của các chuyên gia
hàng đầu về DLST đều cho rằng DLST là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, hỗ
trợ cho các hoạt động bảo tồn và được nuôi dưỡng, quản lý theo hướng bền vững về
mặt sinh thái. Du khách sẽ được hướng dẫn tham quan với những diễn giải cần thiết
về môi trường để nâng cao hiểu biết, cảm nhận được giá trị thiên nhiên và văn hóa
mà không gây ra những tác động không thể chấp nhận đối với các hệ sinh thái và văn
hóa bản địa. DLST nói theo một định nghĩa nào chăng nữa thì nó phải hội đủ các yếu
tố: (1) sự quan tâm tới thiên nhiên và môi trường; (2) trách nhiệm với xã hội và cộng
đồng.
Khái quát lại, có thể coi DLST là loại hình du lịch có những đặc tính cơ bản:
_ Phát triển dựa vào những giá trị của thiên nhiên và văn hoá bản địa.
_ Được quản lý bền vững về môi truờng sinh thái.
_ Có giáo dục và diễn giải về môi trường.
_ Có đóng góp cho những nỗ lực bảo tồn và phát triển cộng đồng.
Khái niệm về DLST có thể được biểu diễn bằng sơ đồ sau:
Hình 1.1: Sơ đồ cấu trúc du lịch sinh thái
(Theo Phạm Trung Lương)
b. Tài nguyên du lịch sinh thái
b.1 Tài nguyên du lịch sinh thái
Tài nguyên trong DLST được phân thành tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân
văn (có quan hệ mật thiết với các nhân tố con người và xã hội).
“Tài nguyên DLST là các yếu tố cơ bản để hình thành các điểm, các tuyến hoặc
các khu DLST; bao gồm các cảnh quan thiên nhiên, các di tích lịch sử, giá trị nhân
văn, các công trình sáng tạo của nhân loại có thể được sử dụng nhằm thoả mãn cho
nhu cầu về DLST.”
Lấy thiên nhiên và văn hoá bản địa làm cơ sở để phát triển, tài nguyên DLST là
một bộ phận cấu thành trong tài nguyên du lịch, bao gồm các giá trị của tự nhiên thể
hiện trong một hệ sinh thái (HST) cụ thể và các giá trị văn hoá bản địa tồn tại và phát
triển không tách rời khỏi hệ sinh thái tự nhiên đó.
Tài nguyên DLST rất đa dạng và phong phú. Một số loại tài nguyên DLST chính
thường được khai thác và phục vụ nhu cầu du khách bao gồm:
_ Các hệ sinh thái tự nhiên đặc thù, đặc biệt là nơi có tính đa dạng sinh học cao
với nhiều loại sinh vật đặc hữu, quý hiếm (các vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên
nhiên (BTTN), các khu dự trữ sinh quyển (DTSQ)).
_ Các hệ sinh thái nông nghiệp (vườn cây ăn trái, làng hoa).
_ Các