Luận văn Phát triển các dịch vụ ngân hàng thương mại Việt Nam trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế
Thế giới đang bước vào kỷ nguyên của hội nhập kinh tế và xu hướng toàn cầu hoá diễn ra rộng khắp. Trong nền kinh tế toàn cầu hoá, các yếu tố của quá trình tái sản xuất hàng hoá và dịch vụ được dịch chuyển tự do hơn từ nước này sang nước khác, thông qua các cam kết mở cửa thị trường. Quá trình toàn cầu hóa là quá trình chứa đựng nhiều mâu thuẫn, có sự xung đột lợi ích giữa các nước, các nhóm nước và là một quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh nhằm thiết lập một trật tự kinh tế thế giới hợp lý hơn, công bằng hơn. Khi gia nhập vào các tổ chức thương mại trong khu vực và trên thế giới, mỗi quốc gia đều có những mục đích riêng, nhưng nhìn chung thì các nước đều muốn hướng tới một nền kinh tế phát triển, một xã hội văn minh, hiện đại, đời sống xã hội được cải thiện. Do đó toàn cầu hoá vẫn tiến về phía trước, như một tất yếu khách quan. Từ thực tế này, một câu hỏi được đặt ra trong chính sách thương mại và đầu tư của mỗi quốc gia là tham gia vào tiến trình toàn cầu hoá hay đứng ngoài tiến trình ấy? Tham gia vào tiến trình toàn cầu hoá, tiến cùng thời đại tuy thách thức là rất lớn, nhưng cơ hội cũng rất nhiều. Không tham gia vào tiến trình ấy, trở thành người ngoài cuộc sẽ bị phân biệt đối xử trong tiếp cận thị trường về hàng hoá, dịch vụ và đầu tư. Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra trên nhiều lĩnh vực như : trao đổi hàng hóa, dịch vụ, chuyển giao công nghệ giữa các quốc gia và khu vực, lưu chuyển vốn quốc tế, tạo điều kiện cho các quốc gia có thể hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật công nghệ, trong hoạt động kinh doanh. Việt Nam đã có những chủ động và đang từng bước tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế. Trong lĩnh vực ngân hàng, hội nhập kinh tế quốc tế sẽ tạo ra động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới của hệ thống ngân hàng Việt Nam, tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm về vốn, kinh nghiệm quản lý, công nghệ, hoạch định chính sách tiền tệ, Từ đó có giải pháp phòng ngừa hoặc giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả kinh doanh, nâng cao uy tín kinh doanh trên thị trường tài chính quốc tế .Trong lĩnh vực ngân hàng, với chức năng và vai trò là kênh huy động và cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế, các ngân hàng thương mại đã không ngừng mở rộng quy mô hoạt động và đối tượng khách hàng thông qua các quan hệ tín dụng tiền tệ và phát triển các hoạt động dịch vụ ngân hàng khác. Trong lịch sử ngành ngân hàng, chưa có thời điểm nào các ngân hàng thương mại lại phát triển mạnh như hiện nay. Ngoài 5 ngân hàng thương mại Nhà nước, còn có 37 ngân hàng thương mại cổ phần, 13 công ty tài chính, 26 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 4 ngân hàng liên doanh và một hệ thống cả ngàn quỹ tín dụng nhân dân từ trung ương đến cơ sở. Để có thể nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đòi hỏi các ngân hàng thương mại Việt Nam phải từng bước chuyên môn hóa sâu hơn các nghiệp vụ ngân hàng, nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn, nhanh chóng tiếp cận và phát triển các hình thức dịch vụ ngân hàng hiện đại, đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ ngân hàng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành ngân hàng trong nền kinh tế hiện đại. Hơn bất cứ ngành nào, lĩnh vực ngân hàng cần phải tăng tốc nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, sự lớn mạnh này vẫn chưa đủ trong cuộc cạnh tranh với ngân hàng khu vực và trên thế giới. Dịch vụ ngân hàng được dự báo là lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt khi vòng bảo hộ cho ngân hàng thương mại trong nước không còn.