Luận văn Một số biện pháp xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý trường tiểu học Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An trong giai đoạn hiện nay

1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI: Khi bàn đến vai trò của giáo dục đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, khoá họp lần thứ 27 năm 1993 của UNESCO tại Pháp khẳng định: "Giáo dục là chìa khoá tiến tới một xã hội tốt hơn, vai trò của giáo dục là phát triển tiềm năng của con người, giáo dục là đòn bẩy mạnh mẽ nhất để tiến vào tương lai, giáo dục là quyền cơ bản nhất của con người, giáo dục là điều kiện tiên quyết để thực hiện nhân quyền, dân chủ, hợp tác trí tuệ, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau" (26, Tr 22) Như vậy, giáo dục là phương tiện mà xã hội dùng để đổi mới và phát triển điều kiện sinh tồn của chính bản thân xã hội . Giáo dục có vai trò to lớn trong việc tái sản xuất sức lao động và thức tỉnh tiềm năng sáng tạo trong mỗi con người, tạo môi trường cho sự phát triển kinh tế xã hội. Đến lượt mình, sự phát triển kinh tế xã hội lại tác động trở lại tạo điều kiện cho giáo dục phát triển. Ngày nay Đảng ta chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hoá hiện đại hoá (CNH-HĐH) nhằm mục tiêu dân giàu nước mạnh xã hội công bằng văn minh, vững bước đi lên CNXH. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII khẳng định: "Muốn tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá thắng lợi phải phát triển mạnh giáo dục - đào tạo, phát huy nguồn lực con người, yếu tố cơ bản của sự phát triển nhanh và bền vững". Giáo dục có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ công nghiệp hoá hiện đại hoá, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Bước vào thời kỳ CNH - HĐH đất nước, ngành Giáo dục và Đào tạo đã và đang đứng trước những cơ hội phát triển mới, đồng thời cũng phải đương đầu với những thử thách mới; yêu cầu phát triển quy mô nhưng phải bảo đảm chất lượng, nâng cao hiệu quả giáo dục - đào tạo. Ở tất cả các bậc học, cấp học đang còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết từ mục tiêu, nội dung chương trình, phương pháp giáo dục - đào tạo, cơ chế quản lý, hệ thống chính sách đến huy động các nguồn lực để phát triển giáo dục đào tạo và đặc biệt là các vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục - nhân tố quan trọng tác động trực tiếp đến chất lượng giáo dục - đào tạo. Đối với việc xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta là khẳng định vai trò quyết định của nhà giáo trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ quản lý trong việc điều hành một hệ thống giáo dục đang ngày càng mở rộng và phát triển. Trong bối cảnh quốc tế đang có nhiều diễn biến phức tạp, đất nước ta đang đứng trước những thời cơ và thách thức mới, trước những yêu cầu của công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội, xu thế hội nhập quốc tế, đòi hỏi nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải là lực lượng nòng cốt quyết định việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu của chiến lược giáo dục Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị lần thứ 2 (khoá VIII) Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Đỗ Mười khẳng định: "Khâu then chốt để thực hiện chiến lược phát triển giáo dục là phải đặc biệt chăm lo đào tạo, bồi dưỡng và tiêu chuẩn hoá đội ngũ giáo viên cũng như cán bộ quản lí giáo dục cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức và năng lực chuyên môn nghiệp vụ"( 8,Tr 13) Điều 86 Luật giáo dục ở khoản 1 qui định " xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch , kế hoạch, chính sách phát triển giáo dục" Khoản 4 và 5 nêu rõ phải: "Tổ chức bộ máy quản lý giáo dục"; "Tổ chức chỉ đạo việc đào tạo bồi dưỡng, quản lý nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục" (24,Tr 54-55) Điều 18 Điều lệ trường tiểu học quy định: "Hiệu trưởng trường tiểu học phải là giáo viên có thời gian dạy học ít nhất 5 năm (không kể thời gian tập sự) ở bậc tiểu học hoặc bậc học cao hơn và được tín nhiệm về chính trị, đạo đức và chuyên môn, có năng lực quản lý trường học, có sức khoẻ"(4,Tr 14) Việc xây dựng và phát triển đội ngũ CBQL các trường tiểu học có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; năng lực giải quyết các vấn đề thực tiễn để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu của bậc học tiểu học - bậc học nền tảng trong hệ thống giáo dục quốc dân và yêu cầu đổi mới trong thời kỳ công nghiệp hoá hiện đại hoá là vấn đề cấp bách và quan trọng. Từ khi cách mạng tháng 8 thành công cho đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục nói chung và bậc học tiểu học nói riêng trong đó có vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý trường học đáp ứng với yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng. Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) đã đưa ra 4 giải pháp quan trọng để phát triển GD&ĐT trong đó có giải pháp đổi mới công tác quản lý giáo dục. Căn cứ vào Luật Phổ cập giáo dục tiểu học ngày 12 tháng 8 năm 1991 và Luật giáo dục ngày 2 tháng 12 năm 1998. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Điều lệ trường tiểu học ngày 11 tháng 7 năm 2000 đã quy định tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực, trình độ; nhiệm vụ; quyền hạn của đội ngũ cán bộ quản lý, đó là những cơ sở quan trọng để xây dựng đội ngũ CBQL các trường tiểu học trong thời kỳ công nghiệp hoá hiện đại hoá. Xuất phát từ thực tiễn giáo dục ở Thành phố Vinh đang trên con đường phát triển, việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý trong những năm qua đã đạt được những kết quả nhất định, song vẫn tồn tại mâu thuẫn lớn cần giải quyết trong quá trình phát triển đó là: Giữa yêu cầu vừa phát triển nhanh quy mô GD-ĐT vừa phải gấp rút nâng cao chất lượng GD-ĐT, trong khi khả năng và điều kiện đáp ứng yêu cầu còn nhiều hạn chế, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý còn nhiều vướng mắc, chưa phát huy hết tiềm năng và thế mạnh của Thành phố. Vì vậy, vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý các trường tiểu học Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An hiện nay là rất cần thiết và vô cùng quan trọng để có thể đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Vinh hiện nay. Trong những năm gần đây, đã có những công trình khoa học đề cập đến những vấn đề khác nhau liên quan đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý trường học nói chung và trường tiểu học nói riêng. Ở Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An cho đến nay chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào bàn về vấn đề xây dựng đôi ngũ quản lý các trường tiểu học. Với những lý do ở trên tôi chọn đề tài nghiên cứu: "Một số biện pháp xây dựng đôi ngũ cán bộ quản lý trường tiểu học Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An trong giai đoạn hiện nay" 2. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU: Trên cơ sở của việc hệ thống hoá những vấn đề lý luận và thực tiễn có liên quan đến vấn đề nghiên cứu, nghiên cứu đề xuất một số biện pháp xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý các trường tiểu học Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An nhằm hoàn thiện đội ngũ cán bộ quản lý trường tiểu học góp phần nâng cao chất lượng và phù hợp với tình hình phát triển giáo dục tiểu học ở địa phương. 3. KHÁCH THỂ VÀ ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU: - Khách thể nghiên cứu: Đội ngũ cán bộ quản lý ở các trường tiểu học thuộc Thành phố Vinh - Đối tượng nghiên cứu: Những biện pháp xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý các trường tiểu học Thành phố Vinh. 4. GIẢ THUYẾT KHOA HỌC: Đội ngũ cán bộ quản lý các trường tiểu học sẽ phát triển cân đối và đồng bộ, đáp ứng sự phát triển của giáo dục và đào tạo nói chung và giáo dục tiểu học nói riêng, nếu đội ngũ cán bộ quản lý được xây dựng trên cơ sở của một hệ thống các biện pháp, được nghiên cứu một cách khoa học và thực tiễn rõ ràng. 5. NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU: - Nghiên cứu việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý nói chung và đội ngũ cán bộ quản lý trường tiểu học nói riêng. - Khảo sát, phân tích, đánh giá về thực trạng đội ngũ cán bộ quản lý các trường tiểu học, thực trạng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý các trường tiểu học Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. - Đề xuất các biện pháp có tính khả thi nhằm xây dựng đôi ngũ cán bộ quản lý các trường tiểu học Thành phố Vinh trong giai đoạn hiện nay. 6. CÁC PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU: - Nhóm phương pháp nghiên cứu lý luận: Nghiên cứu các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Nhà nước, của Ngành và các tài liệu khoa học có liên quan đến vấn đề nghiên cứu. - Nhóm phương pháp nghiên cứu thực tiễn: Điều tra khảo sát thu thập các số liệu, tài liệu, phương pháp chuyên gia, phương pháp quan sát, phương pháp điều tra xã hội học,v.v. - Phương pháp thống kê toán học. Xử lý kết quả nghiên cứu. 7. GIỚI HẠN VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU: - Đội ngũ cán bộ quản lý được nghiên cứu trong đề tài này được giới hạn ở Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng các trường tiểu học. - Phạm vi nghiên cứu: Các trường tiểu học Thành phố Vinh. 8. CẤU TRÚC LUẬN VĂN: Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận văn gồm ba chương sau: - Chương 1: Cơ sở lý luận của việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý các trường tiểu học. - Chương 2: Thực trạng đội ngũ cán bộ quản lý và các biện pháp xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý các trường tiểu học Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. - Chương 3: Một số biện pháp xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý các trường tiểu học Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An trong giai đoạn hiện nay. Cuối luận văn có danh mục tài liệu tham khảo và các phụ lục kèm theo. 9. KẾ HOẠCH NGHIÊN CỨU: - Tháng 6,7: Tham khảo tài liệu và xây dựng đề cương chi tiết - Tháng 8,9: Thu thập các tài liệu lý luận và khảo sát thực tiễn. - Tháng 9,10, 11: Xử lý số liệu, tài liệu và viết luận văn. - Tháng 12: Hoàn thiện luận văn và chuẩn bị bảo vệ.

doc108 trang | Chia sẻ: tuandn | Lượt xem: 2670 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Một số biện pháp xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý trường tiểu học Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An trong giai đoạn hiện nay, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Luận văn liên quan