Mark Twain, bút danh của Samuel Langhorne Clemens (1835 – 1910) được coi là
người đã khai sinh ra nền văn học hiện đại Mĩ, theo cách nhìn của Ernest Hemingway; là
Lincoln của văn học Mĩ như cách gọi của William Dean Howells. Cùng với nhiều tác giả
khác ở thế kỉ XIX, ông đã góp phần tạo nên bản sắc Mĩ cho nền văn học non trẻ vốn chịu
ảnh hưởng văn học Anh quốc. Về mặt này, ngòi bút hiện thực của ông, dựa trên thứ tiếng
Mĩ “bình dân, sống động, khoẻ khoắn” cùng chất uy-mua đặc trưng vùng biên cương, đã vẽ
nên những khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, cuốn hút và đậm chất Mĩ. Nổi bật trong những
bức tranh ấy là hình ảnh dòng Mississipi hùng vĩ và cuộc sống gắn với những chuyến phiêu
lưu của những con người miền Tây
102 trang |
Chia sẻ: duongneo | Lượt xem: 2296 | Lượt tải: 4
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Thiên nhiên trong tiểu thuyết của mark twain, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
---------------------
PHẠM ANH HOA
THIÊN NHIÊN TRONG
TIỂU THUYẾT CỦA MARK TWAIN
Chuyên ngành : Văn học Nước ngoài
Mã số : 60 22 30
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
TS Đào Ngọc Chương
Thành phố Hồ Chí Minh – 2007
MARK TWAIN
(1835 – 1910)
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Mark Twain, bút danh của Samuel Langhorne Clemens (1835 – 1910) được coi là
người đã khai sinh ra nền văn học hiện đại Mĩ, theo cách nhìn của Ernest Hemingway; là
Lincoln của văn học Mĩ như cách gọi của William Dean Howells. Cùng với nhiều tác giả
khác ở thế kỉ XIX, ông đã góp phần tạo nên bản sắc Mĩ cho nền văn học non trẻ vốn chịu
ảnh hưởng văn học Anh quốc. Về mặt này, ngòi bút hiện thực của ông, dựa trên thứ tiếng
Mĩ “bình dân, sống động, khoẻ khoắn” cùng chất uy-mua đặc trưng vùng biên cương, đã vẽ
nên những khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, cuốn hút và đậm chất Mĩ. Nổi bật trong những
bức tranh ấy là hình ảnh dòng Mississipi hùng vĩ và cuộc sống gắn với những chuyến phiêu
lưu của những con người miền Tây
Tuy nhiên, các sáng tác của Mark Twain, đặc biệt là hai tác phẩm đỉnh cao là Những
cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer và Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn đặt trong
bối cảnh của nước Mĩ cuối thế kỉ XIX, còn chứa đựng cả những vấn đề của thời đại. Trong
các tác phẩm của ông, thiên nhiên miền Tây hoang dã với những dấu tích của văn minh
nông nghiệp được các nhân vật say sưa khám phá. Vì vậy, thiên nhiên hoang dã ấy còn
mang ý nghĩa đặc biệt như là sự phản đối nền văn minh công nghiệp bấy giờ. Một cách nhìn
nào đó, nó gợi lên vấn đề quay về quá khứ để tìm tính cách, bản chất con người.
Như vậy các tác phẩm của Mark Twain, đặc biệt hai tiểu thuyết đỉnh cao của ông
không chỉ mang ý nghĩa thẩm mĩ mà còn chứa đựng những vấn đề xã hội và triết học sâu
sắc. Đây là hướng và đồng thời là lí do khiến chúng tôi khảo sát “Thiên nhiên trong tiểu
thuyết của Mark Twain”.
Hơn nữa ở Việt Nam, ông là một trong số ít tác giả văn học Mĩ được lựa chọn để
giảng dạy cả trong chương trình dành cho sinh viên cũng như học sinh phổ thông trung học.
Các nhà nghiên cứu Việt Nam đã quan tâm đến nhiều phương diện, nhiều vấn đề về ông, về
tác phẩm của ông như chúng tôi sẽ tổng thuật trong phần Lịch sử vấn đề sau đây, nhưng
chưa thực sự tập trung nghiên cứu vấn đề thiên nhiên như biểu tượng đặc biệt của cái nhìn
thẩm mĩ và triết lí. Chính vì thế việc chúng tôi nghiên cứu vấn đề thiên nhiên trong tiểu
thuyết của Mark Twain mang một ý nghiã thiết thực. Những gì luận văn của chúng tôi đạt
được sẽ góp thêm một tiếng nói, một cách đánh giá vào dòng nghiên cứu và giảng dạy tác
phẩm của Mark Twain, ít nhất là ở nước ta hiện nay.
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Trong quá trình thực hiện đề tài này, chúng tôi chỉ khảo sát, lí giải vấn đề thiên nhiên
trong tiểu thuyết của Mark Twain với hai ý nghĩa chính : thiên nhiên như là tự nhiên và
thiên nhiên như là bản chất con người nhân vật. Ở ý nghiã thứ nhất chúng tôi tìm hiểu
không gian gắn với những cuộc phiêu lưu của các nhân vật. Còn trong ý nghĩa thứ hai đó là
sự thuần phác trong đời sống tinh thần của các nhân vật được bộc lộ qua các hành động.
Chính trọng tâm này đã dẫn chúng tôi đến việc giới hạn chỉ tìm hiểu vấn đề thiên
nhiên trong hai tiểu thuyết nổi tiếng của Mark Twain là Những cuộc phiêu lưu của Tom
Sawyer và Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn. Bởi vì, chỉ trong hai tác phẩm
đỉnh cao này của Mark Twain thì hai ý nghĩa trên của thiên nhiên mới được nhà văn thể
hiện trong mối tương tác hoàn chỉnh nhất của chúng.
3. Lịch sử vấn đề
Từ việc xác định đối tượng và phạm vi nghiên cứu như trên, chúng tôi, trong quá
trình thu thập tài liệu cho luận văn của mình, đã đặc biệt chú ý đến những ý kiến của các
nhà nghiên cứu về hai ý nghĩa tự nhiên và bản chất của thiên nhiên trong tiểu thuyết của
Mark Twain.
3.1. Thiên nhiên như là tự nhiên
Ở nước ngoài, các nhà nghiên cứu khi hướng sự chú ý vào yếu tố thiên nhiên trong
sáng tác của Mark Twain đã đưa ra những lí giải khác nhau. Năm 1948, trong lời giới thiệu
nhân dịp xuất bản cuốn Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn, NXB Holt, Rinehart
and Winston, Lionel Trilling đã đặc biệt chú ý đến hình ảnh dòng sông, dòng Mississippi,
như một thế giới đối lập với nước Mĩ công nghiệp cuối thế kỉ XIX và nhìn nhận nó như một
vị thần trong hành trình của Huck và Jim.
Đối diện với thần tiền (money-god) vẫn là vị thần sông (river-god), với những vũ khí
phê phán lặng lẽ – ánh sáng, không gian, những khoảng lặng, sự tĩnh mịch và sự đe
dọa [74, tr.15].
Còn Leo Marx, trong bài viết “The Pilot and Passenger : Landscape Conventions
and the Style of Huckleberry Finn” được in trong cuốn Mark Twain a collection of critical
essays do Henry Nash Smith biên soạn, NXB Prentice – Hall, 1963, đã so sánh ba đoạn văn
tả cảnh bình minh trên sông Mississippi trong ba tác phẩm Cuộc sống trên dòng Mississippi,
Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer và Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn. Từ
đó, Leo Marx chỉ ra những nét đặc biệt của cảnh đẹp thiên nhiên trong cuốn Huckleberry
Finn. Nét riêng ấy được tác giả lí giải thông qua điểm nhìn của người kể chuyện :
Là người tham dự, Huck nhiều lúc hòa vào dòng sông mà mình đang kể. Do đó cảnh
vật là sự trần thuật trực tiếp của cậu. Phong cảnh được miêu tả bằng nhiều chi tiết
cụ thể, nhưng chúng đến với chúng ta như những ấn tượng chủ quan. Tất cả các giác
quan của người kể chuyện thì sống động và thông qua chúng, tính chất quí giá của
những sự việc cụ thể trở nên nổi bật. [72, tr.56].
Đồng thời, khi xem xét những bức tranh phong cảnh của Mark Twain, tác giả Leo
Marx còn tiến hành liên hệ với những qui ước và phong cách miêu tả thiên nhiên trong văn
chương nói chung để chỉ ra những nét địa phương của phong cảnh miền Tây và văn phong
của ông. Cảnh bình minh trên đảo Jackson trong cuốn Những cuộc phiêu lưu của Tom
Sawyer được đánh giá là “một cách nói mới về phong cảnh” vì bên cạnh việc sử dụng nghệ
thuật nhân cách hóa quen thuộc đến mức nhàm chán trong văn chương tả cảnh truyền thống,
Mark Twain đã “phá vỡ phong cách của một họa sĩ” khi ông đặc tả một con sâu xanh (the
microscopic focus upon the green worm) vốn được coi là chi tiết không quí phái, không
xứng với những cảnh đẹp như tranh. [72, tr.53].
Có thể nói đây là bài viết khá chi tiết về thiên nhiên trong các sáng tác của Mark
Twain. Tác giả đã xem xét các bức tranh phong cảnh từ góc độ văn phong của nhà văn miền
Tây này. Điều này chỉ có thể tiến hành khi xem xét nguyên tác.
Còn giới nghiên cứu trong nước khi nhắc đến thiên nhiên trong các sáng tác của
Mark Twain thường lí giải chúng như những biểu hiện của bút pháp hiện thực. Các nhà
nghiên cứu hầu hết đều ca ngợi thành công của Mark Twain ở phương diện miêu tả rất sống
động những nét đặc trưng của thiên nhiên biên cương miền Tây trong các tác phẩm của
mình.
Trước năm 1975, trong cuốn sách giáo khoa dành cho chương trình Đệ nhất ABC
sinh ngữ Đại cương văn học sử Mĩ của Đắc Sơn, NXB Khai Trí, Sài Gòn 1961, tác giả viết :
Những cuộc sinh hoạt trên dòng sông, ngoài nội cỏ hay trong cảnh hoang dã của
Hoa Kì đều được mô tả một cách thực thể dưới ngòi bút của Mark Twain qua các tác
phẩm “Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn”, “Cuộc sống trên sông
Mississippi” [49, tr.43].
Bối cảnh thiên nhiên miền Tây còn được đánh giá là một trong ba điểm tạo nên tính
hấp dẫn, lôi cuốn người đọc trong các tác phẩm của Mark Twain, bên cạnh “tài kể chuyện
sống động, duyên dáng” và chất “humour”. Đó chính là nhận định của Trần Văn Hoàn
nhân dịp xuất bản cuốn “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer”, trên tạp chí Diễn đàn Mĩ
năm 1967:
khoảng giữa thế kỉ XIX đã chiếm một địa vị quan trọng trong sáng tác của Mark
Twain : theo chân tác giả, độc giả lần lượt tái diễn cuộc thám hiểm trên trường
giang Mississippi hùng vĩ, cuộc khai phá những đồng cỏ mênh mông đến tận chân
trời của vùng Trung Mĩ[30, tr.138].
Như vậy, dù mới chỉ dừng ở mức độ giới thiệu nhưng cả hai bài viết đều coi thiên
nhiên như là yếu tố tạo nên nét địa phương trong các sáng tác của Mark Twain.
Sau thời điểm 1975, bài phê bình đầu tiên về các sáng tác của Mark Twain là của tác
giả Lê Đình Cúc. Đó là bài viết “Ngòi bút hiện thực phê phán và nghệ thuật hài hước của
Mark Twain” đăng trên Tạp chí Văn học số 3, tháng 5 – 6 năm 1986. Trong quá trình lí giải
tính hiện thực, Lê Đình Cúc có nhắc đến hai không gian “ trường học, nhà thờ đối lập
hoàn toàn với đời sống, với thiên nhiên”. Tác giả đã viết khá chi tiết về cái tù túng, ngột
ngạt của không gian nhà thờ, trường học mà chưa nói đến nét hấp dẫn của không gian dòng
sông, hòn đảo trong những cuộc phiêu lưu của Tom, Huck và các bạn. Đối với hành trình
của Huck và Jim, tác giả đánh giá là để “chuồn khỏi cái “thế giới văn minh”của tầng lớp
quí tộc tư sản” nhưng chưa chú ý đến sự liên hệ giữa hành trình ấy và các hình ảnh thiên
nhiên. Đây là điều chúng tôi sẽ nói kĩ trong chương thứ hai của luận văn này.
Đến năm 1988, khi xuất bản cuốn Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer, nhà xuất
bản Văn học đã in bài giới thiệu của tác giả Hồng Sâm. Các hình ảnh thiên nhiên trong cuốn
tiểu thuyết này cũng được Hồng Sâm nhắc đến như là một sự đối lập với nhà thờ, trường
học. Đồng thời bài viết còn chỉ ra được nét lôi cuốn, hấp dẫn của các hình ảnh thiên nhiên
trong những chuyến phiêu lưu của Tom :
Và thiên nhiên được miêu tả tuyệt vời : Dòng sông Mississippi mênh mang, bãi cát
trắng ngập ánh mặt trời, khu rừng vắng diễm lệ, hang Mc Daugal huyền bí kì ảo.
Thiên nhiên có tâm hồn, “trầm tư mặc tưởng”, “sáng láng” “ru cái ngủ để sắp sửa
bước vào lao động” rồi “tỉnh hẳn và hoạt động lao xao. Thiên nhiên dịu dàng an ủi
khi các em buồn, nghiêm khắc hoặc nổi giận khi các em thấy mình có lỗi. [62, tr.13].
Đây có thể coi là ý kiến đầu tiên thể hiện sự chú ý tới các hình ảnh thiên nhiên cụ thể
với ý nghĩa là không gian phiêu lưu mặc dù trọng tâm mà tác giả muốn bàn luận vẫn là giá
trị phê phán của tác phẩm.
Sau này, trong một bài viết khác của Lê Đình Cúc, điều đó cũng được nhắc đến. Khi
bàn luận về cuốn Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn, Lê Đình Cúc nhìn nhận :
Chương XIX của “Huck Finn”là một trong những chương thơ mộng nhất của
tác phẩm và của văn chương Mark Twain. Trong khi Huck khám phá hai bờ sông với
bao nhiêu quang cảnh kì thú và hùng vĩ của thiên nhiên thì cũng là dịp Huck chứng
kiến những truyền thống văn hóa của người Mĩ ở những thị trấn tỉnh lẻ. [16, tr.349 –
350].
Đó là nhận định từ bài viết “Truyện thiếu nhi của Mark Twain” đăng trên Tạp chí
Văn học số tháng 6 năm 1997. Tuy ra đời sau bài viết đầu tiên về Mark Twain mà chúng tôi
đã nêu ở trên khá lâu nhưng tác giả vẫn chú trọng tới ngòi bút hiện thực và đánh giá thiên
nhiên như là một nét bổ sung cho tính hiện thực ấy và do đó mọi hình ảnh thiên nhiên sẽ có
“giá trị lịch sử”. Phải chăng vì vậy mà sau này tác giả Lê Đình Cúc đã ghép hai bài viết
thành một và cho in trong cuốn Tác gia văn học Mĩ, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 2004,
dưới tiêu đề “Mark Twain (1835 – 1910) – “Đến người bán quan tài cũng phải xót xa
thương tiếc” khi nhà văn qua đời”.
Như vậy có thể thấy các nhà nghiên cứu đã quan tâm nhiều đến tính hiện thực của
yếu tố thiên nhiên trong các tác phẩm của Mark Twain mà chưa gắn nó với truyền thống
phiêu lưu cũng như thể loại tiểu thuyết phiêu lưu của Mĩ để xem xét. Chỉ đến bài viết
“Những cuộc phiêu lưu của Huckle Berry Finn”- nhân vật người kể chuyện và hành trình
của thời đại”, 1997 (bản photocopy) của tác giả Đào Ngọc Chương, vấn đề này mới được
được đề cập đến. Theo chúng tôi, Đào Ngọc Chương đã lí giải một cách khá thuyết phục ý
nghĩa xã hội, lịch sử của hành trình “chối bỏ” văn minh đi về phía thiên nhiên hoang dã của
hai nhân vật Huck và Jim khi đánh giá thiên nhiên như là những biểu tượng :
Cả hai cuộc chạy trốn trên (của Huck và Jim) đều hướng đến tự do theo nghĩa thoát
thoát khỏi những qui định xã hội, tìm về với thiên nhiên mà rừng và sông là những
biểu trưng. Chính vì thế mà cả hành trình là một biểu trưng. [11, tr.19].
Chính sự lí giải này về các hình ảnh thiên nhiên sẽ soi rọi những đặc điểm riêng của
chủ nghĩa hiện thực Mĩ trong tiểu thuyết của Mark Twain. Đây chính là một gợi ý để chúng
tôi tiến hành tìm hiểu vấn đề thiên nhiên trong sáng tác của nhà văn miền Tây này.
Một bài viết khác về Mark Twain khá ngắn gọn nhưng có nhắc đến thiên nhiên trong
tiểu thuyết Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn. Đó là phần giới thiệu về Mark
Twain trong cuốn Phác thảo văn học Mĩ của Kathryn Vanspanckeren, Nxb Văn nghệ thành
phố Hồ Chí Minh, 2001 do Lê Đình Sinh và Hồng Chương dịch :
Đoạn kết mang đến cho độc giả phiên bản trái ngược với huyền thoại cổ điển về
thành công của nước Mĩ : đó là con đường rộng mở dẫn đến miền đất hoang dã chưa
bị xâm phạm, cách xa những ảnh hưởng suy đồi đạo đức của cái gọi là “văn minh”.
[68, tr.122].
Và trung tâm của miền đất hoang dã ấy là “hình ảnh con sông hùng vĩ nhưng đầy
cạm bẫy, luôn luôn thay đổi cũng là nét chính trong bức tranh phong cảnh giàu tưởng
tượng của ông.” [68, tr.123].
Tuy chỉ mang tính chất giới thiệu, nhưng tác giả đã nêu được ý nghĩa của thiên nhiên
khi thể hiện cái nhìn của Mark Twain về xã hội công nghiệp.
Một tác giả khác là Lê Huy Bắc trong cuốn Văn học Mĩ, NXB Đại học Sư phạm 2002
đã dành hẳn chương hai viết về Mark Twain. Không gian trong Những cuộc phiêu lưu của
Tom Sawyer và Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn chỉ được nhắc đến như là
“không gian tồn tại” của các nhân vật. Và sau khi phân tích các sự kiện trả thù, rượt đuổi
mà Huck và Jim tình cờ được chứng kiến trong hành trình của mình, tác giả Lê Huy Bắc kết
luận :
Thế giới của Tom và Huck càng hoang sơ bao nhiêu thì càng dễ nổ ra bạo lực khốc
hại bấy nhiêu. [5, tr.195].
Như vậy nét hoang sơ của thiên nhiên hai bên bờ dòng Mississippi được gắn với “thế
giới bạo lực” chứ không được nhìn nhận như một sự “về nguồn” để phản đối xã hội công
nghiệp.
Khi xem xét thiên nhiên như là không gian sống và hành động của các nhân vật trong
sáng tác của Mark Twain, các nhà nhiên cứu dù chỉ nhắc đến hay có lí giải thì đều chú ý đến
nét hoang sơ của nó. Đây cũng chính là điều chúng tôi chúng tôi sẽ trình bày kĩ trong
chương hai của luận văn. Tuy nhiên chúng tôi sẽ xem xét nó trong mối quan hệ với thể loại
phiêu lưu cũng như với quan niệm của Mark Twain về thời đại.
3.2. Thiên nhiên như là bản chất
Về ý nghĩa thứ hai này của thiên nhiên, bài viết của tác giả Lionel Trilling khi giới
thiệu cuốn Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn mà chúng tôi đã nói đến ở phần
trên có đề cập đến vai trò của dòng sông trong việc dẫn dắt những suy nghĩ và hành động
của Huck. Theo tác giả, chính dòng sông khiến cuốn sách này trở thành một tuyệt tác :
“Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn” là một tuyệt tác bởi nó kể về một vị
thần – đó là sức mạnh với ý chí dẫn đường, và đối với con người, là hiện thân của ý
niệm đạo đức vĩ đại. [74, tr.7].
Nhân vật Huck Finn, vì vậy được Lionel Trilling nhìn nhận như một “đầy tớ” của
“thần sông”. Điều này, nhắc đến ảnh hưởng của thuyết Siêu nghiệm lên cách nhìn thiên
nhiên của Mark Twain. Thiên nhiên có vai trò dẫn dắt trực giác và nhờ nó con người có thể
đến với chân lí. Bài viết đã chỉ ra những trạng thái khác nhau của dòng sông và “tâm trạng
khuây khỏa” cùng “lòng biết ơn” của Huck mỗi khi quay lại dòng sông sau mỗi chuyến vào
đất liền, để từ đó khẳng định vai trò của thiên nhiên trong việc dẫn dắt nhận thức của Huck
trước các vấn đề xã hội.
Tuy nhiên hành trình của Huck và Jim còn gắn với một hình ảnh thiên nhiên khác
cũng trở đi trở lại trong tác phẩm dù ít lần hơn dòng sông, mà Lionel Trilling chưa chú ý
đến. Đó chính là khu rừng, nơi mà Huck nghĩ đến đầu tiên mỗi khi cảm thấy buồn bực; là
không gian bình yên có tác dụng che chở, an ủi nhân vật. Chúng tôi sẽ nói kĩ hơn điều này
trong chương hai của luận văn.
Cũng trong bài giới thiệu này, tác giả Lionel Trilling đã nhắc đến “bản chất đạo
đức” của nhân vật Huck Finn sau khi điểm qua nhiều hành động của Huck; từ việc tìm
người cứu bọn cướp trên chiếc tàu sắp đắm đến việc cảnh báo cho Đức Vua và Quận Công
những tai họa đặc biệt là quyết định cứu Jim sau những đấu tranh nội tâm :
Và tính quả cảm dần hình thành khi dưới sự thúc giục của cảm xúc, Huck bỏ qua
những qui luật đạo đức vốn được xem là mặc nhiên và quyết tâm giúp Jim trốn chạy
khỏi kiếp nô lệ và ngay khi quyết định đi theo lương tri mách bảo và nói cho Jim
biết, Huck đã lấy được những tình cảm hài lòng và nồng ấm của đức hạnh [74, tr.12].
Chúng tôi, trong chương ba của luận văn sẽ xem xét vấn đề thiên nhiên như là bản
chất thuần phác của các nhân vật mà trong đó vấn đề lương tâm, đạo đức trên chỉ là một
khía cạnh.
Vấn đề Thiên nhiên - bản chất cũng được Beernard Noel và Stanley Geist nhắc đến
trong Dictionnaire des personnages, Laffont Bompaini – Paris khi nhận xét về hai nhân vật
Tom Sawyer và Huck Finn. Theo Beernard Noel, Tom
là đứa trẻ có ý thức bẩm sinh về những giá trị chân thực của cộng đồng nên đã trở
thành người thích làm sáng tỏ và khôi phục công lí. Dù em chơi trò Robin Hood hay
đi tìm của chôn dấu, em luôn chọc ngang vào các công việc của người đời để khôi
phục lại cái trật tự mà lương tri và lí trí của những người lớn không duy trì được.
[46, tr.67].
Và đây là nhận xét của Stanley Geist về nhân vật Huck Finn :
xa lạ với những tín ngưỡng và tập quán của nền văn minh. Huck chỉ thấy thân
thiết gắn bó với các lực lượng tự nhiên và những điều huyền bí ẩn dấu trong tự
nhiên. Hoài nghi trước những cảnh tượng đời sống của những con người văn minh,
Huck nói về cuộc sống ấy như thể chú bị ngăn cách bởi một bức tường thủy tinh
trong suốt. [46, tr.69].
Cả hai tác giả đã nhắc đến bản chất thuần phác trong các nhân vật của Mark Twain.
Bản chất ấy bộc lộ trong các trò phiêu lưu trẻ con của Tom; còn đối với Huck, nó bộc lộ
thông qua những suy nghĩ và hành động trong suốt cuộc hành trình về với thiên nhiên. Điều
này nhắc đến cái nhìn triết lí về thiên nhiên của Mark Twain mà chúng tôi sẽ lí giải ở
chương ba của luận văn.
Về vấn đề thiên nhiên như là bản chất trong sáng tác của Mark Twain, các nhà
nghiên cứu trong nước dường như chưa thật sự quan tâm. Nó thường chỉ được nhắc đến mà
chưa chú ý lí giải. Tác giả Lê Hồng Sâm, năm 1988, trong lời giới thiệu cuốn Những cuộc
phiêu lưu của Tom Sawyer, có nhắc đến sự chống đối “có tính chất bản năng” của nhân vật
khi phân tích giá trị phê phán xã hội của tác phẩm thông qua những hành động nghịch ngợm
của Tom ở nhà thờ và trường học. Lê Huy Bắc thì lại đánh giá việc Huck cứu Jim là “hành
động theo lương tri, theo bản chất của con người.” [5, tr.187]. Do đó “Hành trình đơn độc
đưa Jim chạy trốn của Huck là hành trình mang tính cách mạng nhất trong tư duy của một
người da trắng.” [5, tr.193].
Như vậy cái bản chất mà Lê Huy Bắc nhắc đến nghiêng về ý thức, về lí trí nhiều hơn
sự thuần phác mà chúng tôi muốn nói đến khi tìm hiểu các nhân vật trong chương thứ ba.
Cho đến nay, theo chúng tôi, tác giả Đào Ngọc Chương là người đã có những chú ý
về vấn đề này. Trong bài viết “Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn”- nhân vật
người kể chuyện và hành trình của thời đại” mà chúng tôi đã nhắc đến ở trên, tác giả đã chỉ
ra một ý nghĩa mới mẻ là “đi tìm bản sắc dân tộc” trong hành trình hướng về thiên nhiên
của Huck và Jim. Bản chất thuần phác của các nhân vật có thể xem như một phần trong bản
sắc ấy. Sau này, như một sự nhân tiện khi bàn về yếu tố phiêu lưu trong đặc điểm kết cấu -
cốt truyện tiểu thuyết của Hemingway, Đào Ngọc Chương đã nhắc đến Mark Twain:
Kiệt tác “Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn”của Mark Twain ở nửa sau
thế kỉ XIX là một trường