Thực trạng, vai trò và mối quan hệ giữa hai nguồn vốn trong nước và nước ngoài trong việc thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế
Nguồn vốn đầu tư trong nước là phần tích luỹ của nội bộ nền kinh tế bao gồm tiết kiệm của khu vực dân cư, các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp và tiết kiệm của chính phủ được huy động vào quá trình tái sản xuất của xã hội, biểu hiện cụ thể của nguồn vốn đầu tư trong nước bao gồm nguồn vốn đầu tư nhà nước, nguồn vốn của dân cư và tư nhân. 1.1. Nguồn vốn nhà nước: Nguồn vốn đầu tư nhà nước bao gồm nguồn vốn của ngân sách nhà nước, nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước và nguồn vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước. * Nguồn vốn ngân sách nhà nước: Đây chính là nguồn chi ngân sách nhà nước cho đầu tư. Đó là một nguồn vốn đầu tư quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia. Nguồn vốn này thường được sử dụng cho các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, hỗ trợ cho các dự án của doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực cần có sự tham gia của nhà nước, chi cho công tác lập và thực hiện các dự án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng, lãnh thổ, quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn.